Thúy Hạnh: "Về đến thềm nhà là gác tất cả công việc sang một bên"

Vân Đặng 2014-11-26 09:20
- "Nếu người phụ nữ “giải phóng” mình khỏi bếp núc – nay cho chồng con ăn fastfood, mai ăn 'cơm đường, cháo chợ"… thì sớm muộn cũng “giải tán” luôn gia đình của mình", Thúy Hạnh nói.
Thúy Hạnh cùng lúc kiêm nhiệm nhiều vai trò, vừa quản lý người mẫu thuộc công ty BB Plus Academy & Entertainment, vừa làm giám khảo nhiều show thực tế, vừa làm MC... Dù bận rộn tối ngày nhưng chị luôn tâm niệm: có làm gì thì trước tiên chị cũng là người phụ nữ của gia đình và không bao giờ cho phép mình lơ là chồng con, "giải phóng" mình khỏi việc bếp núc, nấu nướng bởi nếu người vợ nay cho chồng con ăn fastfood, mai ăn "cơm đường cháo chợ" thì sớm muộn cũng "giải tán" luôn gia đình của mình.
 
- Vì sao chị lại đồng ý cho con gái - bé Suti tham gia show “Bố ơi mình đi đâu thế”?
 
Trước khi quyết định cho Suti tham gia “Bố ơi, mình đi đâu thế?” phiên bản Việt, Thúy Hạnh đã xem format của Hàn Quốc và thấy chương trình này có tính nhân văn rất cao. Ngoài ra, trong tư duy của người Á Đông thì bao giờ mẹ cũng là người gần gũi và chăm sóc con nhiều nên Hạnh muốn tranh thủ cơ hội để chồng và con gái hiểu nhau, gắn kết với nhau hơn. Và một “ý đồ” nữa của Hạnh là muốn nhân show này cho Suti trải nghiệm nhiều hơn những khó khăn để con biết sẻ chia và cứng cáp hơn. 
 
- Nhưng khi thấy con bật khóc nức nở như lúc phải ngủ ở chuồng bò hay toát mồ hôi, ngủ trong căn nhà lợp tôn trong khi nhiệt độ ngoài trời là hơn 30 độ C, nắng nóng… chị cảm thấy thế nào? Có chút hối hận về quyết định của mình?
 
Xót con thì có chứ hối hận thì không. Trong các thử thách của chương trình, đôi khi Suti có thể nhõng nhẽo một chút, khóc lóc một chút… nhưng Thúy Hạnh hiểu: con gái sẽ hòa đồng, thích ứng rất nhanh và thích thú trải nghiệm những điều mới lạ. 
 

 

- Theo dõi show “Bố ơi, mình đi đâu thế” thấy Suti là cô bé rất ngoan, lém lỉnh, thông minh và “dạn” (không nhút nhát), chị có bí quyết gì “huấn luyện” con như thế?

 
Với bất kỳ ai, thói quen sẽ hình thành tính cách và tính cách hình thành con người. Ở nhà, vợ chồng Hạnh dạy con theo kiểu Đông – Tây kết hợp. Ví dụ như người Việt mình có thói quen “đi chào, về hỏi”; ăn uống phải mời còn người phương Tây thì khi được ai giúp đỡ hoặc tặng quà đều “Cảm ơn”, mắc lỗi thì sẽ “Xin lỗi”… Suti và Suli đều được vợ chồng Thúy Hạnh dạy như thế.
 
Trong gia đình Thúy Hạnh, cha mẹ có lỗi luôn sẵn sàng xin lỗi con. Bởi khi mình tạo cho con cảm giác cha mẹ là người bạn lớn thì khi gặp bất kỳ khó khăn, khúc mắc nào... con sẽ tin tưởng mà tâm sự với mình.
 
Ngoài ra, mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng, cách dạy đứa này có hiệu quả chưa chắc áp dụng với đứa kia sẽ thành công. Như Suli và Suti nhà Hạnh là hai tính cách hoàn toàn khác biệt. Em Suti năng động, bạo dạn còn chị Suli thì hiền lành, ngoan hơn, nhút nhát hơn so với em nên Hạnh cũng phải lựa để dạy cho thích hợp. Có đôi khi là mắng cô em nhưng dịu với cô chị hoặc ngược lại. Muốn dạy con thì phải hiểu con để có phương pháp đúng nhất.
 
Và Thúy Hạnh thương con nhưng không vì thế mà nuông chiều theo mọi ý thích của con, làm thay con mọi việc bởi cha mẹ đâu thể sống thay cuộc đời của con, bên con 24 giờ/7 ngày. “Thả” cho con chơi, tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa và để chúng tự làm, tự trải nghiệm một số việc… chúng sẽ tự lập và rút ra được nhiều bài học. Cũng từ đó mà con “dạn” hơn, tự lập hơn.
 
- Kiêm nhiệm nhiều vai trò, vừa quản lý người mẫu, vừa là giám khảo nhiều show thực tế, đôi khi lại làm MC… Làm nhiều việc như thế, chị có cảm thấy mình là người ôm đồm? Và chị sắp xếp thời gian cho gia đình thế nào?
 
Thúy Hạnh không nghĩ mình là người ôm đồm. Bất kỳ ai cũng có thể làm 2; 3; 4 việc cùng một lúc miễn sao có khả năng và biết tổ chức công việc, biết phân chia thời gian hợp lý.
 
Quản lý người mẫu là công việc đã theo Thúy Hạnh 21 năm nay. MC cũng làm gần 10 năm rồi, còn “nghiệp” giám khảo như một cái duyên. Ở 3 “sân chơi” này, Thúy Hạnh được thể hiện và phát huy hết khả năng của mình và luôn cố gắng làm tốt nhất có thể. Có nhiều người hỏi Hạnh sao không “lấn sân” sang Điện ảnh, Ca sĩ… nhưng Hạnh hiểu năng lực của mình đến đâu và với vị trí, vai trò nào thì có thể làm tốt. 
 
Khi làm việc, Thúy Hạnh sẽ dồn sức dốc tâm để công việc đạt hiệu quả tốt nhất. Nhưng về đến thềm nhà là sẽ gác tất cả công việc sang một bên để toàn tâm toàn ý chăm sóc 2 con và vun vén gia đình. Bởi có những khoảnh khắc “vàng” của con, nếu mình “đánh rơi” hay bỏ lỡ đến lúc hối hận, muốn tìm lại cũng không được. 
 
 
 
- Chị cũng là gương mặt quen thuộc trong các chương trình ẩm thực như: Siêu đầu bếp, Vào bếp là chuyện nhỏ, Đầu bếp đỉnh… Dường như chị rất có duyên với bếp núc? Chị có phải là người phụ nữ mê nội trợ? Và theo chị, công việc bếp núc đóng vai trò thế nào trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình?
 
Công việc bếp núc, nấu nướng là đam mê của Thúy Hạnh nên có show nào về ẩm thực mời làm giám khảo hay MC là hào hứng liền (cười). Ngày xưa, mẹ là người truyền cảm hứng cho Hạnh còn bây giờ có chồng, con để thêm hứng thú sáng tạo và nấu nướng mỗi ngày. 
 
Với Thúy Hạnh, những bữa cơm là sợi dây gắn chặt tình cảm gia đình. Vậy nên, theo Hạnh, dù bận rộn đến đâu thì chị em phụ nữ vẫn nên duy trì một vài bữa ăn chung tự nấu ở nhà, đặc biệt là cuối tuần. Nếu người phụ nữ “giải phóng” mình khỏi bếp núc – nay cho chồng con ăn fastfood, mai ăn 'cơm đường, cháo chợ"… thì sớm muộn cũng “giải tán” luôn gia đình của mình. Khi căn bếp “ấm lửa” thì hạnh phúc sẽ thêm “đượm hương”. Chẳng phải tự nhiên chị em truyền nhau bí kíp: “Muốn chinh phục trái tim đàn ông, trước hết hãy thỏa mãn dạ dày của anh ta” đâu nhé! (Cười).
 
- Ngoài chinh phục trái tim chồng bằng "chiêu" thỏa mãn dạ dày của anh ấy, chị còn bí kíp nào để vợ chồng luôn hòa thuận không? Khi vợ chồng bất đồng quan điểm, chị thường xử lý thế nào?
 
Nói bí kíp thì có vẻ “đao to búa lớn” quá! Thúy Hạnh nghĩ là gia đình hạnh phúc, yên ấm hay không là do cách sống và quan niệm sống của mỗi người. Ai cũng có cái TÔI riêng nhưng khi đã là vợ, là chồng thì phải sống cho cái CHÚNG TA chứ không phải bất kỳ việc gì cũng đòi nhất nhất theo ý mình. Phải học cách chấp nhận cách sống của nhau, chấp nhận những lúc cả hai bất đồng quan điểm trong việc nuôi nấng con cái… thì mới có thể nắm tay nhau dài lâu.
 
Trong cuộc sống vợ chồng, Thúy Hạnh luôn chủ trương là “một điều nhịn chín điều lành” và chồng nóng thì vợ bớt lời. Bởi đàn ông Việt nói chung, “cái tôi” của họ rất lớn. Nếu phụ nữ đem “cái tôi” của mình để đối chọi với họ, tranh đúng sai với họ thì sẽ chỉ có “chiến tranh” xảy ra.
 
Khi chồng cáu giận, vợ có nói gì hay làm gì thì họ đều không để vào mắt. Vậy nên, tốt nhất là để “lửa giận” của chồng “nguội” đi rồi mình mới nên quay lại đàm phám, góp ý. Mình bớt lời lại, nhường nhịn chồng những lúc bất đồng quan điểm sẽ chẳng thiệt đâu.
 
- Có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, theo chị, câu nói này thời nay có đúng không và đàn ông đóng vai trò thế nào trong việc xây tổ ấm?
 
Dù người phụ nữ đóng vai trò chính trong việc xây tổ ấm nhưng để duy trì ngọn lửa hạnh phúc gia đình, người chồng không thể đứng ngoài cuộc. Muốn xây tổ ấm thì đàn ông phải chung tay vào với phụ nữ. Các ông chồng không thể đòi hỏi cuộc sống lúc nào cũng ấm êm, “cơm ngon canh ngọt” nếu để vợ đi làm 8 tiếng rồi về làm việc nhà, lo cơm nước, con cái một mình. Ngôi nhà sẽ không thể trụ vững trước “sóng gió” nếu vợ chồng không “đồng tâm hiệp lực”, không biết sẻ chia với nhau. 
 
- Xin cảm ơn chia sẻ của chị!
 
Vân Đặng
(Theo congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chọn quần jeans ôm cho nàng mũm mĩm