“Con yêu mẹ như này này”
Tin liên quan
Nhìn cảnh này, mẹ chợt nghĩ lại mới tháng trước, cô bé nước mắt lưng tròng bỏ về nhà vì bị em cấu má và giật tóc. Thời điểm đó, con hơn 1 tuổi. Không chỉ nổi cáu với chị hàng xóm, con còn cắn cha, cấu mẹ, chỉ riêng em bé hàng xóm thì con ngó lơ, bỏ đi chỗ khác khi em “gây sự” với mình. Trước hành động “bạo lực” của con, mẹ thường vội mắng: “Con!!! Không được giật tóc chị như thế”. Thậm chí cả nhà vui đùa, con khoái chí bấu mắt, móc mũi cha mẹ. Nhất là khi mẹ đang quay như chong chóng với con, việc nhà, bếp núc sau ngày dài bận rộn, bị cắn đau quá, mẹ đánh vào tay con. Bị mắng, bị đánh, con hoặc khóc ăn vạ, hoặc tiếp tục cấu véo. Mẹ loay hoay với “bài toán khó".
Tình cờ, mẹ đọc được ở đâu đó câu chuyện về một cậu bé như con. Mẹ chợt hiểu với con, cắn, cấu hay véo đơn giản chỉ như một cách thể hiện tình cảm, là trò chơi và con chưa hiểu đó là hành động không nên làm. Rất tâm đắc với cách “thuần hóa” của mẹ cậu bé con ở trên, mẹ áp dụng ngay cho con trai mình. Câu thần chú đơn giản là: “Con yêu mẹ như này này”.
Khi bị con giật tóc, thay vì nổi cáu, mẹ cố gắng nhẹ nhàng cầm lấy tay con, đưa lên má mẹ, vuốt nhẹ nhàng còn miệng không ngừng nói: “Con trai yêu mẹ à, yêu mẹ như này này, vuốt má mẹ nhẹ như này nhé”. Xong rồi mẹ chuyển tay con sang má con, tiếp tục vuốt má con nhẹ nhàng: “Con cũng yêu con như này nhỉ, nhẹ nhàng như này nhỉ”. Cuối cùng mẹ đưa hai tay nựng má, cầm tay, hôn con, rồi rủ con chơi đồ chơi. Lần đầu tiên, con như rụt tay lại không theo điều khiển của mẹ, rồi rút tay ra muốn… cấu tiếp. Mẹ vẫn nhẹ nhàng cầm lại tay con, nựng nịu, yêu thương “Con yêu mẹ như này chứ…”. Sau nhiều lần, con cũng dần quên đi trò chơi cấu véo, chuyển chú ý sang những đồ chơi khác. Cho đến bây giờ, con chỉ cắn đồ ăn và khăn khi ngứa mọc răng thôi, không còn làm đau cha mẹ nữa.
Với anh hàng xóm cũng vậy. Mới đầu hai anh em chơi vui vẻ, bỗng dưng chị giữ hết đồ chơi của con, con giành lại, cấu, véo. Mẹ trở thành quan tòa phân xử: “Nào, đồ chơi là của cả hai anh em chứ nhỉ, anh thả ra chúng mình cùng chơi nhé. Còn em, em yêu anh mà, sao lại cấu anh hả con? Đây, con yêu anh như này này, chúng mình yêu quý nhau, không làm nhau đau nhé”. Vừa nói, mẹ vừa cầm tay con và tay chị, lúc thì bắt tay nhau, lúc thì vuốt má nhau, lúc lại chơi trò “oh yeah”, đập hai lòng bàn tay vào nhau.
Mới đầu, con tỏ ra thiếu “hợp tác” vì không muốn thỏa hiệp ngay lập tức như thế. Lúc thì con cố cấu anh thêm lần nữa, lúc lại tranh thủ sơ hở giành luôn đồ chơi. Mẹ cứ kiên nhẫn, vừa nói và hướng dẫn con như vậy. Chị hàng xóm, thi thoảng cũng khư khư đồ chơi, con chỉ không còn "gây chiến" để giải quyết vấn đề mà tìm trò chơi khác hoặc chạy đi tìm “quan tòa”.
Trẻ con thật đáng yêu, chúng nhanh chóng quên đi “mâu thuẫn” vừa xảy ra, lại hồ hởi, vui vẻ với những câu chuyện ê a và trò chơi riêng chúng mới hiểu.
Về phía mẹ, mẹ dường như cũng “người lớn” hơn, không dùng “bạo lực” để chỉ bảo con nữa. Câu chuyện nhỏ này giúp mẹ thấm thía hơn về sức mạnh của tình yêu thương và sự dịu dàng. Nó có thể gắn kết con người và làm dịu đi những sự tức giận, nóng nảy. Điều đơn giản đó, có lẽ ai cũng biết nhưng không phải ai cũng nhớ.
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất