Bức ảnh tốt nghiệp của trường cao đẳng ở Trung Quốc dấy lên tranh cãi: Người học cao hiểu rộng chưa chắc biết hành xử lịch sự?
Tin liên quan
Mới đây, tấm ảnh chụp tốt nghiệp của một trường cao đẳng ở Trung Quốc thu hút sự chú ý của dư luận.
Nội dung bài đăng như sau: “Vì mặc đồ quá nổi bật nên đã được ngồi hàng đầu tiên chụp ảnh tốt nghiệp. Cảm giác như thế nào? Chắc chắn là sung sướng rồi!”.
Học cao hiểu rộng nhưng chưa chắc biết suy nghĩ cho người khác
Từ bức ảnh có thể nhìn thấy, hai cô gái mặc đồ công chúa Disney ngồi chính giữa khung hình hàng đầu tiên. Trong đó, một người là công chúa Bạch Tuyết, người còn lại là công chúa Belle, phần áo trước ngực được thiết kế xẻ sâu, trông khá gợi cảm.
Phải công nhận, cách hóa trang của hai cô gái khiến người ta không khỏi chú ý.
Cô gái đăng tải bức hình với phát ngôn này có lẽ chỉ muốn nhận nhiều lượt thích và theo dõi, nhưng không ngờ đã dấy lên tranh luận trái chiều dữ dội.
Một sinh viên đứng ở hàng sau trong tấm hình tốt nghiệp đã lên tiếng:
“Hôm nay nhìn thấy bức ảnh tốt nghiệp được hai cô bạn này đăng tải tự nhiên không muốn lấy hình về làm kỷ niệm luôn”.
Chàng trai đã kể lại câu chuyện phía sau tấm hình đang “gây sốt”.
Hôm đó, thợ nhiếp ảnh nhìn thấy hai cô gái ăn vận rất bắt mắt nên đã gọi họ lên ngồi hàng đầu, nhưng không hề hỏi ý kiến của giáo viên.
Chàng trai đã chỉ ra 5 điểm bức xúc:
Một, hai cô gái đăng tải bức hình lên mạng xã hội nhưng không hề Tag bạn học, khiến ai cũng trở thành kẻ làm nền không hơn không kém.
Hai, trước lúc chụp ảnh, nhà trường rõ ràng thông báo sinh viên ăn mặc lịch sự như thường ngày. Hai cô gái này đã cố tình đi ngược lại mọi người.
Ba, cả thời đại học chỉ có đúng 1 bức ảnh tốt nghiệp quý báu để treo trong nhà làm kỷ niệm. Thế nhưng mỗi lần nhìn vào đều chỉ chú ý đến hai cô gái. Quá chướng mắt!
Bốn, bức ảnh tập thể chứ không phải ảnh chụp cá nhân. Hành vi của hai cô gái là ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, không quan tâm đến cảm nhận của người khác.
Năm, ngồi hàng đầu tiên đều là thầy cô giáo dạy suốt 4 năm, thế mà lại xuất hiện 2 người ăn vận “khác người” ngồi ngang hàng.
Đúng vậy! Trong buổi lễ tốt nghiệp, ăn mặc nổi bật là quyền tự do của bạn. Bạn có thể mặc những gì mình thích, chụp đủ kiểu ảnh.
Nhưng khi chụp tập thể, bạn không hề suy nghĩ đến việc bản thân đã mang lại ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
Đó có thể là bức ảnh tốt nghiệp đại học duy nhất của một số người. Bạn cố gắng nổi bật hơn người khác, lại còn đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội với giọng điệu vô cùng tự hào. Bạn vui sướng, nhưng chưa chắc người khác vui vẻ như bạn.
Người khác làm đúng theo thông báo của trường học, ăn vận bình thường. Vậy thì cách làm của bạn có đúng đắn không?
Sau đó, một bài đăng khác đã thanh minh cho hai cô gái mặc đồ công chúa Disney kia.
Thì ra, hai cô gái học ngành trang phục diễn xuất. Nơi chụp ảnh là học viện thiết kế. Nhiều người trong ảnh không phải là bạn học của hai cô gái, thậm chí còn không quen biết.
Sau đó, dân mạng đã bình luận sôi nổi. Có người còn mỉa mai: “Chụp ké ảnh kỷ niệm mà còn hóa trang đến lộng lẫy như vậy. Tưởng là khách, nhưng lại trở thành chủ. Giống như mặc váy cưới đến dự hôn lễ của người khác vậy”.
Dân mạng cho rằng hai cô gái mặc dù học cao, nhưng văn hóa và giáo dục lại thấp đến mức đáng thương. Ngay cả cách hành xử chuẩn mực nhất cũng không biết thì làm sao trở thành người có ích cho xã hội?
Lòng tốt cho đi thầm lặng, không cần danh tiếng
Một câu chuyện thứ hai cũng “hot” không kém gần đây về “Sinh viên nghèo khó ở trường đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh”.
Năm 2016, tỷ lệ sinh viên nghèo khó của trường đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh là 28%. Nhiều sinh viên mặc dù gia cảnh nghèo túng nhưng nhất quyết không làm đơn hỗ trợ học phí vì thể diện.
Điều này có lẽ xuất phát từ quy trình làm đơn quá khó khăn và được công khai nên không tránh khỏi việc khiến một số sinh viên cảm thấy mất lòng tự tôn.
Để giải quyết tình hình này, nhà trường đã nghĩ ra một cách. Họ đã tính toán số lượng thức ăn trong canteen mỗi tháng là 60 tấn. Sau đó thống kê sinh viên nào có tổng chi cho tiền ăn trong canteen chưa đến 420 NDT (hơn 1,5 triệu đồng) trong 1 tháng là thuộc diện nghèo khó.
Cũng có thể nói, bữa trưa và bữa tối gần như đều ăn ở canteen nhà trường. Mỗi bữa chỉ ăn không quá 7 NDT (cơm trắng và rau xào), chứng tỏ sinh viên thật sự gặp khó khăn về kinh tế.
Thế là không cần chứng minh, cũng không cần giấy tờ, nhà trường tự động hỗ trợ tiền ăn vào thẻ cơm của sinh viên được nhận định nghèo khó. Được biết, thẻ cơm là thẻ nạp tiền chỉ dùng để mua bữa ăn trong canteen trường học ở Trung Quốc.
Việc làm của nhà trường là sự lương thiện thầm lặng, sự ấm áp khi biết suy nghĩ cho người khác. Vì cảm nhận được nỗi khổ của sinh viên nên nhà trường đã động lòng hảo tâm, quyết định dang tay giúp đỡ.
Đúng với bạn nhưng chưa chắc đúng với người khác!
Từ hai vụ việc này, chúng ta thấy được sự đối lập rõ ràng:
Một bên chỉ quan tâm đến bản thân, nhưng lại không hề biết nghĩ cho cảm nhận của người khác. Bên còn lại vừa giúp đỡ vừa cho đối phương thể diện lẫn tôn nghiêm.
Giữa con người với nhau, sự ấm áp đôi khi không tồn tại trong chuyện to tát, mà hơn hết là những khoảnh khắc khi con người ta biết suy nghĩ cho nhau, lương thiện mà không cần báo đáp.
Trong quan hệ xã hội, chúng ta phải hiểu được 3 điều:
Một, bạn nên tôn trọng quan điểm của người khác bất kể có tán thành hay không.
Hai, một điều đúng đối với bạn, nhưng nó chưa chắc đúng khi áp đặt lên người khác.
Ba, biết hóa thân vào vị trí của đối phương để cảm nhận, suy nghĩ và phân tích vấn đề. Như vậy, bạn mới có cái nhìn tổng quan hơn ở nhiều góc độ.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất