Tâm sự của bà mẹ có con bị biếng ăn tâm lý nghiêm trọng và giải pháp chữa trị 'có 1 không 2' thành công sau 1 tuần
Tin liên quan
Chị Quỳnh Anh (hiện đang là Admin của nhóm Biếng ăn tâm lý ở trẻ em) chia sẻ, phương pháp trị khỏi biếng ăn sinh lý cho con thì nhiều. Nhưng hiếm có trường hợp nào, con lại biếng ăn tâm lý nghiệm trọng cũng như người làm mẹ phải trải qua nhiều thách thức, khó khăn như chị. Do đó giải pháp chị đưa ra, cũng có điểm khá đặc biệt và độc đáo.
Khi sinh ra bé Lu nặng 3.4kg, lúc ở bệnh viện và trong 6 tuần đầu ở nhà bé vẫn ăn uống bình thường. Mẹ giữ chế độ ăn theo giờ, đúng giờ gọi bé dậy (kể cả ban đêm khi bé đang ngủ) và bắt bé ăn đúng số lượng sữa bác sĩ khuyên bé phải ăn. 1 ngày bé bị bắt ăn khoảng 1lít sữa. Đôi khi bé ăn gần hết chỉ còn 1 ít, cũng sẽ bị ép phải ăn hết để bé nhanh chóng tăng cân.
Chị Quỳnh Anh và bé Lu (Ảnh: NVCC)
6 Tuần tuổi
Bắt đầu khoảng 6 tuần, bé có dấu hiệu bỏ ăn, quấy khóc khi đút bình mặc dù lần ăn trước đã cách 3 tiếng. “Mình nghĩ có khi bé kén bình, nên đổi sang bình khác. Nhưng tình hình không khả quan hơn. Thậm chí, mình phải quấn tay bé lại để bé không giãy ra và giữ núm trong miệng bé. Nhưng cứ ăn được ít, 2- 3 hôm con lại bỏ ăn.
Bé gầy đi, đến viện xét nghiệm phân mới biết con dị ứng sữa mẹ, nên phải cho ăn sữa công thức. Sau khi ăn sữa ngoài bé tăng cân, nhưng mỗi lần đến bữa ăn mẹ và bà rất mệt mỏi, lượng ăn cũng không hề tốt hơn”, mẹ bé Lu chia sẻ.
3 tháng tuổi
Chị Quỳnh Anh đưa con vào viện 2 hôm, được bác sĩ chẩn đoán con bị chứng ợ nóng. Thời gian nằm viện, có loại bình với núm cao su dùng 1 lần, chị đã thử và bé chịu ăn bình. Lúc đó chị nghĩ do đau họng nên biếng ăn. Nhưng về nhà 1 thời gian và dùng bình của bệnh viện có núm cao su, có thuốc, bé vẫn bỏ ăn, quấy khóc.
Bà mẹ trẻ cho con bú bình nhưng tình hình vẫn không khả quan (Ảnh: NVCC)
4 tháng tuổi
Lúc này bà không ở chăm bé nữa, 2 vợ chồng chị thay nhau chăm, có lúc chị cho bé ngậm ti giả, đợi bé mút rồi thay bằng bình thì bé ăn được 1-2 lần, thậm chí có người mách chị cho bé vừa ăn vừa ngủ, nhưng hậu quả là việc ăn uống của con đảo lộn hết, vẫn khiến gia đình chị đau đầu, trầm cảm.
5 tháng tuổi
Tình hình nghiêm trọng hơn, khi bé gần như hoàn toàn bỏ ăn. Vào bệnh viện bác sĩ yêu cầu nhét ống sữa qua mũi vào bao tử bé, để bơm trực tiếp sữa vào bụng.
Bà mẹ trẻ tâm sự: “Việc ăn uống của bé kéo dài từ khoảng gần 6 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi. Bác sĩ chỉ định cho bé ăn 120ml sữa 4h 1 lần. Thời gian khoảng 9 tháng bé bắt đầu nôn ói, sau khoảng 60 ml- 90ml sữa được bơm vào. Con không tăng cân thậm chí sụt cân.
Sau khi từ viện về, mình và chồng tìm hiểu thông tin trên mạng. Vì chính bác sĩ cũng không tìm ra bệnh. Khi đó, chồng mình tìm được 1 bài viết về một mẹ khác có con với những dấu hiệu y hệt bé Lu. Hoá ra, bé không có bệnh gì về mặt cơ thể, sức khoẻ mà là bệnh tâm lý. Vì bà và mẹ khi chăm, thấy bé tăng cân chậm nên ép bé ăn cho bằng hết khiến bé khó chịu.
Mỗi lần bị ép ăn bé lại nghĩ bữa ăn làm bé sợ, bé ăn no căng rồi mà vẫn bị ép ăn thêm, bé gào khóc cũng vẫn phải ăn. Mỗi ngày ăn 8 lần, là 8 lần bé bị sợ hãi, nên chỉ cần đặt bé vào tư thế bế khi cho ăn, hay quấn khăn ăn vào người là bé đã khóc ré lên”.
Con thậm chí phải chuyển sang ăn bằng ống (Ảnh: NVCC)
10 tháng tuổi
Chị Quỳnh Anh quyết tâm chữa cho bé theo cách trong sách, chỉ vì thật sự không còn cách nào khác nữa. Một ngày bé giật ống ra, chị quyết tâm thử làm theo sách hướng dẫn, chỉ mời bé ăn khi đói, giãn cữ ăn và tôn trọng quyết định của bé, không ép bé ăn hết bình theo yêu cầu của bác sĩ.
Ngày đầu tiên bé không ăn gì trong 15 tiếng. Chị mời bé 5 cữ, mỗi cữ cách 3 tiếng, đến lần thứ 5 bé chịu ăn 90ml bằng bình. Bà mẹ trẻ mừng đến phát khóc. 2 cữ tiếp theo bé chịu ăn. Ngày đầu tiên bé ăn chỉ vừa đủ 300ml để không mất nước. Ngày thứ 2, bé rất hợp tác và ăn lên đến 450ml, nhiều hơn ngày hôm trước.
Ngày thứ 3, bé bỏ 2 cữ đầu, chị hoảng lên lại ép con ăn, lén cho con ăn lúc con ngủ. Kết quả lượng ăn của bé lại ít nhất. Bà mẹ trẻ quyết định thử lại phương pháp “không ép” lại từ đầu.
Giải quyết thành công tâm lý sợ hãi khi ăn của con
Những ngày tiếp theo bé vẫn ăn bữa được bữa mất, nhưng số lượng sữa đã tăng lên từ từ nhiều hơn mức tối thiểu cần thiết để bé không mất nước.
Sau khoảng 1 tháng, con đôi lúc ăn được 210ml mà không hề bị ói. Trong khi lúc bé bị chứng sợ ăn, chạy máy chỉ 90ml bé đã ói ra rồi. Theo đó, chị Quỳnh Anh nghĩ vấn đề ói là do tâm lý của bé. Bé không muốn ăn nhưng chiếc máy vẫn chạy và nhồi sữa nên bé sợ và ói ra.
Hiểu ra vấn đề, chị Quỳnh Anh không ép con ăn nữa mà để con được giải toả tâm lý sợ hãi khi ăn (Ảnh: NVCC)
“Mình lúc nào cũng bỏ trong bình khoảng 200ml, vì biết sức ăn của bé và biết bé chỉ chấp nhận bình 1 lần mỗi cữ. Không phải lúc nào bé cũng ăn hết bình. Có những lúc chỉ ăn 100ml mà thôi. Vẫn có những ngày bé khó ở, đầy hơi, táo bón và ăn ít hẳn, những lúc như vậy mình rất sợ và thường bồn chồn lo lắng, hay bé lại bị chứng sợ ăn rồi, hay là vợ chồng lại làm gì sai rồi, bé cảm nhận được sự lo lắng của mẹ và ăn kém hơn.
Nên mình luôn cố gắng tươi cười khi bé ăn không hết bình, cầm bình và cất đi mặc dù đôi lúc bé chỉ ăn 60ml. Sau khi bé đã hết bị chứng sợ ăn, mình đã tập con ăn dặm tự chỉ huy lại. Vẫn có những ngày bé ngủ dậy, bỏ bữa sữa đầu tiên, mình chấp nhận, và cho bé ăn dặm sau đó.
Mất 1 tháng, để bé chịu ăn và gỡ gạc lại cân nặng bị mất trong thời gian đầu chữa bệnh. Khi bé tầm 11 tháng, mình gặp bác sĩ và con có tăng cân nhẹ, cả gia đình và bác sĩ đều vui, vì sự khả quan này giúp con không cần ống nữa. Từ đó, mình để bé tự quyết định khi nào đói thì đưa thức ăn, ăn no rồi thì cất bình, và rất ít gặp rắc rối với việc ăn uống của bé. Bé tự cầm bình tự tu hết sạch, ăn xong đưa bình cho mẹ. Ăn dặm bé tự chủ thì còn dễ hơn, bé ăn sao tuỳ bé”, bà mẹ trẻ kể lại.
Một điều rất hay ho, chị Quỳnh Anh cho biết, khi bị chứng biếng ăn tâm lý con không cho mẹ đút. Nên chị bắt buộc phải cho bé ăn tự chủ, tự bốc ăn. Sau khi giải quyết được tâm lý sợ hãi khi ăn, đôi lúc bé đã chịu chấp nhận cho mẹ đút 1 số món bé quen mắt. Bé cũng cho mẹ đút thức ăn thô trực tiếp vào miệng.
Bà mẹ trẻ lưu ý rằng, nhiều mẹ lo con không ăn dặm sẽ không đủ chất. Nhưng về mặt dinh dưỡng thì sữa mẹ, sữa công thức có đủ chất dinh dưỡng và bé hấp thu dễ hơn ăn dặm. Dưới 1 tuổi, bé ăn dặm chỉ để nếm và tập nhai nuốt là chính, nếu bé ăn ít hoặc chưa nuốt được thì mẹ đừng lo, bé sẽ không để mình đói bụng đi ngủ. Con sẽ ăn đủ sữa để phát triển bình thường. Như bé Lu, 12 tháng mới bắt đầu nhai nuốt, bé vẫn phát triển đúng dự trình bác sĩ đề ra, mặc dù chỉ ăn sữa trước 12 tháng.
Mỗi bé có 1 dạng cơ thể khác nhau, nhiều bé tròn trịa, nhiều bé gầy, dù ăn tốt nhưng vẫn không mập lên vì bé quá năng động. Mẹ hãy quan tâm đến thái độ ăn của bé, chứ đừng quá quan tâm cân nặng của bé. Khi bé vui vẻ trong việc ăn uống, sẽ không để mình bị đói và sẽ xin mẹ cho ăn.
Qua đó, chị Quỳnh Anh cũng nhấn mạnh, nếu mẹ càng ít quan tâm đến vấn đề ăn uống bé lại càng hợp tác, điều này nghe có vẻ rất kỳ lạ nhưng mẹ cứ thử sẽ thấy hiệu quả. Tóm lại, mấu chốt trong việc trị biếng ăn tâm lý thành công cho con của chị Quỳnh Anh chính là, tuyệt đối không được ép con ăn.
Thay vào đó, mẹ hãy thực tiễn những điều sau để mang lại kết quả sớm nhất:
- Nên tôn trọng bé, dừng bữa ăn khi bé đã từ chối. Hãy cố gắng quan sát bé và nhận biết tín hiệu từ chối của bé.
- Hãy quan sát thái độ ăn của con, thái độ ăn tốt xuyên suốt bữa ăn thì bé sẽ ăn nhiều hơn.
- Mẹ cần sắp xếp lịch sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi của bé.
- Cho bé được đói, được biết thế nào là đói, bé đói sẽ trân trọng thức ăn hơn.
- Hãy nhớ, khóc là dấu hiệu từ chối sau cùng, vì mẹ không nhận ra các dấu hiệu từ chối trước đó (nên vô tình ép con ăn mà không biết). Không ép con ăn dù chỉ 1 thìa. Nếu mẹ để việc này kéo dài, bé sẽ bị biếng ăn tâm lý nặng nề, thậm chí đói con cũng không ăn.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất