Về Nghệ An khám phá nét độc đáo làng nghề gốm cổ Trù Sơn
2016-03-12 10:00
- Nói đến Trù Sơn, người ta nghĩ ngay đến cái nôi của nghề gốm xứ Nghệ nổi tiếng bởi nơi đây duy nhất trong cả nước làm ra các loại nồi bằng đất.
Tin liên quan
Làng Trù Sơn, còn gọi là làng Nồi, xưa thuộc Trù Ú, cách thị trấn Đô Lương 20km về phía đông nam. Từ Quốc lộ 46 rẽ sang đường 15 đến Mỹ Sơn (Đô Lương), sau đó vượt qua đỉnh Cồn Nem, là đặt chân đến Trù Sơn. Hình ảnh xuất hiện đầu tiên dễ dàng bắt gặp khi đến mảnh đất Trù Sơn đầy nắng và gió của xứ Nghệ là những mẻ gốm thô đã được trải dài phơi nắng đỏ rực.
Mỗi một sản phẩm gốm làm ra là cả sự cẩn thận và tỉ mỉ của người làm.
Không ai biết chính xác cái nghề 'vắt đất làm nồi' có ở Trù Sơn từ thời nào. Chỉ biết rằng, để phục vụ nhu cầu trong đời sống, những người nông dân ở đây đã tìm cách tạo ra những sản phẩm từ đất phục vụ cho sinh hoạt của mình, rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện mang đi bán.
Khác với gốm Bát Tràng hay gốm sứ Hội An được dùng làm vật trang trí trong cung đình vua chúa bởi mang vẻ cầu kỳ, tinh sảo thì gồm Trù Sơn lại được dùng trong đời sống hằng ngày như nồi, siêu dùng để đun nấu thức ăn, sắc thuốc. Nét đặc biệt, các sản phẩm ở làng gốm Trù Sơn được nung bằng lò củi truyền thống và đều được làm bằng tay thủ công.
Về tận nơi đây, được chứng kiến các công đoạn mới thấu hiển được nỗi vất vả để có một sản phẩm ra đời.
Đầu tiên, để có đất làm gốm tạo nên những chiếc nồi đất ưng ý, người dân ở Trù Sơn thường phải vượt cả quãng đường 10 cây số xuống xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc lên tận Sơn Thành (Yên Thành) mới chọn được đất thích hợp để làm gốm mang về .
Ngay sau khi đất được lấy về qua bàn tay khéo léo của những người thợ làm gốm, nhồi kỹ tước khi cho lên bàn xoay để tạo ra hình dáng thô sơ của những chiếc nồi, chiếc siêu. Công đoạn phần thô đã xong, tiếp đó những chiếc nồi sẽ được người thợ gọt lại cho thật trơn và đem đi phơi nắng, trước khi đưa vào lò nung.
Công việc đòi hỏi sự khéo léo nên phụ nữ trong làng là người đảm đương.
Theo những bậc cao niên trong nghề để có được mẻ gốm đạt chất lượng, quan trọng nhất vẫn là khâu đun gốm. Gốm được xếp trong một cái lò xây bằng đá ong, nung bằng lá thông, đặc biệt bên ngoài có một lớp rơm để giữ nhiệt. Và được đun liên tục trong vòng 4-5 tiếng đồng hồ.
Vừa nung gốm những người thợ gốm chia sẻ: 'Công đoạn khó nhất là lúc xếp nồi vì nếu xếp không khéo dễ bị sập. Và khi lò gốm tí cháy hết những cái mùn, ra màu than khác khác thì lúc ấy đã chín và nồi lúc ấy rất chắc chắn'.
Mỗi một chiếc nồi chỉ bán với giá từ 1 đến 5 nghìn đồng, nhưng người dân Trù Sơn vẫn sống dựa vào nghề. Bới không chỉ mang đến thu nhập, giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn, hơn thế những người làm gốm nơi đây gắn bó với nghề để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thồng từ bao đời nay của những người con Trù Sơn.
Gốm Trù Sơn đặc biệt được nung bằng lá thông, bên ngoài có một lớp rơm để giữ nhiệt.
Các cụ cao tuổi hằng ngày vẫn miệt mài làm gốm để giữ gìn nghề truyền thống lâu đời của làng.
Dọc theo các con đường quốc lộ, đường làng, ngõ xóm… không khó để bắt gặp những hình ảnh rất đỗi thân quen các bác, các chú cùng chiếc xe thồ mang theo chiếc nồi đất Trù Sơn lặn lội suốt ngày tới tất cả mọi vùng miền trên cả nước. Những chuyến xe thồ ấy dường như trở thành hình ảnh đẹp, thân thuộc, chở theo cả sự cần cù vất vả của những con người nơi đây.
Giây phút nghỉ ngơi của những người thồ nồi đi bán dạo.
Ngược xuôi những chiếc xe thồ chở nồi đi bán dạo.
Nếu có dịp ghé thăm ngôi làng đầy nắng và gió Trù Sơn của mảnh đất xứ Nghệ để tìm hiểu công đoạn tạo ra các sản phẩm bằng gốm. Chắc chắn rằng, bạn sẽ thấu hiểu được sự vất vả của những người thợ gốm nơi đây và càng trân quý những chiếc nồi, chiếc siêu trong nhà hơn.
Huyền Trần
Ảnh: Quốc Đàn
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
6 son môi hot nhất thu đông năm nay nàng nào cũng nên ‘rinh’ ngay