Mâm cỗ Tết của chàng trai Huế trên đất Nhật: 'Ngày 30 năm nào cũng nghỉ làm để nấu bữa cơm tươm tất'

2021-02-14 17:15
- Năm nào cũng vậy, ngày 30 Tết dù bận gì đi nữa, Thiện Đức cũng thu xếp nghỉ làm để nấu mâm cỗ tươm tất.

Ở Việt Nam, chuyện chuẩn bị một mâm cỗ Tết không mấy khó khăn vì các thứ được bày bán sẵn ở chợ, siêu thị, hay các gian hàng online. Chỉ cần vài ba ngày là mua đủ các thứ cho mâm cỗ Tết, nhưng với những người sống xa Tổ quốc để làm ra một mâm cỗ đủ các món khá vất vả, từ khâu chọn nguyên liệu, mua bán cho đến một mình tự tay nấu.

Mâm cỗ Tết tươm tất, chu đáo

Mới đây, một chàng trai người Việt Nam đang học ở Nhật Bản đã chia sẻ mâm cỗ Tết khá chu đáo và tươm tất cũng có hành muối, gà, nem... các món đặc trưng như ở quê nhà. Trò chuyện với chúng tôi, chủ nhân của mâm cỗ Tết là Phạm Tấn Thiện Đức (người Huế, đang học tại Tokyo, Nhật Bản). 

Thiện Đức cho biết, Nhật Bản không ăn Tết âm lịch như nhiều nước châu Á nên vào dịp Tết ở Việt Nam thì chàng trai trẻ vẫn đang vào kỳ thi ở trường nên không thể về quê nhà sum họp cùng gia đình. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc về Việt Nam càng khó hơn. "Không chỉ năm nay mà năm nào đêm 30 Tết, Đức cũng chuẩn bị một mâm cơm đón giao thừa để có không khí Tết, ba mẹ ở nhà nhìn có mâm cơm tươm tất cũng an tâm, không sợ con trai ở một mình nơi đất khách sẽ buồn", Thiện Đức chia sẻ.

Mặc dù, ngoài giờ học còn đi làm thêm nữa, nhưng cứ đến 30 Tết hàng năm, Thiện Đức đều xin nghỉ cả ngày. Anh chàng vào bếp nấu nướng làm mâm cỗ hoàn tất, xem Táo Quân, gọi điện cho ba mẹ để cảm thấy gắn kết với gia đình. Sau những giờ phút ấm áp đó, ngày mùng 1 Tết, Đức lại đi làm như bình thường.

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến làm cho Thiện Đức nhớ không khí rộn ràng của những ngày trước Tết. Đó là lúc mà mọi người dọn dẹp, mua sắm kẹo mứt, ngắm rồi mua hoa trang trí... "Ở bên này lên facebook thấy các bạn chụp ảnh đăng lên làm Đức có chút tủi thân, vì du học sinh như em hầu như ai cũng phải đi làm thêm đến đêm 30 Tết mới xin nghỉ làm để gọi điện về gia đình. Từ ngày mùng 1 lại phải đi làm như bình thường vì Nhật Bản không ăn Tết như ở Việt Nam", Đức tâm sự.

Nhớ khung cảnh Tết Việt

Đến nay, Thiện Đức đã có 5 năm sống ở Nhật Bản. Nhưng mỗi dịp gần Tết, chàng trai trẻ lại mơ giây phút sum họp, đoàn viên, đi chợ Tết và cảm nhận không khí rộn ràng mà chỉ có ở Việt Nam mới có. Hai năm đầu tiên, Đức sống cùng bạn nên bạn bè thường tụ tập ăn Tết cùng nhau nên không chuẩn bị đồ ăn mà chỉ mua bên ngoài về. Tuy nhiên, từ năm thứ 3, Đức sống riêng, một mình một nhà nên thoải mái tự chuẩn bị mâm cỗ Tết. 

 

"Các nguyên liệu của mâm cỗ đều được mua rồi chế biến. Những món khó như bánh chưng không làm được thì Đức mua ở cửa hàng bán đồ Việt Nam tại Nhật Bản. Ở Nhật Bản, các cửa hàng Việt Nam bán rất nhiều đồ, không thiếu thứ gì cả. Còn lại các món như chả giò, chả thủ hay nem chua và các món khác đều tự làm. Đức mua nguyên liệu ở siêu thị rồi về làm, ăn cũng không khác ở nhà là mấy", Đức chia sẻ.
Mặc dù có mâm cỗ Tết tươm tất, nhưng dù sao đi nữa, cảnh sống xa nhà vẫn không thể được như ở nhà. Mỗi dịp Tết đến, Đức nhớ đến cảnh mẹ nấu mâm cơm để cúng giao thừa. Mỗi lần như vậy, Đức đều vào bếp phụ mẹ nấu nướng nên cách nấu, quy trình chuẩn bị, các nguyên liệu mua thế nào và nêm nếm ra sao đều được chàng trai trẻ ghi nhớ. Từ những lần như vậy mà giờ đây Thiện Đức có thể vào bếp để làm mâm cỗ Tết trên đất Nhật Bản. Cuộc sống tự lập cũng giúp Đức biết nấu ăn hơn, tay nghề "lên" nên chuyện làm mâm cỗ không có gì khó khăn. 
"Khi nấu xong, bày biển ra bàn, thấy món nào cũng ngon, Đức cảm thấy vui và hào hứng nữa", Thiện Đức bày tỏ.
Thời điểm Tết Âm lịch ở Việt Nam cũng là lúc dịch bệnh ở Tokyo bùng phát mạnh, các quán ăn đóng cửa từ 20h nên việc hạn chế tu tập và đi ăn bên ngoài là không được. Ngoài ra, do dịch nên bạn bè, người quen của Đức cũng hủy các chương trình gặp, chúc tụng nhau, ngay cả việc đi mua đồ ăn ở các cửa hàng bán đồ Việt Nam cũng vắng hơn. 
"Bạn bè Đức hầu như đặt đồ ăn số lượng lớn trên mạng rồi ship về nhà để đỡ đi lại. Còn Đức chuẩn bị Tết một mình nên không ảnh hưởng nhiều", Thiện Đức cho hay.
Chia sẻ cùng bạn bè Nhật Bản thưởng thức cỗ Tết
Sau khi nấu mâm cỗ xong, Thiện Đức không ăn một mình mà sẽ gói lại rồi đến lớp chia cho các bạn người Nhật. Những bạn bè của Đức rất thích món ăn Việt Nam, ai ăn cũng khen ngon lại vừa biết thêm về văn hóa ẩm thực Việt Nam.
"Một mâm cỗ như năm nay Đức đã phải chuẩn bị nguyên liệu từ những ngày trước. Ví dụ như chả giò, chả thủ, nem chua thì mất thời gian nên phải làm trước vài hôm để đến đêm 30 là vừa ăn được. Còn lại những món xào, hầm, rán, xôi, chè thì nấu dần từ sáng đến chiều là xong. Nấu xong dọn lên bàn chụp ảnh xong thì vừa ăn vừa gọi điện cho ba mẹ để khoe ba mẹ", Thiện Đức cho hay.
Mặc dù, sống một mình nhưng Đức vẫn thường nấu các món ăn Việt Nam để vơi nỗi nhớ nhà và phù hợp khẩu vị bản thân. Những người bạn của Đức cũng rất thích món ăn Việt, mỗi lần nấu món gì ngon, chàng trai gốc Huế lại đưa đến lớp cùng thưởng thức. "Bạn bè của Đức thích rất nhiều món Việt Nam nhưng món thích nhất là bún bò Huế. Người Nhật có món mỳ Ramen nên khi ăn bún bò Huế thấy sợi bún khác nên người ta rất thích thú", Thiện Đức chia sẻ.
Anh Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ngụy trang nốt mụn kém duyên trong vòng 1 nốt nhạc chỉ với 6 bước thần thánh