Thắng cố - món ngon "nhớ đời" của núi rừng Tây Bắc

Thảo Nguyên 2015-09-27 11:01
- Thắng cố vốn là món ăn đặc trưng truyền thống của người H'mông, trải qua gần 200 năm tồn tại, người Dao, Nùng, Tày rồi cả người Kinh cũng đã ăn và thử nấu thắng cố.

Nằm trên vùng núi cao cách thành phố Lào Cai khoảng 76km, bạn sẽ phải trải qua những cung đường đèo uốn khúc để đến được với chợ Bắc Hà nơi còn giữ những nét truyền thống của một con chợ vùng cao. Người ta đến chợ để tìm mua các vật dụng phổ biến của vùng cao từ cuốc xẻng, trâu ngựa cho đến thổ cẩm, rau củ. Và không thể nào không ngồi xuống nhâm nhi dăm chén rượu ngô bên nồi thắng cố ngựa đang bốc hơi nghi ngút.

Thắng cố - món ngon 'nhớ đời' của núi rừng Tây Bắc
Có thể mua đủ các loại hàng hóa tại chợ, nhiều nhất là những tấm thổ cẩm dệt tay đầy màu sắc.
Truyền thuyết về tên gọi thắng cố có nhiều nhưng thuyết phục hơn cả thì tên gọi "thắng cố" chính là biến âm từ "thoảng cố", trong tiếng Mông có nghĩa là "nồi nước". Thắng cố của người H’mong vốn chỉ được nấu từ thịt ngựa, sau này các dân tộc khác cải biên thành thắng cố thịt trâu, bò, lợn. Nguyên liệu cũng khác, cách nấu cũng khác. Nhưng thắng cố Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa - Lào Cai vẫn được đánh giá là ngon nhất.

Người H’mong xưa nấu biến món ăn này có đôi chút khác với ngày nay. Họ mổ ngựa, làm thịt sạch sẽ, lấy các bộ phận và nội tạng ăn được của con vật chặt ra từng miếng. Họ tán nhỏ địa liền, quế, lá chanh nướng và các loại thảo quả khác của rừng rồi ướp vào thịt cho ngấm. Nấu thắng cố phải sử dụng bếp lửa than. Khi than thật đượm, người H’mong dùng chảo lớn mà bắt buộc phải là chảo cũ rồi trút vào tất cả thịt thủ, thịt mông, tim, gan, lòng, phèo vào, xào theo kiểu "mỡ ngựa rán ngựa" (dùng chính mỡ có trong thịt để xào, không thêm mỡ ở ngoài). Khi miếng thịt cháy xe cạnh, người ta đổ nước vào chảo và cứ thế ninh sôi sùng sục hàng tiếng đồng hồ cho nhừ. Người nấu phải canh chừng để múc váng, bọt trong chảo giúp nước thêm ngọt, thêm trong. Khi ăn có thể cho thêm các loại rau và ăn đến đâu, múc đến đấy chứ không bắc nồi ra khỏi bếp.

Người nấu phải luôn canh chừng chảo thắng cố để hớt váng mỡ thường xuyên, giúp nước trong và ngọt (Ảnh Internet).

Mỗi lần đến phiên chợ, những quán thắng cố luôn đông tấp nập người. Người vùng cao đi chợ để mua để bán và để ngồi với nhau bên bát thắng cố nghi ngút khói. Một bát thắng cố to cỡ bốn người ăn. Rượu bán ngay quán sát bên cạnh sẵn sàng cho những cơn say ngả say nghiêng. Rượu không chứa trong chai thủy tinh mà đựng trong những chiếc can nhựa to hay vò sành mà những con ngựa đã miệt mài cõng xuống núi từ sớm tinh mơ hay từ đêm hôm trước. Chén thơm nồng mùi men lá thoảng qua vị béo ngậy “thơm điếc mũi” của thắng cố thì ai chả phải ăn, phải uống. Cứ như thế, phiên chợ này qua phiên chợ khác, năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, người vùng cao gặp nhau, say với nhau, chân thật, nồng nàn và không vụ lợi.

Thắng cố múc vào bát tô to đủ bốn người ăn (Ảnh Internet).

Người H'mông xuống chợ mua bán, trao đổi hàng hóa, cùng ăn thắng cố và uống với nhau bát rượu ngô đến ngất ngây say mới về (Ảnh Internet).

Rất nhiều người ở thành phố đắn đo trước khi quyết định có nên ăn thử món lạ này hay không. Bởi có nhiều “truyền thuyết” cho rằng mùi đặc trưng của món ăn là bởi người H’mông nấu tất tật ruột, gan, phèo, phổi, lòng của con ngựa mà không rửa sạch những chất bẩn bên trong. Nhưng thật oan cho món ăn này. Mùi vị đó có là do những gia vị riêng của người dân tộc nấu cùng mà tạo nên. Nếu bạn can đảm nếm thử một lần món ăn này bên bếp lửa hồng, nhâm nhi chén rượu ngô vùng cao, chắc chắn rằng bạn sẽ bị cuốn vào ngất ngư với hương vị mê đắm nhưng mộc mạc của đại ngàn Tây Bắc.

Thảo Nguyên

Ảnh: Đức Art

(Theo Congluan)

Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Elly Trần diện áo tắm cắt khoét táo bạo, Ji Chang Wook có thể có vai chính trong dự án mới