Tết bây giờ, chẳng mong được xúng xính váy áo, đi chơi, chỉ mong một cái Tết đoàn viên bên gia đình là đủ!

I Am NGA 2022-01-19 20:30
- Điều kiện để được về quê ăn Tết là điều mà nhiều người đang đi học, đi làm xa quan tâm lúc này, bởi mỗi địa phương có một quy định khác nhau trong việc phòng chống dịch.

Những ngày giáp Tết, bên cạnh khối lượng công việc ngồn ngộn, tôi còn phải lên kế hoạch chi tiêu dịp Tết, thu xếp việc về quê ăn Tết và một điều quan trọng không kém, cập nhật những tin tức mới nhất về yêu cầu phòng chống dịch tại địa phương. Bởi mỗi địa phương có một quy định khác nhau đối với người về quê ăn Tết và những quy định này có thể cập nhật, thay đổi liên tục. Công việc bận rộn, lại liên tục phải cập nhật những tin tức mới khiến tôi nhiều lúc cảm thấy mình bị quá tải thông tin và rất đau đầu. Nhưng biết làm sao được, khi chúng ta đang sống trong thời kỳ dịch bệnh thì phải học cách chấp nhận.

Sau 2 cái Tết mỏi mòn vì dịch, chỉ mong đường về nhà không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ để có cái Tết đoàn viên

Từ đầu tháng 7/2021 đến nay tôi chưa về nhà, nghĩa là cũng nửa năm rồi, dù Hà Nội (nơi tôi đang sống và làm việc) chỉ cách quê tôi hơn 100km và mất khoảng 2 tiếng di chuyển bằng ô tô. Tôi cho rằng mình không có việc gì quá quan trọng, nhất thiết phải về nhà vì thế tôi không về để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh thứ tôi cho là “ý thức phòng chống dịch” thì sự sợ hãi khiến tôi co cụm lại, không dám đi đâu, làm gì, hạn chế giao tiếp với người khác vì sợ bị lây bệnh, sợ những thủ tục kiểm dịch phức tạp khi mình di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Nhưng một sự thật là, lâu không về nhà, tôi rất nhớ nhà, tôi cô đơn và luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, nhất là tình thân gia đình. Những lúc dịch chưa có căng thẳng, vài ba tháng tôi về nhà một lần, ăn những bữa cơm nóng hổi, ngủ một giấc ngủ bình yên là đủ để tiếp thêm cho tôi sức mạnh trên con đường dài một mình phía trước. Lâu tôi không về nhà, bố mẹ cũng rất nhớ tôi. Đến con mèo ở nhà chắc cũng quên hơi tôi rồi, giờ tôi mà về chắc nó chẳng còn nhận ra nữa đâu, vì đã khá lâu rồi.

Sau 2 cái Tết mỏi mòn vì dịch, chỉ mong đường về nhà không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ để có cái Tết đoàn viên

Mẹ tôi tha thiết: “Về nhà đi con! Mẹ nhớ lắm! Chỉ mong một cái Tết đoàn viên”.

Tôi bảo “để con xem tình hình thế nào, nếu không phải đi cách ly tập trung thì con sẽ về, còn nếu họ có nhiều yêu cầu khắt khe quá thì thôi”. Bởi sau một cái Tết tôi vẫn phải quay trở lại thành phố làm việc, vẫn phải trở về với nhịp sống thường ngày. Tình cảm gia đình hay công việc cũng đều quan trọng. Ai cũng muốn có thể cân bằng được mọi thứ trong cuộc sống của mình mà không phải hy sinh hay đánh đổi bất cứ thứ gì cả.

Sáng nay đọc được bài báo về việc người dân về quê ăn Tết bị nhiều địa phương khóa trái cửa, tự nhiên tôi thấy buồn, buồn và rồi lại tự hỏi, quê người ta như thế, không biết quê mình thì thế nào? 

 Sau 2 cái Tết mỏi mòn vì dịch, chỉ mong đường về nhà không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ để có cái Tết đoàn viên

Tôi nhớ đầu năm 2020, khi cả nước vẫn còn được đón một cái Tết “bình thường” như bao cái Tết xưa nay thì trên đài, báo, tivi đã đưa tin về bệnh “viêm phổi lạ” ở Vũ Hán. Không ngờ chỉ vài tháng sau đó, Covid-19 bắt đầu lan khắp thế giới, trở thành đại dịch toàn cầu. Việt Nam cũng không tránh khỏi cơn bão này. Theo Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay (thời điểm bài viết này được tạo ra), Việt Nam đã vượt 2 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các biện pháp chống dịch cũng được thay đổi liên tục cho phù hợp với tình hình mới, cái gì không còn phù hợp nữa thì phải bỏ.

Thay vì xóa sạch Covid-19, giờ đây chúng ta chuyển sang “thích ứng linh hoạt”, vừa sống chung với dịch bệnh, vừa đảm bảo lao động, sản xuất và cuộc sống bình thường. Ai cũng có nguy cơ mắc Covid-19 thôi, nhưng hiện trạng bây giờ đã khác trước kia, nhiều người đã được tiêm vắc xin, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh sau hơn 2 năm “chiến đấu”.

Năm 2020, chúng ta từng ôm hy vọng sang năm 2021 mọi thứ sẽ ổn hơn, nhưng rồi bước sang năm 2022, dịch bệnh vẫn là thứ đeo bám dai dẳng. Bởi vậy có lẽ, tất cả chúng ta nên học cách sống chung và thích ứng an toàn với đại dịch. Tôi còn nhớ hồi tháng 7 khi TP. HCM đứng đầu cả nước về số ca mắc, tôi lúc đó từng cảm thấy mình may mắn khi đang sống ở Hà Nội, ít ra mọi thứ cũng đỡ hơn một chút. Chỉ vài tháng sau, tình hình đảo chiều, Hà Nội lại trở thành nơi có nhiều ca mắc nhất. Nhưng tôi vẫn đi làm, vẫn sống một cuộc sống bình thường, ngoài kia dòng đời vẫn đang trôi.

Sau 2 cái Tết mỏi mòn vì dịch, chỉ mong đường về nhà không bị ‘ngăn sông cấm chợ’ để có cái Tết đoàn viên

Mẹ tôi, và biết bao nhiêu bà mẹ khác vẫn đang mòn mỏi ngóng những đứa con xa trở về nhà mấy ngày Tết. Hôm nọ tôi thấy bố đăng ảnh tôi lên Facebook với dòng caption: “Người ta bảo ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Vậy mà từ khi đi học, cả năm chỉ về với bố mẹ mấy tháng hè. Đến khi đi làm cũng chỉ về nhà được 5, 7 ngày Tết rồi lại đi”. Tôi ngậm ngùi chẳng biết phải nói gì, ai chẳng muốn được ở gần gia đình, nhưng hoàn cảnh mỗi người mỗi khác thì phải chịu thôi.

“Ai ở đâu ở yên đấy” tôi đã làm rồi, các quy định về phòng chống dịch tôi cũng đã thực hiện đầy đủ. Tết bây giờ, chẳng mong được xúng xính váy áo, đi chơi, gặp gỡ người khác, chỉ mong một cái Tết đoàn viên bên gia đình là đủ. Sau 2 cái Tết đã quá mỏi mòn vì dịch bệnh, những đứa con xa lúc này chỉ mong đường về nhà không bị ngăn sông cấm chợ, để có thể đón một cái Tết thật bình yên.

 I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Có đôi khi cũng muốn được là riêng, là duy nhất của ai đó trong đời