Vui học môn Văn - Tiếng Việt cùng bé

2014-12-15 18:03
- Môn Tiếng Việt là môn học có tầm quan trọng bậc nhất trong các môn học ở tiểu học (được xem là môn học “công cụ”), vì thế, bố mẹ hãy cùng bé học môn này thật tốt nhé!

 

Việt Nam là một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử, trong quá trình hình thành và phát triển để có diện mạo như ngày nay, dân tộc ta đã phải trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến đổi nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá của mình. Tiếng Việt là công cụ giao tiếp, công cụ tư duy của dân tộc đã gắn liền với trang sử vẻ vang đó.

Môn Tiếng Việt là môn học có tầm quan trọng bậc nhất trong các môn học ở tiểu học (được xem là môn học “công cụ”). Nó giúp trẻ hình thành và phát triển các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt (đọc, nghe, nói, viết). Có đọc thông, viết thạo mới hiểu được nội dung văn bản thì mới nắm được thông tin và giải quyết được những vấn đề mà văn bản đã nêu ra; nghĩa là học tốt môn Tiếng Việt mới có thể học tốt được các môn học khác. Tiếp nối môn Tiếng Việt ở Tiểu học, từ cấp Trung học cơ sở trở lên là môn Ngữ văn - cũng là môn học có vị trí quan ở trường phổ thông.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều học sinh không thích học văn, nguyên nhân thì có nhiều, có thể là do yếu tố khách quan như cơ chế thị trường, do nhận thức lệch lạc của gia đình, của không ít người về vị trí của các môn Khoa học xã hội nói chung, của môn văn nói riêng trong xã hội; do các em còn lười học, mải chơi, do cách dạy, cách học,...

Dưới đây, tác giả bài viết xin gợi ý đôi điều cho các bậc cha mẹ giúp trẻ yêu thích học môn văn hơn:

1. Tạo thói quen quan sát, mô tả

Các mẹ cần tạo cho trẻ thói quen quan sát, mô tả ngay từ lúc trẻ còn nhỏ, lúc bắt đầu biết nói, biết quan sát, hay khi đang đi học mẫu giáo, khi mới vào tiểu học,… Chẳng hạn, bé quan sát các đồ đạc trong phòng khách, cho bé “mô tả, thuyết trình” cho cả nhà nghe, khích lệ bé bằng những lời khen, chỉnh sửa cho bé các lời hay, ý đẹp khi mô tả cái bàn, cái ghế, hình dáng, màu sơn,… Hay khi bé chơi công viên, cho bé mô tả, kể lại bằng lời về phong cảnh, cây cối và những “bình luận” của bé về công viên.

>>> Xem thêm: Mọi đứa trẻ đều thông minh, sự thật là thế!

Việc tạo thói quen quan sát và mô tả sẽ giúp trẻ có cái nhìn tinh tế và cảm xúc hơn với sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, đồng thời cũng luyện ngôn ngữ nói cho trẻ và sẽ giúp trẻ viết tốt hơn. Các mẹ nhớ là có thể bé mô tả rất thật và chưa hay về những đồ vật, phong cảnh,… nhưng phải khích lệ bé, phải chăm chú lắng nghe bé nói, tránh dùng các từ chê bai là con sẽ chán.

Dần dần các mẹ khích lệ bé kiểu như “vốn từ tiếng Việt của con đã phong phú thêm nhiều rồi và nếu con chịu khó quan sát, mô tả thì con sẽ nói viết hay hơn, học giỏi môn văn và sẽ trở thành nhà văn trong tương lai đấy”, hay “nhà mình sắp có một nhà văn nổi tiếng”,…

2. Trò chơi đố chữ

Theo một số chuyên gia nghiên cứu về giáo dục, việc học càng gần với việc chơi thì hiệu quả càng cao, càng cuốn hút trẻ và “Hãy tượng tượng ra các trò chơi để củng cố những điểm chính: những trò chơi mà bạn có thể chơi một mình hoặc chơi cùng người khác” - Gordon Dryden và Jeannette Vos.

Học tiếng mẹ đẻ thông qua việc tạo ra trò chơi đố chữ, các câu đố vui vui này nên đơn giản, phù hợp với trẻ, vì vậy tốt nhất là các bố mẹ tự sáng tác, dần dần tập cho trẻ tự “sáng tác câu đố”. Các trò chơi đố chữ ở đây không có gì là to tát, không cần bài bản, gần gần việc “đuổi hình bắt chữ” nhưng “hình” ở đây được yêu cầu người tham gia đố mô tả, người trả lời nói đúng ý người mô tả là được, cũng có khi người ra câu đố mô tả chưa tốt nên ra nhiều đáp án hoặc không thể tìm được đáp án, tuy nhiên đấy cũng là cách luyện tập, cách học mà vui.

Chẳng hạn, mẹ đố bé:

- Cái gì bật sáng trong đêm, giúp cho nhà dưới, nhà trên sáng ngời? (cái đèn)
- "Miệng tròn, lòng trắng phau phau. Đựng cơm, đựng thịt, đựng rau hàng ngày" là những thứ gì? (bát, đĩa)

Hoặc nghĩ ra những câu đố liên quan đến tính cách, thói quen (tốt, xấu) của các thành viên trong gia đình như bà, bố, mẹ, anh chị,… để ra câu đố làm cho cả nhà cùng cười vui. Một hình thức vừa giải trí vừa học tiếng Việt nhẹ nhàng. Ví dụ, bé lười đánh răng thì có thể đố vui: “Là bé trai, thích ăn ngọt, hay kể chuyện vui, lười đánh răng, bé là ai?”

3. Trò chơi luyện viết

Khi trẻ đã vào tiểu học, đã biết viết nên nhiều điều, bắt đầu bằng những trò chơi luyện viết vui vui (ngay cả khi trẻ đã học tiểu học hoặc THCS vẫn nên tiếp tục) về những cảm xúc trong ngày, cảm xúc về các thành viên trong gia đình hoặc những điều trẻ ngại nói với bố mẹ bằng việc bố mẹ bé lập một thùng thư và cả nhà cùng tham gia viết. Tối đến sau khi cơm nước xong, khoảng 8h30 – 9h, bố mẹ các bé có thể mở thùng thư và “giải quyết”.
 
Chủ đề viết rất rộng về cảm xúc, về cam kết một điều gì đó hoặc góp ý hài hước cho các thành viên trong gia đình. Ví dụ: “Bố ơi hôm sau phải dậy sớm hơn, sáng nay bố đưa con đến lớp hơi muộn giờ”. “Mẹ ơi con sẽ cam kết không để mẹ phải nhắc con đánh răng nữa, ăn cơm tối xong con sẽ đánh răng ngay” hay “Mẹ ơi hôm nay mẹ nấu canh chua ngon tuyệt, con ăn được nhiều, hôm sau mẹ nhớ nấu món này nhé”.
Hoặc mẹ bé viết: “Con gái hôm sau nhớ giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn tối nhé”...

Với sự khích lệ của bố mẹ và cứ luyện dần dần theo kiểu chơi mà học, dần dần trẻ sẽ nói hay hơn, viết tốt hơn và đặc biệt là trẻ sẽ yêu hơn tiếng mẹ đẻ, thích học môn văn hơn.


Thành Tâm
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hoạt động cả ngày dài với kem chống nắng nâng tone tiện lợi - mỏng nhẹ - hiệu quả