Trend gì thì trend chứ đừng ‘đu trend’ 2 vạch
Tin liên quan
Khi bỗng nhiên ‘2 vạch’ trở thành hot trend
Nếu như trước đây, trở thành F0 hay F1 cũng là thảm họa với nhiều người thì bây giờ người ta thoải mái đua nhau đăng ảnh “2 vạch” trên kit test nhanh Covid lên mạng xã hội. Câu chào hỏi xã giao bây giờ không phải là “Hôm nào gặp nhau nhé” mà “Mấy vạch rồi?” hay “Hai vạch chưa?”.
Nhiều người cho rằng bây giờ bị Covid là điều bình thường, ai rồi cũng đến lượt, bị trước thì xong “nghĩa vụ” trước, mắc rồi thì sẽ không bị lại nữa. Thậm chí người ta còn đùa nhau, ai mà chưa bị Covid thì sẽ thật lạc lõng giữa đám đông. Thế là trên mạng xã hội, những hình ảnh “hai vạch” phủ kín news feed và story, dường như F0 nào cũng muốn cho thế giới biết rằng “Tôi đang mắc Covid”.
Lý do khiến người ta trở nên lạc quan hơn khi mắc Covid là bởi số ca nhiễm ngày càng tăng, khi xung quanh mình đều là F0 thì người bình thường mới là “bất thường”. Bên cạnh đó, tỉ lệ phủ vaccine cao nên số ca trở nặng và tử vong cũng giảm nhiều. Với nhiều người, Covid không còn là “ông kẹ” đe dọa tính mạng hay là nguyên nhân khiến người ta bị xa lánh, kỳ thị nữa.
Từ trải nghiệm của những F0, dính Covid thật sự rất mệt
Nhiều người bạn của tôi từng mắc Covid và cho biết rằng đó là trải nghiệm thật sự rất mệt. Mặc dù họ chỉ bị nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng song Covid có thể khiến họ rất mệt mỏi và bất tiện khi phải tự cách ly ở nhà, công việc bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, những di chứng hậu Covid còn đeo bám họ dai dẳng, ngay cả khi họ đã khỏi bệnh.
Di chứng hậu Covid là điều hết sức tồi tệ. Có những người khi “2 vạch” thì nhẹ nhàng như không có gì, chỉ sổ mũi, nhức đầu như người bị cảm cúm thông thường. Thế nhưng sau khi khỏi Covid cả chục ngày thì lại xuất hiện các triệu chứng khó thở, tức ngực, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, mất khứu giác hoặc vị giác nhiều ngày, mất ngủ, trí nhớ và sự tập trung cũng giảm sút trầm trọng.
Nhiều người nổi tiếng như các ca sĩ Anh Tú, Phạm Quỳnh Anh, Hòa Minzy, Trung Quân Idol đã thừa nhận bản thân gặp những di chứng hậu Covid, khiến họ bị hụt hơi, biến đổi giọng hoặc không thể lên nốt cao như trước. Phạm Quỳnh Anh thì gặp những vấn đề như khó ngủ, hay quên, dễ mất tập trung. Nguyễn Trần Trung Quân còn bị biến đổi giọng hát hậu Covid, anh cho biết mình bị hụt hơi nghiêm trọng và giọng hát khàn đục đi. Hòa Minzy thường thể hiện khả năng thanh nhạc bằng những nốt cao chót vót nhưng sau khi khỏi Covid, cô không thể giữ vững cột hơi khi hát, khó lên nốt cao và thường thở gấp sau những đoạn cao trào.
Những người đã bị Covid rồi vẫn có thể bị lại, chứ không có chuyện một lần F0 thì cả đời “bất tử” (không bị lại nữa) như trong suy nghĩ ngây thơ của nhiều người. Ca sĩ Quách Tuấn Du từng mắc Covid hai lần, lần đầu tiên vào tháng 9/2021 và bị tái nhiễm vào tháng 1/2022 khi đang ở Mỹ. Sau hai lần nhiễm Covid, anh gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như hụt hơi, khó thở, mất ngủ, hay quên và dễ mất tập trung. Anh cũng bị tổn thương dây thanh quản nên gặp khó khăn trong công việc ca hát.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ trên Zing rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng “hậu Covid”, đó là những vấn đề về phổ như xơ hóa phổi, giảm dung tích phổi, thứ hai là rối loạn thần kinh thực vật. Ông cũng cho biết hầu hết những ca F0 mà ông có dịp tư vấn đều gặp một hay một vài vấn đề về sức khỏe hậu Covid, chỉ có một tỉ lệ nhỏ là hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường sau khi khỏi bệnh.
Nhiều F0 mệt mỏi khi vẫn làm việc tại nhà và chật vật khi quay trở lại công sở
Khác với trước đây, những F0, F1 được đưa đi cách ly tập trung, hiện tại đa số F0 được cách ly và tự điều trị tại nhà. Dù không đến công ty, họ vẫn phải làm việc online và hoàn thành khối lượng công việc như thường lệ. Gần đây, do thiếu hụt về nhân lực vì Covid, nhiều địa phương đã cân nhắc phương án cho F0 đến công ty làm việc trên tinh thần tự nguyện. Đối với nhiều F0, việc vẫn phải đảm bảo công việc trong thời gian cách ly chữa bệnh là điều hiển nhiên, nếu không muốn bị giảm thu nhập. Nhiều người còn là trụ cột kinh tế gia đình, không chỉ phải làm việc trong khi bản thân đang bị bệnh, họ phải chăm sóc cho cả gia đình đều nhiễm Covid.
Trong khi đó, những người mắc Covid không có điều kiện tốt nhất về sức khỏe để sẵn sàng làm việc. Họ phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi, đau nhức và chỉ có thể làm việc với 10% công suất, song vẫn phải hoàn thành công việc khi đang ở nhà. Có những người mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi, số khác lại cảm thấy đó là trách nhiệm với công việc hoặc không muốn ảnh hưởng đến lương, thưởng.
Ngay cả với những người đã khỏi Covid và trở lại văn phòng làm việc bình thường cũng không dễ bắt nhịp với guồng quay công việc như cũ do những di chứng hậu Covid để lại.
Chúng ta vẫn cần bảo vệ chính mình và những người xung quanh
Nếu trải qua hơn hai năm dịch bệnh dai dẳng mà bạn vẫn “bất tử” (chưa từng dính Covid) thì xin chúc mừng, bạn đã làm tốt và có thể bạn may mắn nữa. Hãy cứ tiếp tục như thế bằng việc đeo khẩu trang thường xuyên, cẩn thận trong tiếp xúc để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm.
Với những người trưởng thành và sung sức thì có thể sớm vượt qua Covid, nhưng với trẻ em, người già và người có bệnh nền thì sẽ rất nguy hiểm. Bảo vệ bản thân mình cũng chính là bảo vệ cho gia đình và những người xung quanh.
Dù người ta có bình thường hóa Covid đến đâu thì chúng ta hãy cứ phòng tránh, “cố thủ” được chừng nào tốt chừng ấy. Tâm lý con người ai cũng thích đu trend, sợ mình “tối cổ”, sợ mình bị bỏ lỡ điều gì đó. Nhưng đu trend gì thì đu chứ đùng đu trend “2 vạch” vì nó chẳng hề vui vẻ như những trào lưu giải trí trên mạng.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất