Năm mới Quý Mão 2023 đã sang. Vậy là mùa xuân đã về với đất trời, với lòng người. Trước Tết, trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng than vãn rằng sợ Tết, ghét Tết nhưng kỳ thực Tết là quãng thời gian ý nghĩa nhất trong năm. Vì vậy, không thể bỏ Tết, không có Tết. Đó là quan điểm mà MC Trần Quang Minh chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
MC Quang Minh nhắn gửi: 'Tóm lại là phải có Tết, để thắp hy vọng, dệt ước mơ cho mọi người'
Mới đây, trên trang cá nhân, MC Trần Quang Minh đã viết một bài viết bày tỏ quan điểm của mình về ngày Tết. Nam MC cho rằng Tết lâu nay luôn là ngày lễ quan trọng nhất trong năm.
Người Á Đông muốn đón Tết hoành tráng để năm mới lúc nào cũng ấm no, đủ đầy. Cũng bởi vậy mà người dân nỗ lực làm việc, lao động để có được cái Tết no, Tết ấm.
Trước quan điểm Tết xưa đẹp, Tết giờ không vui, nam MC đáp ngày nay khi xã hội và kinh tế phát triển, người ta sợ Tết, không thích Tết vì áp lực tiền bạc. Ngoài ra, mặc dù nhiều người ghét Tết, sợ Tết nhưng Tết đến vẫn có nhiều người vui như trẻ em, thanh niên, người già.
Gia đình MC Quang Minh tươi cười đi chúc Tết.
Trước quan điểm nên bỏ Tết, MC phản đối hoàn toàn. Anh cho rằng Tết tạo ra áp lực để người lao động nỗ lực nhiều hơn để bản thân, gia đình có một cái Tết no ấm. Ngoài ra, Tết là ngày sum họp, có những người cả năm chẳng được gặp cha mẹ, chỉ mong được về sum vầy vào dịp Tết.
Nam MC viết:
"Tết cổ truyền xưa nay vẫn luôn là những ngày quan trọng nhất của năm. Và cũng do duy tâm của người Á Đông thì thường những ngày đầu năm phải hoành tráng, no đủ, ăn ngon mặc đẹp để những mong cả năm cũng sẽ giàu sang sung túc.
Bởi vậy, trong những ngày Tết, ai cũng muốn phải hoành tráng. Và từ cách nghĩ đó mà mọi ngành, nghề và người lao động đều nỗ lực lao động, sản xuất, kinh doanh trong những tháng ngày cận Tết để có cái Tết no đủ với đúng nghĩa này.
Ngày xưa Tết “đẹp” hơn bây giờ?
Không phải đâu. Khi xưa kinh tế còn khó khăn, thì những mong ước cũng nhỏ bé, nó không gắn nặng vào nhu cầu như bây giờ. Không nhiều biểu hiện biếu xén, không tham nhũng vặt làm khổ sở các doanh nghiệp, tiểu thương, không có gánh nặng hơn thua sỹ diện vì cơm áo gạo tiền như bây giờ.
Khi xã hội và nền kinh tế phát triển, nó cũng sẽ dần có những phân biệt giàu nghèo. Người nghèo đi lao động xa quê, chỉ mong Tết đến được thưởng rồi còn về nhà. Nhưng khi nghĩ đến về nhà lo đồng quà tấm bánh, hẳn không ít người dù không nói ra những cũng thấy rầu lòng, cũng bởi hầu bao họ không thể đủ đầy đề lo cho quê nhà. Nhiều người xin ở lại thành phố, hoặc chỗ làm để hòng trốn tránh một cái Tết. Họ sợ Tết.
Đa phần mọi người than vãn về Tết. Bận hơn, nhiều mối lo hơn, nhiều người Tết qua đi nhưng nợ nần mắc lại cũng bởi quá tay, quá tiêu. Chưa kể tệ nạn cờ bạc theo kiểu “tìm vận may đầu năm” để dẫn đến thua tha, nợ nần.
- Trẻ con vui.
Đương nhiên là trẻ con. Được vui, nghỉ học, chỉ ăn và đi chơi, có tiền mừng tuổi.
Nói đến tiền mừng tuổi, tôi chỉ đơn giản là nhà tôi chẳng hạn. 4 ông, ai mà đến chơi thì cũng “bầm dập”, đó là tôi hay nói vui với mọi người. Còn các con thì đâu có hiểu rằng, chúng nó được nhận 1, thì bố mẹ phải bỏ ra bằng 3-4-5 lần thế, chả lẽ để bạn bè “lỗ vốn” khi đến chơi nhà mình sao? Vậy nên nhà tôi lại phải “gồng mình đón Tết” mà các con chả thể hiểu.
Nếu không mừng tuổi nhiều, người ta lại cho mình là chơi không fair, thế là mang tiếng, mà đầu năm đã mang tiếng thì cả năm còn gì là mở mày mở mặt… thế là lại gồng. Rõ khổ. Rồi thành ra “sợ Tết”.
- Người già vui.
Đương nhiên người già thích vì đó là mùa đoàn tụ. Con, cháu ở khắp nơi trở về, quây quần, chúc tụng, ăn uống, đầm ấm sum họp bên gia đình. Còn gì vui hơn. Chúng con đi cả năm rồi, Tết phải về bên ông bà cha mẹ chứ lị.
- Thanh niên vui.
Quá vui, xúng xính đi chơi, quần áo mới, lại có tí yêu đương hò hẹn nữa thì còn là dịp tuyệt vời để tụ tập, tỏ bày tình cảm.
Tết có thích không? Có vui không? Có nên bỏ/giữ Tết cổ truyền không?
Thú thật là vui, là thích, và nên giữ quá đi chứ lị. Áp lực làm việc kiếm tiền ăn Tết trong những ngày cận Tết cũng xứng đáng mà. Áp lực tạo động lực. Làm để Tết ấm no.
Chẳng qua là các cấp các ngành làm sao để người lao động có điều kiện tăng thêm thu nhập. Tiêu diệt nạn tham nhũng vặt để bà con tiểu thương, hộ kinh doanh và doanh nghiệp còn có cửa mà hỗ trợ cho người lao động của họ có Tết.
Còn nhớ có năm rộ lên tin biểu quyết bỏ Tết nguyên đán, khả năng là do người gợi ý bị áp lực quá, kiểu như vài trường hợp mình nêu trên nên đột xuất muốn tham mưu “bỏ Tết”.
Tóm lại, phải có Tết. Thắp hi vọng, dệt ước mơ cho mọi người, mọi nhà. Còn bây giờ tôi phải ngồi nghĩ cách kiếm tiền mừng tuổi và ăn Tết cho bằng bạn bằng bè đây. Đau đầu quá sức…
Sợ Tết thật sự các bạn ạ."
Dòng chia sẻ của nam MC đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng. Nhiều người đồng tình với anh rằng Tết là khoảng thời gian tạo áp lực cho người lao động. Nhưng một năm vẫn phải có Tết, Tết vẫn đến để nhà nhà sum vầy, trao nhau niềm vui, ước mơ, hy vọng.
"Tết to hay nhỏ, mệt hay vui là do mỗi người cảm nhận thôi anh. Với em, Tết là khoảng thời gian em nạp lại năng lượng và cũng là dịp để thăm hỏi người thân và bạn bè nên em vẫn mong Tết", một người viết.
"Chuẩn luôn anh, không có Tết buồn lắm", một người khác bình luận.
Bí quyết để Tết vừa nhàn nhã, vừa vui
Làm mọi việc cùng nhau
Ngày nay, khái niệm ăn Tết to đã không còn được chú trọng. Thay vào đó, mọi người hướng đến một cái Tết nhàn nhã, vui vẻ. Không nhất thiết bạn phải có chuyến du xuân thật hoành tráng mới được xem là “ăn Tết lớn”.
Thay vào đó, các thành viên trong gia đình chỉ cần sum vầy, chia sẻ cùng nhau việc nhà, mỗi người một tay chăm nom nhà cửa, nấu bữa cơm đoàn viên là đã mang được không khí ngày xuân về nhà. Nhiều người phụ nữ than ghét Tết, sợ Tết cũng là vì họ phải lo lắng, cáng đáng rất nhiều việc. Nhưng nếu được gia đình, chồng con giúp đỡ thì Tết sẽ nhẹ nhàng, nhàn nhã biết bao nhiêu.
Nhà văn Hoàng Anh Tú từng nói: "Không phải thời nay phụ nữ không cần hy sinh hay không cần quan tâm đến truyền thống, gia đình mà chỉ đơn giản là CÙNG NHAU. Muốn truyền thống, muốn gia đình thì phải cùng nhau mà làm thôi.
Tết đâu chỉ thành Tết từ bàn tay phụ nữ? Tết chỉ có thể thành Tết với sự góp tay của cả gia đình. Tôi cũng không ủng hộ những người phụ nữ lười biếng. Nhưng tôi cũng chẳng khen những phụ nữ một tay lo tất cả. Bởi Tết nếu chỉ mình phụ nữ quán xuyến thì cũng chẳng còn là Tết nữa đâu."
Ở nhà quây quần, đầm ấm
Tết là để sum vầy sau một năm mỗi người đều vất vả với công việc riêng của mình. Trong 7 ngày nghỉ Tết, mọi thành viên trong gia đình nên tạm gác những mối bận tâm riêng để cùng trò chuyện, giải trí, đi chơi cùng nhau, tạo ra kỷ niệm đẹp, sự gắn kết gia đình.
Tết thời công nghệ đôi khi khiến chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi những tin nhắn hay mạng xã hội. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ một cách thông thái để gắn kết gia đình Tết này.
Khánh Chi
Mai Phương Thúy mặc áo dài đi bê tráp, lộ một chi tiết tinh tế khiến dân tình hết lời khen ngợi