Muốn con giỏi toán, chẳng khó!

Thành Tâm 2014-12-01 20:49
- Dù là môn "khó nhằn" đối với rất nhiều bé, nhưng nếu biết cách, mẹ hoàn toàn có thể truyền cảm hứng cũng như hướng dẫn bé học môn này một cách say mê, hiệu quả.

Có ý kiến cho rằng, để truyền cảm hứng và giúp trẻ yêu môn toán, ta nên nhấn mạnh vào vẻ đẹp của toán học thay vì sự hữu ích của nó. Thầy cô, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn tới việc khai thác vẻ đẹp của toán học.

 

Nên ca ngợi “vẻ đẹp của toán” qua những hoạt động hàng ngày


Với trẻ nhỏ, khi bé học mẫu giáo lớn, sắp vào lớp 1,… mẹ nên đưa ra những ví dụ toán học thật gần gũi với cuộc sống. Để trẻ làm quen với những đối tượng, những phép tính đơn giản, lôi cuốn, nếu đặt toán học trong các tình huống liên quan đến thực tế đời thường thì càng tốt.


Ví dụ, mẹ vừa ngồi chơi vừa đố bé: “Mẹ cho con 3 cái kẹo, rồi bà nội cho con 2 cái kẹo nữa, vậy con có tất cả mấy cái kẹo?” Bé sẽ đếm và trả lời là 5 cái kẹo. Bây giờ, bé tặng ông nội 3 cái kẹo, hỏi bé còn mấy cái,…". Nếu bé trả lời đúng, mẹ đừng tiếc một lời khen rằng bé rất giỏi toán nhé. Có thể bé ngạc nhiên vì chưa hiểu toán là gì, nhưng mẹ cứ từ từ nói cho con biết, khi vào lớp 1 bé sẽ được học rất nhiều thứ không chỉ học múa, hát, đọc thơ, kể chuyện,… như ở mẫu giáo, bé sẽ được học toán, bé sẽ biết làm tính cộng, tính trừ,…


Khi bé đã học đến cuối cấp tiểu học hay trung học cơ sở, mẹ nên tránh nói những câu khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý chán nản như: “Môn toán khó lắm, hồi nhỏ đi học mẹ sợ nhất môn này” hay “Con phải thật sự tập trung và cẩn thận mới học giỏi toán được, môn này tính toán dễ nhầm lắm”, “Con phải học cho bằng anh/chị của con, sao con kém toán thế”. Thái độ của cha mẹ với môn Toán có ảnh hưởng khá lớn tới thái độ của trẻ. Vì vậy, hãy dạy con với tư duy tích cực và thoải mái. Thường xuyên khích lệ con bằng những lời khen hợp lý để con vui, chẳng hạn nên nói với con: “Môn toán dễ được điểm cao lắm đấy”, “Học toán vui lắm con ạ”, hay “ học toán giỏi sau này con có thể tự thiết kế được những thứ con thích”,...


Những lời khích lệ chẳng khi nào thừa


Con hãy nhìn vào các đồ vật trong nhà mình xem, có những hình nào? Con có thích những đồ chơi đẹp không? Thích những ngôi nhà đẹp không?… Nếu giỏi toán thì lớn lên con sẽ thiết kế được rất nhiều thứ đẹp theo ý thích của con. Hãy khơi dậy niềm đam mê của con từ những điều gần gũi, giản đơn như thế!


Với mỗi dạng toán mới, mẹ nên tìm ra những bài toán đố vui cho trẻ, ví dụ: Mẹ biếu bà một nửa số quả cam mà mẹ có và biếu thêm một nửa số quả nữa thì mẹ còn một quả. Hỏi lúc đầu mẹ có bao nhiêu quả cam? Mẹ biếu bà bao nhiêu quả?

 


 
Hãy truyền cho bé cảm hứng để con học toán tốt hơn. (Ảnh minh họa theo Vietq)
 

 

Đây là bài toán vui, giúp trẻ suy luận logic, tính ngược từ cuối lên, mẹ bé sẽ giúp bé tìm ra kết quả một cách dễ dàng. Cách ra bài toán thế này còn có tác dụng giáo dục con cái kính yêu ông bà, cha mẹ.

 

Cứ từ từ nâng lên, sau đó mẹ bé có thể cho bé làm bài tương tự nhưng khó hơn một chút: Một bà bán trứng lần đầu bán một nửa số trứng và một nửa quả, lần hai bà bán một nửa số trứng còn lại và một nửa quả thì còn 1 quả. Hỏi lúc đầu bà có tất cả bao nhiêu quả trứng?


Mẹ nên cho trẻ học toán vừa với khả năng của mình. Hãy nhớ rằng, nếu bắt trẻ làm những bài toán quá khó thì cũng giống như bắt một vận động viên cử tạ nâng tạ quá sức mình, dễ gây chấn thương. Học toán cũng thế, nếu trẻ phải làm bài quá khó không phù hợp khả năng trẻ sẽ sợ toán, chán môn toán, dễ dẫn đến kết quả giảm sút. Bởi vậy bố mẹ sẽ là người tham gia, đồng hành cùng con, khích lệ con với những bài tập vừa sức.


“Tôi còn nhớ, con trai tôi ngay từ khi học lớp 1 cháu đã học toán rất nhanh, lớp 4 đã vào được lớp chuyên toán của quận (ngày đó có lớp chuyên toán từ lớp 4), nhưng con gái thứ hai thì chúng tôi thì có cảm giác cháu học toán chậm hơn anh, chúng tôi cứ nghĩ là con gái không thông minh (vì quan niệm cũ vẫn cho rằng người giỏi toán mới được coi là thông minh). Rất may, trong kì nghỉ hè hết lớp 5 của con gái thì con trai chúng tôi nghĩ ra một trò chơi tính nhẩm để đố em kiểu như: “Anh đố nhé, nói ngay: tìm hai số có tổng bằng 5 và tích bằng 6”, cứ liên tục như thế, cậu con trai đọc rất nhanh: “tìm hai số có tổng bằng 25, hiệu bằng 15; hai số có tổng bằng 10, tích bằng 21; hai số có tổng bằng 15, tích bằng 50,…”. Cô em gái cũng trả lời rất nhanh và rất thích thú với trò chơi đố toán của anh, và mỗi lần trả lời đúng được anh khen ngay: “Giỏi lắm!” Thế là hết hè đó, con trai nói với chúng tôi: “Bố mẹ à, con thấy em nhà mình cũng thông minh  đấy chứ, em tính nhẩm rất nhanh và lúc nào cũng trả lời đúng, mỗi người thông minh một kiểu mà”. Đúng vậy, được khích lệ, được phát huy đúng sở trường, bắt đầu từ năm lớp 6 cháu học toán rất nhanh, năm đó cháu cũng được giải học sinh giỏi toán quận Đống Đa. Càng lên lớp trên cháu càng học toán tốt hơn, đến khi học đại học cháu cũng chọn ngành toán như anh và bố mẹ”.


Vậy đấy, “Toán học không chỉ sở hữu chân lí mà còn ẩn chứa bên trong đó vẻ đẹp tối thượng, một vẻ đẹp lạnh lùng và mộc mạc, giống như một bức điêu khắc, thuần khiết tinh diệu và có khả năng đạt đến sự hoàn hảo chặt chẽ mà chỉ có thứ nghệ thuật vĩ đại nhất mới có thể thể hiện ” - Bertrand Russell.


Hãy làm cho trẻ thấy được vẻ đẹp toán học, để thêm yêu toán học và cuộc sống quanh ta!

 

Thành Tâm

(Theo Congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 công thức đá viên đơn giản cho da căng bóng mướt mịn như em bé