Qua một năm kinh tế buồn, làm gì để Tết không thành gánh nặng?

I Am NGA 2022-01-18 09:40
- Tết được coi là dịp sum vầy hạnh phúc trong năm nhưng không phải ai cũng háo hức chờ Tết vì không thể chịu được áp lực tài chính tiêu Tết đè nặng.

Kinh tế buồn khiến người ta phải gồng mình đón Tết

Ngày Tết, bên cạnh sự háo hức mong chờ là nỗi lo âu với nhiều người. Vào dịp Tết, nhu cầu mua sắm của mọi người tăng vọt, nào là tiền sắm tết, đi lại, quà biết, lì xì, động đến cái gì cũng phải chi tiền. Lương tháng 13, thưởng cũng chẳng bõ bèn gì, nhiều người còn dốc cả tiền tiết kiệm của một năm để tiêu xài dịp Tết. Đọc báo, thấy choáng ngợp vì cách chi bạo của giới trẻ. Chỉ vỏn vẹn mấy ngày Tết thôi mà tiêu hết vài chục triệu đồng.

Qua một năm kinh tế buồn, làm gì để Tết không thành gánh nặng?

Người Việt có tâm lý “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” nên dù thế nào cũng cố có một cái Tết đủ đầy. Ai cũng có tâm lý, làm lụng, vất vả dành dụm quanh năm, Tết là dịp “bung xõa”, xả hơi và mang đến cho gia đình cảm giác đủ đầy. Bên cạnh đó, quy mô ăn Tết của một gia đình phản ánh “bộ mặt” của gia đình đó với họ hàng, làng xóm. Nhiều gia đình cố mua những món đặc sản ngon nhất, săn lùng những cây cảnh độc đáo nhất về chơi Tết cho bằng bạn bằng bè. Hiệu ứng đám đông khiến người ta đổ xô đi mua sắm, khoắng sạch các gian hàng ở siêu thị mà không quan tâm xem nhu cầu nhà mình đến đâu, tiềm lực tài chính thế nào.

Nhu cầu mua sắm tăng vọt ngày Tết, một mặt thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng mặt khác lại có hại cho hầu bao của bạn, nhất là khi nguồn ngân sách của gia đình bạn không dư giả.

Qua một năm kinh tế buồn, làm gì để Tết không thành gánh nặng?

Trong chương trình Táo Quân 2013, đoạn rap “Một năm kinh tế buồn” (chế từ bài Gangnam Style) của Táo Kinh tế đã trở nên viral khắp mạng xã hội. Kể từ đó đến nay, hình như kinh tế năm nào cũng buồn, không vì lý do này cũng vì lý do khác. Vài năm trở lại đây, bức tranh kinh tế ngày càng ảm đạm do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Mất việc, giảm lương, không có thưởng Tết khiến không ít người kiệt quệ về kinh tế.

Thế nhưng vì văn hóa sắm Tết đã ăn sâu vào gốc rễ văn hóa nên dù khó khăn, thiếu thốn, nhiều người vẫn phải cố gồng mình để đón Tết. Họ thậm chí đi vay mượn, dùng thẻ tín dụng để tiêu Tết rồi qua Tết lại còng lưng trả nợ. “Kinh tế buồn”, vì thế mãi là cái vòng luẩn quẩn khiến người ta không thoát ra được, từ năm này sang năm khác.

Làm sao để sắm Tết tiết kiệm mà vẫn đủ đầy?

Có nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh việc bỏ Tết truyền thống vì gây tốn kém lãng phí. Thực ra không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng chi mạnh tay vào các dịp lễ, như ở phương Tây là lễ Giáng sinh. Ngày Tết sinh ra để người ta nghỉ ngơi, sum vầy, đoàn tụ chứ không phải để trở thành gánh gặng kinh tế đối với bất cứ ai. Văn hóa tiêu Tết hay lì xì đều ít nhiều mất đi ý nghĩa ban đầu của nó khi người ta quá coi trọng vật chất. Đón một cái Tết như thế nào, vui vẻ hay nặng nề, hoàn toàn do lựa chọn của mỗi người.

Vậy làm thế nào để có một cái Tết đủ đầy mà vẫn tiết kiệm? Bạn có thể tham khảo những gợi ý sau.

Qua một năm kinh tế buồn, làm gì để Tết không thành gánh nặng?

1. Lên ngân sách cụ thể cho các khoản chi ngày Tết

Việc chi tiêu có kế hoạch bao giờ cũng là điều tốt, nếu bạn chưa có thói quen lập ngân sách và thống kê chi tiêu, thì Tết này là dịp tốt để bạn bắt đầu học và vận dụng. Trước khi lập ngân sách sắm Tết, bạn phải lên ngân sách cho những khoản chi thiết yếu trong gia đình như tiền ăn uống, đi lại, sinh hoạt phí. Sau đó bạn liệt kê ra những khoản chi bắt buộc vào dịp Tết như tiền mua thực phẩm ngày Tết, tiền lì xì, quà biếu.

Bạn tính toán xem các khoản lương tháng 13, thưởng Tết của các thành viên là bao nhiêu, có đủ chi trả cho các khoản tiêu Tết không? Liệu có khoản chi nào có thể cắt giảm không? Đặc biệt là khoản tiền lì xì, nhiều người thường chi rất bạo tay cho khoản này. Tuy nhiên trong tình hình kinh tế khó khăn thì ngân sách cho lì xì cũng cần được tính toán chặt chẽ.

2. Lập kế hoạch mua sắm cụ thể

Sau khi đã lập ngân sách, bạn hãy lên kế hoạch mua sắm cụ thể. Vào dịp Tết, nhiều hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng giá nên bạn có thể cân nhắc mua sớm để có được mức giá tốt. Ngoài ra, bạn có thể săn khuyến mãi, mua sắm ở chợ đầu mối để tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.

Qua một năm kinh tế buồn, làm gì để Tết không thành gánh nặng?

3. Chỉ mua sắm đủ dùng, không tích trữ nhiều thực phẩm

Ngày Tết thường có tình trạng mâm cao cỗ đầy ê hề nhưng nhìn món nào cũng ngấy. Đồ ăn thức uống thường xuyên trong tình trạng bê ra rồi lại bê vào mà không có ai động đũa. Ngày nay hầu như nhà nào cũng có tủ lạnh, chợ và siêu thị tiện lợi ở khắp mọi nơi, từ mồng 2 chợ đã mở lại nên việc trữ nhiều thực phẩm là không cần thiết. Cần bao nhiêu, sắm bấy nhiêu vừa ngon lại vừa tiết kiệm.

4. Tận dụng đồ của nhà làm được

Ngày nay hầu như ít ai còn tự làm bánh mứt mà thường mua đồ bán sẵn vì tính tiện lợi. Tuy nhiên dịp Tết này nhiều người về quê ăn Tết phải ở nhà ít nhất 7 ngày không được ra ngoài, nhiều sinh viên đã về quê sớm để kịp cách ly đủ thời gian trước dịp Tết. Vậy bạn có thể dành thời gian để tự tay làm những món bánh, ngọt, mứt, đồ ăn vặt handmade. Vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.

5. Tận dụng đồ trang trí Tết năm trước

Bên cạnh đồ ăn thức uống thì trang trí nhà cửa cũng tiêu tốn một khoản không nhỏ dịp Tết. Một số món đồ bạn có thể tận dụng lại từ Tết năm trước như đèn lồng, đèn nháy trang trí, lọ hoa, câu đối, bình hoa giả,… và tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

Mong rằng mỗi chúng ta đều có thể đón một cái Tết bình yên sau một năm vất vả mà không phải gồng mình, oằn vai nặng trĩu vì gánh nặng chi tiêu ngày Tết.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cuộc sống của những hot girl đình đám xứ Bắc: Người làm dâu tỷ phú, người làm CEO danh tiếng