Làm sao để thoát khỏi cảm giác hụt hẫng khi bộ phim bạn yêu thích kết thúc?
Tin liên quan
Cày phim là một trong những sở thích phổ biến nhất của chúng ta trong xã hội hiện đại. Thế nhưng bạn đã bao giờ trải qua cảm giác chìm đắm trong câu chuyện, đến nỗi bộ phim đã khép lại mà bạn vẫn chưa “dứt” ra được. Đó là cảm giác trống rỗng khi bạn phải nói lời tạm biệt với các nhân vật, như thể chia tay những người bạn thân thiết. Nhiều người “ghiền” phim đến nỗi xem đi xem lại mấy lượt, lùng sục xem tất cả những video hậu trường trên mạng, tìm đến những hội nhóm thảo luận về bộ phim trên mạng xã hội.
Cảm giác họ chưa thể dứt khỏi một câu chuyện đẹp để quay trở lại với hiện thực nhạt nhẽo của đời mình. Cũng muốn “thoát” phim lắm nhưng làm không nổi. Mỗi khi lướt mạng xã hội thấy một đoạn cắt nào đó từ phim là lại “ngốn” say sưa và muốn cày lại phim từ đầu.
Nhiều người gọi đó là hiện tượng “lậm phim”, một hiện tượng khá phổ biến với hội chị em mọt phim, nhất là với những người mê phim bộ dài tập. Việc lậm một bộ phim mình yêu thích cũng là chuyện bình thường thôi, nó chỉ trở nên bất thường khi ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của bạn.
Nỗi buồn hậu phim ảnh (post-series depression - PSD) là hiện tượng tâm lý mô tả cảm giác mất mát, buồn bã, trống rỗng sau khi xem xong một bộ phim hay đọc hết một cuốn truyện.
Vậy tại sao điều này lại xảy ra?
Cánh cửa giúp bạn tạm thoát khỏi những mệt mỏi của cuộc sống đã khép lại
Nhiều người tìm đến phim ảnh như một hình thức giải trí, thậm chí như liều thuốc xoa dịu tâm hồn. Có những bộ phim với nội dung tươi sáng, nhân văn, có tác dụng chữa lành, tiếp thêm cho người ta niềm tin và hy vọng vào cuộc sống này. Trên thực tế, cuộc sống của đại đa số chúng ta khó có được cuộc đời đầy “drama” như trên phim mà thường trải qua những ngày lặp lại tẻ nhạt, buồn chán. Vì cuộc đời luôn cần những câu chuyện hay. Xem phim là một cách để ta trải nghiệm những cuộc đời khác.
Cảm giác trống rỗng, thiếu thốn ùa tới khi bộ phim kết thúc và thứ bạn thiếu ở đây là dopamine, một loại hormone mang đến cảm giác hạnh phúc. Phim kết thúc, chất xúc tác cho hạnh phúc cũng không còn
Bộ phim có câu chuyện buồn hoặc kết cục quá bi thương
Việc chìm đắm trong một bộ phim buồn, nhiều tình tiết “ngược luyến tàn tâm” cũng phần nào khiến tâm trạng của người xem bị ảnh hưởng. Cảm xúc là thứ dễ lây lan, nhất là khi người ta liên tưởng đến những câu chuyện buồn của đời mình. Cái kết của bộ phim cũng rất quan trọng, nhiều người thường tìm hiểu trước xem phim có SE (sad ending - kết thúc bi kịch) hay HE (happy ending - kết thúc có hậu) để quyết định có cày phim hay không.
Suốt nhiều năm sau khi series High Kick 2 (Gia đình là số 1, phần 2) kết thúc, nhiều khán giả vẫn hụt hẫng, đau lòng và bức xúc vì cái kết gây tranh cãi, không ăn nhập gì với một bộ phim thuộc thể loại sit-com (hài kịch tình huống). Phim đã mang đến cho khán giả những tiếng cười giải trí vui vẻ nhưng những tập cuối lại khá buồn với một cái kết bi kịch gây sốc.
Tự mình đóng vai những nhân vật trong phim
Đó là khi người xem tìm thấy một sự kết nối chặt chẽ với nhân vật, đồng cảm với những vui buồn của họ, thậm chí nhiều khi còn tự “nhập vai” để vẽ ra kịch bản cho diễn biến tiếp theo. Đó là lý do khiến khán giả dễ cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ khi phải chia tay với những nhân vật mình yêu mến.
Những bộ phim xây dựng tâm lý nhân vật tốt với dàn diễn viên thực lực càng dễ khiến bạn rơi vào trạng thái thấu cảm. Qua ngôn ngữ điện ảnh, ta nhìn thấu được nội tâm của nhân vật, hiểu rõ những vui buồn, đau khổ của họ, một điều ta khó có thể thấy trong thực tại.
Làm sao để “thoát” phim?
Trước hết, không cần thiết phải vội “thoát”. Thay vào đó, hãy cảm thấy may mắn khi mình đã xem được bộ phim đúng thời điểm, đúng tâm trạng và mang đến cho mình nhiều cảm xúc như vậy. Có vô số các bộ phim nhưng đâu phải bộ nào cũng khiến bạn say mê đến thế. Cuộc sống hiện đại nhiều khi người ta bận rộn đến nỗi xem một bộ phim cũng trở thành điều xa xỉ. Nếu quá lâu không xem được bộ phim hay nào, bạn sẽ hiểu cảm giác hạnh phúc, buồn vui lẫn lộn khi xem được bộ phim mình tâm đắc. Nỗi buồn hậu phim ảnh là một xúc cảm đẹp đẽ, hãy trải nghiệm nó, cảm nhận nó thay vì tìm cách vội xua đuổi nó đi.
Hãy cứ cho bản thân chút thời gian để đắm chìm trong cảm xúc này. Cày đi cày lại một bộ phim mình yêu thích cũng đâu có sao, tôi tin là chúng ta ai cũng từng làm điều này ít nhất một lần. Hãy cứ tìm những hội nhóm có cùng mối quan tâm để chia sẻ cảm xúc về bộ phim. Hãy cứ tìm tòi, khám phá đủ những ngóc ngách của phim, như xem review, tìm nghe nhạc phim, xem những đoạn video hậu trường vui vẻ. Đặc biệt với những bộ phim “ngược” (bi kịch) thì những đoạn video hậu trường sẽ xoa dịu tâm hồn bạn rất nhiều, bởi bạn hiểu phim chỉ là phim thôi, những bi thương kia không phải là thật. Nếu sáng tạo hơn, bạn có thể viết fan-fiction, viết lại cái kết theo ý mình hoặc diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Bạn cũng có thể suy ngẫm, chiêm nghiệm và rút ra những bài học cho bản thân mình. Chúng ta xem phim không chỉ để giải trí, xem phim cũng là một cách học hỏi và phát triển bản thân hơn nếu chọn đúng phim để xem. Mỗi khi xem được một bộ phim tâm đắc, tôi thường viết bài cảm nhận, đăng lên blog và chia sẻ nó cho người khác. Sao cho mỗi bộ phim mà mình xem đều để lại cho mình một điều tốt đẹp nào đó.
Cuối cùng thì bạn cũng phải chấp nhận không điều gì có thể kéo dài mãi mãi, dù là niềm vui hay nỗi buồn. Thời gian sẽ trôi đi rồi bạn sẽ nhận thấy bạn chẳng thể “lậm” mãi một bộ phim. Chúng ta vẫn phải quay trở lại với hiện thực cuộc đời mình thôi.
Nếu bạn là người yêu điện ảnh, bạn có bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình cũng giống như một bộ phim mà mình vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, vừa là khán giả không?
HN
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất