Hàng năm, cứ đến dịp giáp Tết là nhiều cặp vợ chồng lại cảm thấy lo lắng vì những vấn đề liên quan đến tiền thưởng Tết, tiền sắm Tết, tiền biếu bố mẹ ngày Tết...Quả thực, Tết chỉ vui với những đứa trẻ thơ. Còn khi trưởng thành, Tết là nỗi lo âu nhiều hơn là niềm vui. Cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây cũng gặp phải tình huống khó xử khi Tết đã cận kề.
Đòi chia tiền sắm Tết với nhà anh trai, vợ làm chồng giận tím mặt
Mới đây, trên một hội nhóm chuyện tâm sự chuyện vợ chồng, một người dùng tên H.A đã chia sẻ chuyện hôn nhân của mình. Được biết, vợ chồng anh này đang cãi nhau vì vấn đề tiêu Tết. Theo người dùng này, vợ anh là người hết sức tiết kiệm và tính toán trong chi tiêu.
Cô ấy rất khéo vun vén để không phải chi tiêu quá nhiều mà vẫn đảm bảo cuộc sống gia đình. Tết đến, người vợ đòi chia tiền sắm Tết với gia đình anh trai chứ không muốn một mình chi trả. Điều này khiến người chồng cảm thấy khó ăn khó nói với anh trai và thấy buồn vì vợ mình quá kẹt sỉ.
(Ảnh minh họa)
Trích tâm sự của người dùng này:
"Vợ chồng chúng mình vừa cãi nhau to, chỉ vì vấn đề tiêu Tết nên mình tâm sự chút. Cả 2 đứa cùng quê, yêu nhau cũng được 2 năm, khi biết có em bé, chúng mình đã cưới luôn hồi tháng 10. Cô ấy sinh năm 98, xinh xắn, công việc ổn định, lành tính, chỉ có điều là rất tiết kiệm, tính toán từng đồng. Em làm gì mua gì cũng chỉ ở mức thiếu hoặc vừa đủ chứ chưa bao giờ thừa cả.
Mình lại xởi lởi trong vấn đề tiền nong, vì thế từ ngày xưa 2 đứa đã có nhiều lần cãi nhau. Ví dụ đi xem phim, cô ấy chỉ mua 1 bỏng, 1 nước, uống dè chừng chứ không để để phí. Đến khi lấy nhau, mỗi bữa cô ấy chỉ cho đi chợ 30-60 ngàn /bữa/2 đứa, đồ ăn cũng mua từ quê cho rẻ. Mỗi lần lên Hà Nội là tay xách nách mang, có khi đi xin rau cả họ hàng để đem lên Hà Nội.
Ở quê, bố mẹ mình rất thoáng, mỗi lần con cái về là sẽ gọi hàng xóm sang ăn, bọn mình đi mua đồ về nấu thì cô ấy vặn vẹo nói hàng xóm không bỏ tiền góp chung, nếu có tính chia tiền ăn thì cô ấy tính cả tiền mắm muối, ga điện cho hàng xóm, khiến họ cũng rén. Hoặc khi gia đình mình có bố mẹ, gia đình anh trai, gia đình em gái sang ăn thì hai vợ chồng mình mua một bữa, bữa sau nhà anh trai, em gái thay phiên chứ quyết không để thiệt. Có khi cô ấy càm nhàm về việc gia đình em gái sang ăn mà không mua cái gì hết.
Rồi bây giờ đến lúc sắm Tết, vợ nói cho ông bà nội ngoại mỗi bên 5 triệu ăn Tết, sắm bánh kẹo, quà cáp ngang nhau chứ không bên nào hơn. Mình đồng ý. Tuy nhiên về phần bố mẹ mình, chúng mình sẽ phải lo thêm tiền sắm Tết cho bố mẹ, từ tiền thịt, gia vị, trang trí nhà, mình muốn mua thêm 1 bộ bàn để nhà bếp... vì vợ chồng nghỉ tết sớm nên muốn về sắm luôn.
(Ảnh minh họa)
Cô ấy không đồng ý, nếu sắm như thế thì phải để hóa đơn rồi chia đôi với nhà anh trai, chứ quyết không để cho vợ chồng sắm hết. Mình có giải thích, vợ không nghe. Cô ấy nói rằng bố mẹ mình còn trẻ, đang đi làm có lương, hàng tháng vẫn gửi tiền cho ông bà, còn đóng tiền điện, sắm điều hòa cho cả nhà, trong khi nhà anh trai có điều kiện hơn mà không bỏ ra.
Hễ cái gì là vợ mình lôi nhà anh trai ra, bắt phải 50-50, chi hơn 1 đồng cũng không được. Tiền lì xì cho bố mẹ 2 bên cũng chỉ 300 ngàn/người, trẻ con chỉ 10-20 ngàn, trong khi hồi mình chưa lấy vợ đã lì xì ít nhất 50 ngàn rồi. Tự dưng Tết nhất lại thành những ngày tính toán, vợ chồng cãi nhau.
Thu nhập của mình thật sự đủ cho vợ con sống thoải mái, chứ không đến nỗi chắt bóp. Từ lúc lấy vợ đến giờ là 3 tháng, đúng là tiền tiết kiệm nhân lên chóng mặt, tiền nong mỗi tháng vợ chỉ chi ra 5-6 triệu cho 2 đứa cả tiền nhà, đồ ăn thỉnh thoảng mới mua còn lại vừa xin vừa mua 2 bên nội ngoại, trong khi hồi trước mình tiêu hơn số đó nhiều. Nhưng nhiều lúc, vợ tiết kiệm quá khiến mình thấy gò bó, tiết kiệm với cả nhà đẻ chứ không phải riêng nhà chồng.
Bố mẹ mình biết tính, không chấp, nhiều khi còn khen vợ biết tính toán, nhanh giàu, còn dặn mình đưa tiền cho vợ giữ sau này còn lo cho con. Cũng vì tính toán thế mà giờ 2 đứa vẫn giận nhau, chưa quyết được vấn đề tiêu tết. Chả biết các cô khi lấy chồng có tính toán như vậy không!"
Sau khi đọc xong dòng tâm sự của người dùng này, nhiều cư dân mạng khen cô vợ có tài tính toán, vun vén, tiết kiệm. Còn chuyện chia đôi chi phí sắm Tết với gia đình chồng, nhiều người cho rằng "mất lòng trước được lòng sau", thà nói thẳng ngay từ đầu còn hơn cứ cố ngậm ngùi chịu thiệt thòi.
(Ảnh chụp màn hình)
"Thấy nhiều bạn ước giống được như cô vợ thế nhỉ. Tiết kiệm khác, tính toán (bủn xỉn) khác chứ. Vấn đề cùng chia đôi trách nhiệm và đóng góp,... chăm sóc cha mẹ với anh trai thì mình ủng hộ. Chứ mà mắm, muối, ga, củi,... cũng phải tính thì thật sự mệt mỏi quá. Tuy nhiên, cũng chỉ nên xởi lởi với người xứng đáng, chứ ai ai quan hệ, giao lưu với nhau cũng tính toán chi li như vậy thì làm gì còn chỗ cho tình cảm nữa ạ", một người dùng viết.
"Lúc bạn có 4 bánh chở bố mẹ đi, có nhà to rủ bố mẹ lên chơi. Con cái học trường tốp. Ốm đau có tiền chữa bệnh thì lúc đó bạn quay lại hỏi vợ xem", một người khác bình luận.
Làm sao để vợ chồng tránh mâu thuẫn, lục đục dịp giáp Tết
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, khi không có áp lực, trước mỗi việc ai cũng thường có suy nghĩ rất thấu đáo. Nhờ điều đó mà vợ chồng cũng ít cáu gắt hơn. Khi phải chịu nhiều áp lực, mệt mỏi cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt vào thời điểm những ngày cận Tết, tâm lý nhiều người sẽ dễ dao động.
Tết đến xuân về cùng niềm vui một năm mới, kèm theo bao mối lo về dọn dẹp nhà cửa, công việc cơ quan, sắm sửa, đối nội đối ngoại… dễ khiến vợ chồng đau đầu. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá lên cao hiện nay để lo cái Tết tươm tất cũng tốn một khoản không hề nhỏ. Và khi kinh tế không đảm bảo, chuyện giận nhau là điều khó tránh.
Không những thế, dịp Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ đã vài chục năm. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng khi chồng muốn vợ ăn Tết nhà nội, vợ lại muốn về nhà đẻ. Mỗi người đưa ra một quyết định, bắt người kia phải theo mình dẫn tới cãi vã. Chuyện này thường rơi vào những cặp vợ chồng trẻ.
Theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, mâu thuẫn, cãi cọ vợ chồng nào cũng gặp phải trong đời sống vợ chồng. Điều quan trọng là cả hai khéo léo giải quyết, đừng để những lý do trên chi phối làm cho nảy sinh xung đột khiến Tết mất vui.
Trong những ngày Tết nhiều việc và chi tiêu nhiều, các cặp vợ chồng càng cần phải bình tĩnh hơn trong việc giải quyết. Để tránh điều này, vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết. Vợ chồng hãy lên kế hoạch ngay từ giờ cho công việc, sắp xếp nhà cửa từ trước để việc chuẩn bị đón năm mới không quá tất bật. Tránh việc dồn tất cả mọi việc vào sát Tết quá. Nếu không khéo sắp xếp sẽ dẫn đến cảm giác phải gánh nhiều việc, khi quá mệt mỏi khó tránh khỏi khó chịu. Bùng nổ mâu thuẫn là rất dễ xảy ra.
Các cặp vợ chồng hãy lập một danh sách những việc phải làm, ai sẽ là người chịu trách nhiệm ở mỗi đầu việc đó để san sẻ gánh nặng cho nhau. Trong việc chi tiêu Tết, đừng vì quan niệm "mỗi năm chỉ tiêu Tết có một lần" nên vung tay mua sắm. Việc mua bán khi xuất phát từ ý riêng của một người mà không có sự thông qua trước, nhất là những vấn đề lớn mâu thuẫn càng căng thẳng hơn. Cách duy nhất để tránh những mâu thuẫn nảy sinh, vợ chồng nên bàn bạc kĩ với nhau để tìm tiếng nói chung trong chi tiêu ngày Tết.
Với việc về quê ăn Tết ở đâu, phải cùng nhau bàn bạc chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại. Hoặc cùng thống nhất với nhau rằng, năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia trong trường hợp gia đình hai bên quá xa nhau. Bởi ngày nghỉ Tết dù có dài nhưng nếu đi lại mất quá nhiều thời gian cũng sẽ không thể có được những ngày nghỉ đúng nghĩa. Trong trường hợp vì lý do khách quan, hãy cân nhắc sự quan trọng của lí do đó để có quyết định trên cơ sở chia sẻ cùng nhau.
Khánh An
Chuyện ấm tình người ở Đà Nẵng trước khi bão Noru đổ bộ