Lời khuyên hữu ích cho mẹ khi bé "bê bết" với môn Văn
Tin liên quan
Chị ruột tôi gần đây hay than thở rằng cậu con trai học toán rất tốt mà cứ đụng tới làm văn là thường xuyên bị điểm kém, đặc biệt là những bài tập làm văn miêu tả. Tôi liền chia sẻ với chị bí quyết mà tôi đã học lỏm được của một cô giáo nhiều kinh nghiệm và từng áp dụng rất thành công với các học trò nhỏ của mình.
Bài tập làm văn miêu tả không chỉ làm khó các bé trai mà còn khiến không ít bé gái lúng túng. Rất nhiều bạn nhỏ làm bài thường bị ảnh hưởng của những bài tập làm văn mẫu, chẳng hạn, miêu tả cô giáo thì cứ phải cô có mái tóc dài óng ả, khuôn mặt trái xoan, nụ cười hiền hậu… Vậy thì làm thế nào để bài tập làm văn miêu tả được sinh động hơn?
Quan sát thực tế
Có nhiều bé được cô giáo yêu cầu làm bài văn miêu tả con gà trống trong khi chưa từng được nhìn thấy con gà trống thực sự bao giờ. Vì thế, nếu có điều kiện, tốt nhất là bạn hãy giúp bé có được sự quan sát thực tế. Không có gì sinh động hơn thực tế trực quan. Còn nếu không, hãy sử dụng hình ảnh con gà có trong sách báo và trong các clip, video về loài gà. Bạn nên tránh cho bé xem những hình ảnh được hư cấu, sáng tạo vì con có thể sẽ làm bài miêu tả theo những hình ảnh đó.
Miêu tả bằng những câu riêng lẻ
Mặc dù con bạn đã có thể quan sát những chú gà trống một cách kỹ lưỡng, nhưng không phải bé nào cũng có thể bắt tay vào viết ngay một bài tập làm văn hoàn chỉnh. Một khi bé còn lúng túng chưa biết bắt đầu thế nào, bạn đừng vội ép bé. Hãy bảo con miêu tả lại con gà trống bằng những câu riêng lẻ gạch đầu dòng. Ví như: - Chú gà trống nhà tôi có một chiếc mào đỏ rất đẹp, - Chú gà trống gáy ò ó o, - Chú gà trống có bộ lông dày và nhiều màu sắc,…
>>> Xem thêm: Muốn con giỏi toán chẳng khó
Ở bước này, bạn nên khuyến khích, gợi ý con tập trung vào những nét đặc trưng của chú gà trống và sự khác biệt của gà trống so với gà mái. Những câu riêng lẻ như thế này không làm khó con bạn đâu.
Tuy nhiên, các con có thể sẽ viết những câu quá đơn giản. Bạn sẽ cần gợi ý thêm, ví dụ như: "Con gà trống sẽ gáy buổi nào nhỉ?" và hướng dẫn con viết lại câu, chẳng hạn: Vào mỗi buổi sáng, chú gà trống thức dậy rất sớm và cất tiếng gáy ò ó o vang xóm. Hoặc bạn có thể hỏi: "Con thấy bộ lông của chú gà như thế nào? Đôi chân ra làm sao?..." Nhất định bạn sẽ có nhiều bất ngờ về trí tưởng tượng của con nhỏ đấy. Với những gợi ý như thế, con bạn cũng sẽ cảm thấy hào hứng hơn với bài học.
Kết nối
Bước này là quan trọng nhất để trẻ có thể hoàn thành bài tập làm văn. Sau khi các con đã có thể miêu tả bằng những câu riêng lẻ, thì việc kết nối sẽ không còn quá khó khăn với các con. Con đã có hình dung tương đối toàn diện về sự vật, sự việc cần miêu tả, lúc này, bạn hãy gợi ý cho con về những thứ mà con ấn tượng nhất và một chút cảm xúc của con khi nhìn thấy sự vật, sự việc đó. Con có thể miêu tả theo một thứ tự nào đó hoặc cũng có thể miêu tả những gì mà con ấn tượng nhất trước rồi đến các chi tiết thứ yếu, điều này thường phụ thuộc vào khả năng của các con. Nhưng một khi các con đã kết nối được thì gần như là bài văn đã hoàn chỉnh như ý các con rồi.
Việc còn lại của bạn là gì? Bạn có thể đọc và đừng vội chỉ ra những điểm bất ổn trong bài văn của con rồi gợi ý kiểu “theo mẹ thì…”. Bạn hãy gợi ý bằng cách khác, chẳng hạn, thay vì “theo mẹ thì cái đuôi con gà trông rực rỡ và cong cong như một chiếc cầu vồng”, chúng ta có thể nói “con có nghĩ là đuôi con gà trống trông cong cong lại nhiều màu sắc trông giống một chiếc cầu vồng không?”, cùng một cách nghĩ nhưng nếu bạn nói theo cách thứ 2 thì sẽ buộc các bé phải dùng đến trí tưởng tượng nhiều hơn và đôi khi các bé lại bật ra được những ý hay ho hơn cả mẹ. Có lần tôi gợi ý cô trò nhỏ “Con có thấy chú gà trống khi gáy, cổ vươn lên và giang đôi cánh trông như một dũng sĩ không?”, thì cô trò nhỏ ngẫm nghĩ và trả lời “Con thấy chú gà trống vươn vai và giang cánh rất mạnh mẽ và sảng khoái như muốn gửi lời chào gọi ánh mặt trời ạ”. Thật thú vị phải không?
Bạn thấy đấy, không cần phải làm hộ các con đâu, mọi việc từ quan sát, viết câu riêng lẻ hay kết nối lại các con đều có thể tự làm. Chỉ cần hướng dẫn một vài lần, các con sẽ có kỹ năng để làm bài tập làm văn tốt hơn và phát huy trí tưởng tượng của chúng.
Theo những gì tôi hướng dẫn, chị gái tôi đã thử. Và thật bất ngờ, 2 bài văn miêu tả gần đây nhất của cháu trai tôi đều đạt điểm 8, điểm 9 đấy! Các mẹ cũng nên tham khảo xem thế nào nhé!
Tường Lam
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất