Từ màn kén vợ 'phải biết đẻ con trai': Con gái ạ, một chàng trai không thể bắt bạn không được làm việc gì đó nếu không có sự đồng tình của chính bạn

Tú Anh 2021-12-03 14:15
- Quan điểm sống là tuỳ thuộc vào mỗi người nhưng có những quan điểm quá lệch lạc sẽ bị dư luận chỉ trích.

Mới đây, quan điểm về chọn vợ của chàng trai Huế tên Công Hoàng trong chương trình Hành lý tình yêu đã trở thành chủ đề nóng trên MXH. Dư luận không tin rằng ở giữa thế kỷ XXI vẫn còn tồn tại những suy nghĩ cũ kỹ, cổ hủ, trọng nam khinh nữ ở một chàng trai trẻ thành đạt.

Theo như giới thiệu, Công Hoàng 30 tuổi, làm kế toán lại thành phố lớn. Anh cho biết ba mẹ người Huế, rất truyền thống và khó tính nên có lấy vợ thì vợ cũng phải ở nhà chăm sóc gia đình. Người con gái mà anh chọn làm vợ phải là người không sơn móng tay móng chân, không nhuộm tóc và phải có trình độ - tức có học thức cao. Nhưng đỉnh điểm của bộ tiêu chí chọn vợ mà chàng trai Huế này đưa ra là: Nếu vợ không đẻ được con trai thì sẽ ly hôn.

Phương Dung - cô gái tham gia chương trình cùng Công Hoàng là một nữ tiếp viên hàng không. Với tính chất công việc năng động, hiện tại, giao lưu nhiều, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa - tức có trình độ cao hơn mặt bằng chung, những tưởng Phương Dung sẽ không thể chấp nhận ngay từ tiêu chí đầu tiên là không sơn móng tay móng chân và không nhuộm tóc, thứ tiêu chí đầy định kiến và can thiệp vào tự do cá nhân. Nhưng không, cô chấp thuận.

Chọn vợ phải biết đẻ con trai, chàng trai Huế đang sống ở thời nào?

Thậm chí, đối diện với yêu cầu ở nhà chăm sóc gia đình, Phương Dung dừng lại một lúc và vẫn chấp nhận với suy nghĩ: Nếu chồng yêu chiều, cô sẵn sàng hy sinh sự nghiệp.

Tuy nhiên, đến tiêu chí cuối cùng là phải đẻ con trai để nối dõi tông đường, cô gái này bỏ cuộc. Một cô gái có trí tuệ thì đều sẽ hiểu, việc đẻ con trai không phải việc có thể lên kế hoạch hay nằm trong tầm kiểm soát của mình. Chưa kể, cách mà chàng trai mô tả về sinh hoạt trong gia đình như đàn ông mâm trên hưởng của ngon vật lạ, đàn bà mâm dưới ăn những đồ thừa mâm trên mang xuống cũng dễ khiến bất kỳ cô gái nào cũng phải sợ hãi.

Chương trình ngay sau khi phát sóng đã nhận về phản ứng dữ dội từ dư luận. Một bộ phận đứng ở góc độ nữ quyền đã chỉ trích nam chính, đồng thời chỉ trích cả nữ chính vì cách cô phản ứng yếu ớt với một chàng trai thể hiện thái độ coi thường phụ nữ từ trong máu, xem phụ nữ chỉ là cái máy đẻ, là thành viên thấp kém trong gia đình.

Song, nếu đặt sang một bên các yếu tố về nữ quyền và bình đẳng giới, thì màn kén vợ của chàng trai kia có thực sự không chính đáng?

 

Chọn vợ phải biết đẻ con trai, chàng trai Huế đang sống ở thời nào?

Hãy cứ nhìn vào thái độ của cô gái trẻ khi chàng trai đưa ra các điều kiện. Ngoại trừ điều kiện cuối cùng, cô chấp nhận được hầu hết. Điều đó có nghĩa là, hoàn toàn ở đâu đó có một cô gái có thể chấp nhận được tất cả các điều kiện, bao gồm cả việc đẻ được con trai. Nói một cách khác là, mỗi người đều có quyền đưa ra các tiêu chí chọn vợ chọn chồng của riêng mình, quan trọng là tìm được người đáp ứng được các điều kiện đó. Xét khách quan, họ khá đàng hoàng khi không cưới vợ về mới áp đặt điều kiện mà đưa ra điều kiện trước khi tìm hiểu. Đồng ý tìm hiểu rồi mới có thể có quan hệ tình cảm và sau đó nếu thuận tình thì mới cưới.

Chàng trai và gia đình chàng trai có thể là "của hiếm" khi duy trì những quan điểm, tập tục lạc hậu về phụ nữ nhưng về cơ bản, phải có những người phụ nữ đồng thuận với các quan điểm, tập tục đó mới đặt chân vào nhà đó làm dâu. Một cuộc hôn nhân được duy trì lâu dài hay không, có êm ấp hay không phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa vợ và chồng, cũng như sự tương đồng về suy nghĩ, văn hóa, lối sống, trình độ giữa họ với nhau chứ không phải với xã hội hay cư dân mạng.

Chọn vợ phải biết đẻ con trai, chàng trai Huế đang sống ở thời nào?

Ở khía cạnh khác, nếu chàng trai Huế đòi hỏi vợ mình phải chuẩn mực truyền thống, đầy đủ tam tòng tứ đức mà chính bản thân anh ta cũng vẹn toàn tam cương ngũ thường, thì cũng là điều tốt. Chỉ đáng chỉ trích khi anh chàng này đưa ra tiêu chí trên trời về một người vợ xuyên không từ thế kỷ XIX nhưng chính anh ta lại chẳng có lấy một điểm của bậc chính nhân quân tử.

Như đã nói ở trên, ai cũng có quyền đưa ra tiêu chí về người mà ta sẽ yêu hay sẽ lấy làm vợ làm chồng. Nữ ca sĩ Sam ra điều kiện người đàn ông cô yêu phải có tối thiểu 30 tỷ. Hoa hậu chuyển giới Hương Giang ra điều kiện chồng cô phải chấp nhận hai điều kiện: Không sinh con và không ở cùng bố mẹ chồng. Rất nhiều cô gái khác ra điều kiện đàn ông phải có nhà có xe có sự nghiệp thành đạt mới được phép tìm hiểu mình. Tuy nhiên, xã hội có phần bao dung với phụ nữ ra điều kiện chọn chồng và khắt khe hơn với đàn ông ra điều kiện chọn vợ. Dù xét ở khía cạnh bình đẳng giới, yêu cầu 1 phụ nữ phải đảm đang nội trợ và yêu cầu một người đàn ông phải giỏi kiếm tiền đều bất công như nhau.

Cuối cùng thì, sự việc về chàng trai Huế sở dĩ có thể khiến MXH dậy sóng đều là nhờ công của nhà sản xuất chương trình. Vốn dĩ những nội dung nhạy cảm, động chạm đến bình đẳng giới và dễ gây hiểu lầm về văn hóa, thuần phong mỹ tục và nhất là văn hóa vùng miền, nhà sản xuất hoàn toàn có thể cắt bỏ trước khi đưa lên sóng. Nhưng họ đã không làm vậy, thậm chí còn biên tập cho màn kén vợ xưa nay hiếm này thành spotlight. Chàng trai vốn chỉ nói về quan điểm của gia đình anh ta nhưng đã bị quy chụp thành đại diện cho văn hóa xứ Huế, tạo ra nhiều tranh luận gay gắt không đáng có. Tới nỗi đích thân một quan chức chính quyền Huế phải lên tiếng trên trang cá nhân về vụ việc.

Còn các cô gái xin hãy cứ bình tĩnh, một chàng trai không thể bắt bạn không được nhuộm tóc, không được sơn móng tay móng chân, không được đi làm mà phải ở nhà chăm chồng chăm con, cơm ăn mâm dươi... nếu như không có sự đồng tình của chính bạn.

Tú Anh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


30 phút làm thon gọn và săn chắc cơ (Phần 2)