Những sai lầm của người lớn khiến chứng biếng ăn của trẻ tồi tệ hơn

2014-09-13 10:17
- (Em đẹp) – Thấy bé không ăn nhiều hoặc từ chối những món ăn mới, nhiều phụ huynh đã vội kết luận con mình biếng ăn và tìm mọi cách để bé ăn nhiều lên. Kết quả là nhiều em bé chuyển từ dạng biếng ăn sinh lý sang mức độ trầm trọng hơn.
Trong thời kỳ ăn dặm, đôi khi con bạn không ăn nhiều như bố mẹ mong muốn. Điều đó là bình thường. Mặt khác, trong một số giai đoạn nhất định, bé có hiện tượng biếng ăn sinh lý, cha mẹ đã vội lo lắng và tìm mọi cách cải thiện. Tuy nhiên tình trạng biếng ăn sinh lý trở nên tồi tệ hơn và có thể chuyển sang trạng thái biếng ăn tâm lý nếu cha mẹ không biết cách. Dưới đây là một số những phương thức sai lầm mà nhiều bậc phụ huynh vẫn mắc phải.

Cha mẹ đôi khi tìm mọi cách để con ăn thật nhiều mà không biết chính điều đó có thể làm hại bé
(Ảnh minh họa)

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh biếng ăn tâm lý

• Dụ bé ăn nhiều hơn: Khi nhu cầu năng lượng của bé được dự trữ dài ra, thì bé sẽ có số bữa ăn ít hơn. Không quen với điều này, nhiều bố mẹ lầm tưởng là con biếng ăn và cố gắng bắt con quay trở lại nếp ăn như trước. Việc này là trái với mong muốn của bé và khiến bé khó chịu, bất hợp tác khiến việc “biếng ăn” nặng nề hơn.

• Cố gắng cho bé ăn thêm vào cữ tối: Tổng nhu cầu năng lượng một ngày của bé thường không thay đổi nhiều, trừ những thờ kỳ phát triển thần tốc. Chính vì vậy cho dù có cho bé ăn vào thời điểm nào cũng y như vậy. Việc cố gắng bù bữa vào buổi tối cho bé còn khiến hệ tiêu hóa làm việc vất vả và quá tải, gây sức ép đến hệ thần kinh và khiến bé khó chịu hơn.

• Tỏ ra lo lắng, căng thẳng về chuyện ăn uống của con: Những căng thẳng trong bữa ăn có thể dẫn đến việc hưng phấn quá mức hệ thống thần kinh giao cảm và ngăn chặn cảm giác đói của bé sơ sinh. Và các bé sẽ cảm nhận tâm trạng của bố mẹ rất nhanh. Điều này sẽ càng cản trở việc bé ăn tốt.

• Cho bé chơi đồ chơi để bé mất tập trung và từ đó “lừa” bé ăn: Bé được cho ăn trong tình trạng không nhận thức đầy đủ về bữa ăn, từ đó dẫn tới hệ tiêu hóa không làm việc triệt để, không hấp thu tốt dẫn tới  bé có thể ăn nhiều nhưng không tăng trưởng tốt.

Đây là những cách xử trí không đúng với mong muốn của bé, nên chỉ khiến việc biếng ăn của bé kéo dài và trầm trọng thêm. 

Theo nghiên cứu của  Egan, Getson, Menvielle, O’Donnell năm 1987 chỉ ra rằng: Mẹ của những bé biếng ăn thường không linh hoạt khi tương tác với con, nên chậm đáp ứng các nhu cầu của bé. Các bà mẹ này thường có xu hướng cố gắng áp đặt ý chí của họ lên các bé. Và từ đó “Ăn đã trở thành một công việc thay vì một trải nghiệm thú vị” của 2 mẹ con. 

Còn nghiên cứu của  Ganiban, Hirsch, Borman-Spurrell, Mrazek năm 2000 thì có kết luận là những bé có giờ ăn ngủ không theo nếp sẽ dễ bị biếng ăn hơn những bé sinh hoạt quy củ. 

Các bé cũng có thể có ưa thích đặc biệt với một món ăn nào đó và dẫn đến việc từ chối ăn các món khác (ví dụ: bé đặc biệt thích sữa – nghiện sữa – và từ chối ăn dặm chẳng hạn)

Những bà mẹ bị ám ảnh về cân nặng từ thời niên thiếu, hoặc có chế độ ăn uống khó khăn trong khi mang thai, hoặc là người ăn chay/ăn chế đổ riêng cũng sẽ khiến bé bị ảnh hưởng và khó kiểm soát được nhu cầu ăn uống của bé.

Những bé mà trong gia đình có xung đột thường xuyên giữa các thành viên (đặc biệt là bố mẹ) cũng sẽ hay bị rơi vào trạng thái biếng ăn tâm lý.

Cách khắc phục và phòng ngừa biếng ăn ở trẻ sơ sinh:

1. Hãy cho bé bú mẹ

Các số liệu đã chỉ ra rằng việc bú mẹ trong 6 tháng đầu đời và bố mẹ thiết lập thời khóa biểu sinh hoạt rõ ràng sẽ ảnh hưởng tích cực đến hành vi ăn uống lâu dài sau này của bé. 

Việc bú mẹ sẽ giúp cho bé có dấu hiệu đáp ứng với no – đói rõ rệt, từ đó nâng cao kỹ năng tự chủ tự quyết định của bé trong ăn uống. 

Các dưỡng chất trong sữa mẹ thay đổi liên tục theo từng giai đoạn phát triển của con cũng sẽ giúp cơ thể bé làm quen tốt hơn với việc thay đổi nhu cầu năng lượng từ từ. 

Ngoài ra việc bú mẹ cũng giúp hệ tiêu hóa có cơ chế tự chuyển hóa tốt hơn và sớm hơn, giúp bé có trải nghiệm mùi vị của thức ăn đc truyền qua sữa mẹ ngay từ những ngày đầu. 

Bú mẹ giúp bé có thái độ tích cực hơn khi chuyển sang ăn dặm.
(Ảnh minh họa) 

2. Hãy chú ý tới các giai đoạn phát triển thể chất của bé

Các bé trong năm đầu đời sẽ có những tiến bộ thần tốc, từ tăng trưởng thể chất đến tâm sinh lý. Trong giai đoạn từ tuần thứ 5 sau sinh, các bé sẽ có những bước nhận thức và chuyển đổi tâm sinh lý (wonder weeks). Biểu hiện của nó thường kèm theo biếng ăn – mà hay gọi là biếng ăn sinh lý - ở các bé. Mẹ nên chú ý hỗ trợ bé trong giai đoạn này để bé vượt qua dễ dàng hơn và không bị rơi vào biếng ăn tâm lý. 

3. Nương theo hành vi ăn uống của bé

Trong năm đầu đời này, các bé cũng sẽ học cách chuyển đổi từ chế độ dinh dưỡng duy nhất (là sữa) trong 6 tháng đầu đời sang chế độ dinh dưỡng đa dạng phong phú với cách ăn khác hơn. Biết về khẩu vị ưa thích của các bé (thích ngọt và mặn, không thích chua và đắng) sẽ giúp bố mẹ chuẩn bị bữa dặm hợp ý, và giúp bé hợp tác tốt hơn trong những buổi đầu ăn dặm.

Các bé giai đoạn chuyển đổi từ sữa sang ăn dặm cũng có nhu cầu tự chủ trong ăn uống, vì vậy bố mẹ đừng áp đặt quá mức ý chí của mình lên bé mà hãy theo dõi, nhận biết và đáp ứng những nhu cầu mong muốn của bé, sẽ hạn chế bớt những xung đột tương tác giữa bé và người chăm sóc (thường là mẹ) và từ đó sẽ không còn biếng ăn.

4. Hãy thoải mái, vì ăn uống nên là niềm vui

Bé sẽ cảm nhận được căng thẳng từ thái độ của người lớn rất nhanh. Và các bố mẹ cũng đã biết việc căng thẳng là không tốt cho ăn uống của bé.

Vì vậy, để bé có thể thoải mái tận hưởng bữa ăn, bố mẹ nên kiên nhẫn, mềm dẻo và đặc biệt là nên thoải mái với bé. Hãy nhớ ăn không chỉ là đáp ứng năng lượng để sinh tồn mà còn là dịp để bé học hỏi các kỹ năng và là cơ hội tương tác, giao lưu với bố mẹ nhiều hơn.

Honey Bee 
(Tổng hợp)
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Giấu nhẹm khuyết điểm đôi chân thô kệch với 3 kiểu quần dài đơn giản này