Stress ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào? Chúng ta có thể 'làm bạn' với stress không?

I Am NGA 2021-09-11 08:05
- Chúng ta không thể thoát khỏi stress bằng cách chống trả nó. Thay vào đó, việc hiểu về stress là bước đầu tiên để kiểm soát stress hiệu quả.

Stress hay tình trạng căng thẳng là một vấn đề tâm lý thường gặp. Bất cứ ai cũng từng nhiều lần stress trong đời khi công việc quá áp lực, khi cuộc sống gặp phải biến cố gì đó như chia tay, mất người thân. Stress ảnh hưởng lên sức khỏe thể chất và tinh thần, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau và tùy ngưỡng chịu đựng của người mắc phải vấn đề này. Tức là có những người dễ bị stress hơn những người khác. Để giảm stress, cố xua đuổi nó không phải là một cách, người ta phải có kỹ năng làm bạn với stress.

Để đỡ stress hơn, hãy ‘làm bạn’ với stress

Làm bạn với stress là thế nào?

Làm bạn với stress không có nghĩa là chúng ta luôn phải sống chung với stress, bạn bè đâu phải lúc nào cũng sống chung với nhau. Khi mở lòng làm bạn với stress, chúng ta chấp nhận rằng stress là một hiện tượng tâm lý thường thấy, chúng có thể ghé thăm chúng ta bất cứ lúc nào với những nguyên nhân và mức độ khác nhau. Chúng ta phải hiểu được “người bạn” này để kiểm soát được nó.

Stress không phải lúc nào cũng xấu. Ví dụ khi bạn đang đi xe ngoài đường và bất chợt bị một xa khác tạt đầu, bạn phanh gấp và tránh được tai nạn xảy ra. Khi ấy vùng dưới đồi ở não gửi tín hiệu thông báo cho tuyến thượng thận tràn corisol và epinephrine vào cơ thể, kích thích phản ứng của cơ thể là chống trả hoặc bỏ chạy (fight-or-flight response: một phản ứng sinh lý của cơ thể khi cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, ảnh hưởng đến sự sống còn) (*).

Để đỡ stress hơn, hãy ‘làm bạn’ với stress

Thời xưa, cơ chế này đảm bảo loài người sinh tồn trước thiên nhiên đầy nguy hiểm. Tuy nhiên ở xã hội hiện đại điều này lại gây khá nhiều phiền toái cho chúng ta. Căng thẳng ở mức độ thấp nhưng kéo dài liên tục khiến cơ thể bơm ra những hormone trên một cách ổn định, khiến bạn luôn cảnh giác cao độ dù không gặp sự kiện nguy hiểm gì về thể chất.

Stress ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Những rối loạn tâm lý như stress, trầm cảm thường đi cùng với những triệu chứng lo âu. Điều này làm tăng sức phá hoại lên sức khỏe của bạn. Khi bị stress kéo dài, những ảnh hưởng dễ thấy nhất là rối loạn ăn uống, rối loạn tiêu hóa và rối loạn giấc ngủ.

Khi bị stress, bạn có thể ăn nhiều quá mức bình thường hoặc chán ăn, mất cảm giác ngon miệng. Những người bị stress thường dẫn đến những hành vi như ăn đồ ngọt nhiều hơn, hút thuốc, uống rượu, vì họ cho rằng đó là cách để giải tỏa nhưng thực ra lại tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Ngoài ra, khi stress thì máu thường được dồn đến các cơ quan khác mà ít bơm đến nội tạng, khiến cho những cơ quan này hoạt động không hiệu quả, dẫn đến đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy.

 Để đỡ stress hơn, hãy ‘làm bạn’ với stress

Rối loạn giấc ngủ là hệ quả tất yếu khi bị stress, bạn có thể mất ngủ, khó ngủ, thức giấc giữa đêm và không ngủ lại được, đêm nằm mơ thấy ác mộng, giật mình khi ngủ và có thể bị bóng đè. Có những người lại ngủ li bì ngày đêm mà vẫn thấy uể oải, buồn ngủ.

Nếu các hormone căng thẳng tồn tại trong cơ thể một thời gian quá dài, chúng có thể làm hỏng mạch máu bằng cách tích tụ các mảng bám, gây tắc nghẽn động mạch, dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, đau tim và đột quỵ.

Dần dần, cơ thể chúng ta sẽ bị suy nhược, tăng cân hoặc sụt cân mất kiểm soát, não không đủ tỉnh táo, minh mẫn, ghi nhớ kém và phản xạ chậm chạp. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất công việc.

Làm sao để tránh những tác hại tiêu cực của stress?

Một trong những vấn đề phổ biến của xã hội hiện đạng lại tình trạng lo âu thường trực, nhất là trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện tại. Mỗi ngày lên đọc báo mạng lại thấy rất nhiều tin tức tiêu cực đập vào mắt. Việc tiêu thụ những thông tin tiêu cực một cách đều đặn khiến tình trạng lo âu ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến công việc của rất nhiều người, có người bị mất việc, giảm lương. Khi sự sinh tồn bị đe dọa thì cơ thể kích thích phản ứng stress cũng là điều dễ hiểu. Có những người vì hoang mang, sợ hãi mà làm việc đêm ngày vì họ cho rằng như vậy mới đảm bảo cuộc sống của mình.

Như thế, để tránh stress, trước hết phải cắt được những nguyên nhân gây stress. Có thể hạn chế cập nhật tin tức, hoặc nếu thấy tình trạng bản thân quá nặng nề, hãy dừng hẳn việc đọc tin tức và lên mạng xã hội trong một khoảng thời gian nhất định đến khi bình tâm trở lại.

Để đỡ stress hơn, hãy ‘làm bạn’ với stress

Nghỉ ngơi hợp lý là cách để cân bằng cuộc sống hiệu quả. Nhiều người tham công tiếc việc đến nỗi vào nhà vệ sinh cũng cầm theo cái điện thoại để tranh thủ check email, vì sợ “lãng phí” thời gian. Điều này khiến não bộ luôn trong tình trạng căng thẳng, gây đau đầu, căng cơ. Cuối cùng chúng ta khó mà thư giãn được khi muốn nghỉ ngơi bỡi não sẽ liên tục tìm việc tiếp theo để làm mà đánh mất khái niệm thư giãn.

Vì thế, làm việc theo phương pháp pomodoro là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ làm việc quá sức gây stress. Phương pháp này quy định thời gian tập trung làm việc là 25 phút (gọi là 1 pomodoro) sau đó nghỉ giải lao 5 phút và cứ tiếp tục như thế. Ở thời gian giải lao, chúng ta có thể đứng dậy đi lại, đi vệ sinh, uống nước hoặc ngồi thiền, hít thở sâu vài phút.

Nếu bạn đang ở trong tình trạng stress nặng, việc dành hẳn vài ngày để nghỉ ngơi, gác mọi công việc sang một bên cũng là điều cần thiết để cơ thể có thời gian phục hồi.

(*) Nguồn tham khảo những thông tin khoa học: Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec

I Am NGA

Ảnh: Sưu tàm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Khuyết điểm khiến sao Hoa Ngữ muốn che giấu: Dương Mịch trán hói, Lưu Diệc Phi cười hở lợi!