Phụ nữ sau sinh và vấn đề nan giải: Đi làm trở lại!

2015-06-29 06:58
- Tôi những tưởng tìm việc lại sau khi sinh là một chuyện rất đơn giản, nhưng thực tế lại khác xa những gì tôi nghĩ…

Tôi là một nhân viên phòng hành chính nhân sự, kinh nghiệm làm việc 7 năm trong nghề, một số năm kinh nghiệm không nhỏ. Phần vì yêu công việc, phần vì lập gia đình muộn nên mãi đến năm 32 tuổi tôi mới có cháu đầu tiên. Khi ấy, tôi đang làm trưởng phòng nhân sự của một công ty truyền thông có tiếng.

Sau khi cân nhắc giữa chuyện tiếp tục đi làm đến khi sinh và nghỉ giữa chừng để nghỉ ngơi và dưỡng thai thì tôi quyết định nghỉ dưỡng thai ở tháng thứ 5, vì tuổi tôi cũng cao rồi, lỡ chẳng may có bề gì…công ty cũng tạo điều kiện hết sức cho tôi nghỉ ngơi và hứa hẹn khi nào tôi hết thời gian “nằm ổ” thì vẫn có thể quay lại công ty làm việc như bình thường. Nghĩ thế nên tôi cũng yên tâm bàn giao lại công việc cho phó phòng và nghỉ ngơi.

Phụ nữ sau sinh và vấn đề nan giải: Đi làm trở lại!

Chuyện chăm sóc con cái tôi không bàn ở đây nữa, vì làm mẹ thì dù sớm dù muộn thì ai cũng vất vả như nhau cả, vả lại tôi vốn là người của công việc nên việc nghỉ ngơi 1 năm ở nhà chăm sóc con cái đối với tôi thực sự là một sự hi sinh cho gia đình. Không phải là vì tôi yêu việc, yêu tiền mà là nghĩ đến cái cảnh chồng tôi phải một mình lo lắng kinh tế cho cả gia đình nhỏ, lại còn hai bên nội ngoại khó khăn nữa, lòng tôi thấy không đặng, thương chồng vất vả nên chỉ muốn quay lại công việc để có thu nhập ổn định hàng tháng cho chồng bớt đi gánh nặng khi làm chủ gia đình.

Con tôi đến tháng thứ 7 thì tôi bắt đầu gửi cháu cho người trông trẻ và đến công ty xin làm việc trở lại. Sau gần một năm tôi xa rời vị trí đó thì cũng đã có người khác lên thay và họ làm rất tốt công việc mà tôi đã từng làm khi đảm nhiệm vị trí đó, anh giám đốc gọi tôi vào trò chuyện và thẳng thắn đề nghị tôi làm việc trở lại với vị trí của một nhân sự bình thường với mức lương chỉ bằng 1/3 mức lương trước kia với lý do “bạn trưởng phòng hiện tại làm rất tốt công việc của bạn ấy và công ty không có lý do gì bắt bạn ấy phải nghỉ việc hoặc chuyển vị trí khác cả”.

Tôi thấy đó cũng là vấn đề đúng nên chấp nhận vị trí một nhân sự bình thường vì tôi yêu công việc này, tôi có kinh nghiệm về nó thì trước sau gì tôi cũng sẽ bứt phá lên khỏi vị trí hiện tại như tôi đã từng làm trong quá khứ, nghĩ thế nên tôi bắt đầu lại từ đầu ở tuổi 33.

Thực tế không như tôi mong đợi, tất cả những nhân viên trước kia dưới quyền tôi giờ nhìn tôi với một thái độ của một kẻ bị “truất ngôi”, đáng thương và đáng cười! Có người hiểu thì chia sẻ, có người thì hể hả…còn bản thân mình khi ấy, tôi bắt đầu nhận ra cái vị trí thực sự rằng mình là một kẻ xin lại việc chỉ với lòng thương hại của công ty chứ thực sự họ không cần tôi nữa. Nghĩ ngợi một vài ngày, tôi xin nghỉ việc sau hai tháng đi làm trở lại tại công ty cũ, dĩ nhiên họ chấp nhận rất nhanh, dù sao thì tôi cũng không nuối tiếc khi ra đi vì tôi nghĩ rằng “mình nên ở nơi mà người ta chào đón chứ không phải là nơi mà họ chịu đựng mình hay mình chịu đựng họ”, ok! Thế là tôi ra khỏi công ty thanh thản và lên kế hoạch rải CV để nhảy việc.

Khi bắt đầu vào phỏng vấn ở nhiều công ty khác nhau, tôi mới nhận ra có một vấn đề mà trước kia khi ở vị trí một phụ nữ độc thân tôi không bao giờ nghĩ tới “Bạn có thời gian bao nhiêu để dành hết cho công việc? bạn có sẵn sàng đi công tác xa không? Bạn có thể đi tiếp khách hoặc gặp gỡ đối tác bất cứ lúc nào không?”, tất cả những câu hỏi để đánh giá mức độ tâm huyết của ứng viên dành cho công việc đang ứng tuyển, trước kia tôi đã dùng nó để loại đi những ứng viên ngập ngừng trong câu trả lời, giờ họ lại hỏi tôi y như thế! Tất nhiên, tôi hiểu câu trả lời làm sao để có thể nhận được việc làm, nhưng tôi nhận ra sau khi phụ nữ sinh con, làm mẹ rồi phải đi làm trở lại thực sự có rất nhiều rào cản, mà khó khăn ấy không chỉ đến từ phía công ty mà còn cả ở phía gia đình.

Phụ nữ sau sinh và vấn đề nan giải: Đi làm trở lại!

Tôi nhận việc ở một công ty mới, vốn biết làm thế nào để tỏ ra là mình có thái độ tâm huyết với công việc nên tôi hay đi sớm về khuya, không có thời gian chăm con nữa. Theo khoa học thì trẻ con hai tuổi mới nên cai sữa để đảm bảo sự phát triển của chúng, thế nhưng vì công việc tôi đã cai sữa cho bé từ khi con tôi mới 9 tháng, điều đó vấp phải sự phản đối từ phía gia đình nội ngoại và cả bạn bè tôi, mọi người đều nói tôi không thương con, làm như thế ảnh hưởng đến tình mẫu tử, bé bị giao cho người trông trẻ sớm quá sẽ không tốt cho sự phát triển về mặt cảm xúc…đủ thứ họ quan ngại hộ tôi, nhưng có ai hiểu nếu tôi ở nhà chăm con thì chồng tôi phải vất vả thế nào? Gia đình nhỏ của tôi còn mang bao nhiêu gánh nặng trên lưng? Rồi tương lai của con tôi? Tất nhiên là mọi người chỉ nhìn ở một góc độ vì thế họ sẽ không hiểu được những vấn đề mà một người phụ nữ vừa phải đối nội, vừa phải đối ngoại ,tay bàn phím tay dao thớt…đủ thứ mệt mỏi mà không dám kêu, bởi vì đơn giản đó là cuộc sống. Phụ nữ vẫn luôn luôn là đối tượng chịu thiệt thòi trong mọi tình huống, điều này trước đây tôi đã không nhận ra do mình chỉ đứng ở một góc độ mà phán xét.

Thực tế, bài toán sau sinh nên đi làm hay ở nhà luôn luôn là một ca khó cho tất cả chị em phụ nữ, ở nhà thì sợ tụt hậu, sống phụ thuộc, đi làm thì khó có nơi nhận vì tuổi tác và những vấn đề gia đình sẽ khiến cho các mẹ khó mà chuyên tâm với công việc, trong khi hàng năm có hàng chục nghìn cử nhân ra trường với hàng bầu nhiệt huyết…bài toán cho phụ nữ sau sinh luôn là một câu trả lời mở cho tất cả mọi người, kể cả bản thân tôi hiện tại, dù tôi đã tìm được việc làm!

Xem thêm

Làm đẹp sau sinh

Giam can sau sinh

Lâm Anh
(Theo Congluan)

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dàn xế hộp 'ít nhưng cả núi tiền' của Sơn Tùng MT-P