Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 5.000 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

2021-07-26 08:05
- Có khi dịch ở Sài Gòn lên cao điểm tới hơn 5.000 ca/ngày. Bố mẹ gọi điện lên hối thúc Tùng dừng việc nấu suất ăn hỗ trợ kẻo nhỡ may “lây dịch”. Công việc vất vả triền miên từng khiến anh chùn chân mỏi gối, đã có lúc chợt nghĩ: “Hay là thôi?”.

Là một người con đất Kiên Giang nắng gió, Bùi Thanh Tùng gắn bó với Sài Gòn cũng đã ngót nghét “mười mấy năm”. Trước Covid-19, Tùng là hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Dịch bệnh bất ngờ đổ ập như cơn lốc xoáy chẳng hề báo trước, cùng với bao nhân sự khác trong ngành du lịch, anh nghỉ việc từ tháng 3/2020.

Sống một mình giữa Sài Gòn, một lần tình cờ bắt gặp thông tin tuyển cộng tác viên của Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên TP.HCM, Tùng ngay lập tức xin được tham gia. Anh giấu gia đình.

Khi mẹ Tùng biết chuyện, bà lo lắng gọi điện thoại cho con trai can ngăn nhiều lần: “Đừng đi nữa, nguy hiểm lắm, dễ lây dịch”. Nhưng Tùng vẫn cố thuyết phục gia đình rằng chỗ anh làm đủ an toàn. “Nhờ vậy nên dần cũng… êm êm. Nhưng sắp tới thì không biết ba má có kêu tôi nghỉ nữa không!”, Tùng cười.

Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 1.600 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

Bùi Thanh Tùng bên gian bếp luôn "đỏ lửa" tình người.

Vốn là một hướng dẫn viên du lịch, thường ngày chỉ “có chút năng khiếu nấu ăn và làm bánh”, thời gian đầu phải làm quen với việc đứng bếp nấu một lượng lớn suất ăn hỗ trợ, Tùng gặp không ít khó khăn. Tay dễ mỏi vì anh chưa quen dùng nồi niêu xoong chảo “siêu to khổng lồ”. Thời tiết ngày hè vốn oi bức, cộng thêm hơi nóng “hấp người” của bếp và phải xỏ bao tay, đeo khẩu trang cùng tạp dề, cơ thể liên tục ra mồ hôi, rất khó chịu. Và hay bị bỏng.

“Bởi nấu số lượng lớn, anh Long đồng đội của tôi là người trực chiến ngủ tại bếp. Sáng sáng mọi người đã cùng nhau cắt rau củ, lên thực đơn trước ngày và tận dụng những đồ được tài trợ”, Tùng kể. “Chúng tôi chỉ sợ mưa thôi”. Có những ngày mưa “dữ” khiến ai nấy ướt như chuột lột, song vẫn cố gắng mặc áo mưa ngồi làm cá, cắt rau, chuẩn bị đồ ăn thức uống…

Mưa tạt làm cho 2 bếp không nấu được nên năng suất giảm. Tùng cùng đồng đội vẫn phải mỗi người một tay nhanh chóng cho kịp suất ăn nên khá vất vả. “Tôi chỉ sợ mọi người ướt rồi cảm, bệnh mất. Thiếu một người là thiếu một tay làm việc”.

Tùng và 2 người bạn đóng vai trò “bếp chính”, cùng khoảng 20 – 30 tình nguyện viên khác tham gia hỗ trợ. Tất cả nấu được khoảng 5.000 suất ăn/ngày, bình quân mỗi người nấu hơn 1600 suất/ngày. “Từ con số dự kiến ban đầu 28.000 suất ăn hỗ trợ cho người dân, đến nay sau 50 ngày, chúng tôi đã hỗ trợ được 154.445 suất ăn cho người dân, bệnh nhi và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Con số 154.445 suất cơm đó là thành quả có được từ sự ủng hộ, đóng góp về nhân lực và vật lực của những tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân trên khắp mọi miền tổ quốc, đặc biệt là các bạn thanh niên tình nguyện đầy nhiệt huyết của thành phố”, Tùng xúc động.

Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 1.600 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

Món thịt rang trong "bếp ăn nghĩa tình" không có khái niệm “đợi nó sắc” keo lại, bởi nếu vậy sẽ không kịp giờ cơm. "Chúng tôi chỉ có khái niệm nó chín và mềm, nên nhìn màu thịt có khi hơi nhạt", Tùng chia sẻ.

Có khi dịch ở Sài Gòn lên cao điểm tới hơn 5.000 ca/ngày. Bố mẹ gọi điện lên hối thúc Tùng dừng việc nấu suất ăn hỗ trợ kẻo nhỡ may “lây dịch”. Công việc vất vả triền miên từng khiến anh chùn chân mỏi gối, đã có lúc chợt nghĩ: “Hay là thôi?”. 

Nhưng Tùng lại nghĩ ngợi. Đâu đó ngoài kia, có nhiều lắm những người đang lay lắt cầm cự sống qua ngày trong thời dịch bệnh. Họ cần mình. Bếp ăn thiếu đi “một chân đứng bếp” thì mọi người xoay sở càng thêm vất vả. Đồng đội cần mình. Chúng ta cần nhau. Nghĩ vậy, Tùng lại cố thêm một chút, mỗi ngày. Khi nào thấy mệt quá, Tùng ở nhà nghỉ một ngày rồi “hôm sau khỏe lại lên làm tiếp”. “Động lực của tôi là giúp người dân và lực lượng chống dịch tuyến đầu được no bụng, khỏe mạnh để chiến đấu, dịch mau kết thúc”.

Tập thể tình nguyện viên của Tùng trong hơn 50 ngày liên tục đã cùng nhau quây quần bên mớ rau, miếng thịt, nào người gọt khoai, nào người thái thịt, người thổi cơm, người vác gạo,… Ai nấy chạy tới chạy lui trong những ngày mưa giông để che chắn căn bếp ấm đượm tình người, che rau củ thực phẩm để kịp giờ phát cơm cho người dân.

Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 1.600 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

Những suất cháo được để nguội rồi gửi đi cho bệnh nhi bệnh viện Trưng Vương.

Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 1.600 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

Những suất ăn bệnh nhi luôn kèm theo sữa tươi. 

Những con người xa lạ ở đủ mọi ngành nghề: đầu bếp, nhân viên văn phòng, công ty du lịch, chuyên viên tư vấn, nhân viên bảo hiểm, sinh viên, học sinh,… đã cùng nhau tận tâm dốc sức, tập trung làm việc. Họ không phô trương, không hào nhoáng, chẳng màng khoe khoang hay than vãn. Bởi mỗi người đều chỉ có một mục tiêu duy nhất: dốc hết sức mình để kịp giờ giao cơm cho người dân. “Với chúng tôi, những khi giao xong suất cơm trưa và suất cơm chiều, ngồi ăn vội bát cơm, uống vội ly nước, kể cho nhau nghe những chuyện vui, chọc ghẹo nhau,… là thời điểm hạnh phúc nhất trong ngày. Vừa là lúc chúng tôi phục hồi năng lượng, rồi sau đó lại tiếp tục lau chùi quét dọn, cắt rau, chặt thịt cho kịp bữa trưa của ngày kế tiếp”. 

Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 1.600 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

Ai ai cũng tất bật...

Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 1.600 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

Nhưng gian bếp nghĩa tình ấy không khi nào thiếu vắng tiếng cười.

Từ những con người chẳng hề quen biết nhau, nên duyên hội tụ chỉ vì cùng có tấm lòng nhân ái muốn sẻ chia, tất cả đã trở thành một gia đình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. “Các bạn sinh viên vẫn đang thi học kỳ nhưng vẫn tranh thủ thay nhau làm và sắp xếp đi học online hoặc thi. Thỉnh thoảng thấy thiếu người lại lo vì sợ khu đồng đội ở “bị phong tỏa”. Mỗi khi mưa, mọi người hay kêu: Kiên à, Phú à,… thay áo khô kẻo bệnh. Thắm, Hương đi ngủ đi. Hoặc, Khánh à ăn cơm đi để có sức làm chứ… Những câu động viên ấy dù giản dị thôi nhưng mọi người luôn nghĩ cho nhau, cảm thấy rất ấm áp”.

Chàng trai giấu gia đình tham gia ‘bếp ăn nghĩa tình’, nấu 1.600 suất ăn/ngày giúp người dân vùng dịch

Hạnh phúc đôi khi đến từ những điều thật giản dị.

Khi được hỏi điều gì là quan trọng nhất trong đời đối với bản thân, Tùng không chút do dự mà đáp ngay: “Quan trọng nhất là sức khỏe. Vì hiện nay có tiền bạc cũng không làm được gì. Chỉ có khỏe mạnh mới vui và hạnh phúc được”. Cạnh đó, Tùng mong mình sớm được tiêm vaccine Covid-19 để an tâm hơn khi làm việc.

Gắn bó đã nhiều năm, Tùng yêu Sài Gòn và chẳng biết tự bao giờ đã coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Với anh, Sài Gòn là cả thanh xuân. Những khi mệt mỏi, chỉ cần lấy xe chạy một vòng quanh Sài Gòn lúc gần khuya hay sáng sớm, anh đã thấy lòng bình yên trở lại. “Mùi vị của thành phố này khi vắng lặng thật dễ chịu biết bao nhiêu”, Tùng hoài niệm.

"Nhưng chỉ thích “vắng một chút”, chứ vắng tanh không một bóng người như những ngày này thì buồn lắm!”, anh cười. Chàng trai 34 tuổi mong Sài Gòn “sớm khỏe lại” và tất cả mọi người đồng lòng, góp công góp sức cùng nhau chống dịch: “Chẳng cần gì nhiều, chỉ cần chúng ta ở yên trong nhà thôi, con số ca bệnh sẽ giảm đi nhanh chóng”.

Vy Cầm

Ảnh: NVCC

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Cách tìm iPhone bị mất kể cả khi bị ngắt mạng với iOS 14