Khắc phục lỗi giao tiếp: Làm gì để tránh 'lỡ lời' khi nói chuyện?
Tin liên quan
Nói chuyện với người khác không chỉ là để truyền tải thông tin mà còn có thể biểu đạt tình cảm, cảm xúc và là chất xúc tác để nuôi dưỡng các mối quan hệ. Nghệ thuật giao tiếp bằng lời nói hoàn toàn có thể chinh phục trái tim đối phương.
Tuy vậy, không phải ai cũng có tài “ăn nói”, đôi khi vì thói quen hoặc do tính cách mà bạn có thể gây hiểu lầm, thậm chí tổn thương đến người xung quanh. Điều này nếu không cải thiện sẽ ảnh hưởng các mối quan hệ tốt đẹp, làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn.
Khắc phục lỗi giao tiếp để tránh rơi vào tình huống “lỡ lời” bằng cách nào? Emdep sẽ mách nước cho bạn nhé.
Việc gấp hay việc khó chịu đều nên từ từ nói
Bất kể là bạn đang có tâm sự bức xúc cần giải tỏa hay do lỗi của đối phương khiến công việc bạn bị ảnh hưởng thì bạn vẫn cần bình tĩnh trước khi bắt đầu cuộc đối thoại. Cảm xúc không ổn định dễ khiến bạn bốc đồng và khó giải quyết vấn đề hơn.
Vì vậy, dù là việc gấp hay bạn đang buồn bực vẫn không nên trút cảm xúc của mình vào người khác. Điềm tĩnh trình bày rõ ràng, từ tốn sẽ giúp đối phương dễ nghe, dễ hiểu và đôi bên dễ đạt được tiếng nói chung hơn.
Thận trọng với việc chưa đủ hiểu biết
Đối với một vấn đề nào đó, khi bạn chưa nắm rõ thông tin hay kết quả sự việc thì cần cân nhắc trước mọi lời nói của mình. Hấp tấp khẳng định và tùy tiện phán xét là một lỗi trong giao tiếp thường gặp.
Bạn nên tìm hiểu thấu đáo nhiều khía cạnh trước khi truyền đạt hoặc trao đổi, tranh luận với đối phương. Như vậy, người khác sẽ dễ tiếp nhận cũng như cảm thấy bạn đáng tin cậy hơn. Ngoài ra, thói quen kết luận vội vàng cũng dễ khiến bạn phạm sai lầm trong cuộc sống.
Đừng nói nhiều về việc chưa làm
Giao tiếp hiệu quả ngoài việc đừng tùy tiện hứa hẹn với người khác khi bạn chưa nắm chắc khả năng mà còn không nên “nói quá” về bản thân. Mọi người đều thích kết giao và hợp tác với người “nói được làm được” hơn là hứa quá nhiều.
Vì vậy, khiêm tốn và biết người biết ta sẽ giúp bạn thu phục cảm tình lẫn lòng tin từ người khác. Điều này cũng giúp bạn xây dựng được hình tượng đáng tin, trưởng thành và trung thực trong mắt đối phương.
Hãy lắng nghe khi người khác nói về mình
Một trong những cách khắc phục lỗi giao tiếp để tránh “lỡ lời” chính là học cách lắng nghe. Đặc biệt là khi ai đó góp ý để giúp bạn hoàn thiện hơn, có thể một vài câu nhận xét hay phê bình khiến bạn khó chịu nhưng đừng vội cáu giận.
Bình tĩnh để cho đối phương nói hết câu, sau đó dùng thái độ từ tốn tiếp thu ý kiến nếu họ đúng, hoặc tranh luận ôn hòa nếu cả hai bất đồng quan điểm. Mỗi người cần có thái độ thiện chí để vấn đề được giải quyết tích cực nhất.
Đừng đem việc buồn phiền của mình trút hết vào người khác
Nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ là chính đáng và cần thiết với mọi người. Tuy nhiên, những việc phiền muộn, rắc rối hay đau lòng của bản thân, bạn không nên tùy ý kể lể quá nhiều và cho quá nhiều người nghe.
Đây là một lỗi giao tiếp kém mà ít người nhận ra. Để người khác phải gánh chịu áp lực từ cảm xúc tiêu cực của mình lâu ngày sẽ khiến họ nghi ngờ, e ngại và xa lánh bạn. Đồng thời, bạn cũng đang tạo ấn tượng thiếu tích cực và yếu đuối.
Hãy hài hước khi nhắc nhở người khác
Nếu bạn cần góp ý hoặc chỉ ra lỗi sai của ai đó, đừng dùng thái độ tức giận, chỉ trích hay xem thường. Điều này có thể gây hiểu lầm, tăng thêm căng thẳng và tổn thương đối phương.
Nếu có thể, hãy hài hước hóa vấn đề đang tranh luận. Như vậy, đối phương sẽ dễ dàng tiếp thu ý kiến của bạn. Sau đó cả hai có thể trao đổi thêm để đi đến thống nhất. Mọi cuộc giao tiếp đều khó tránh bất hòa, quan trọng là thái độ và lời nói của cả hai có đủ chân thành và tôn trọng hay không.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn khắc phục lỗi giao tiếp hiệu quả, đem lại nhiều mối quan hệ tích cực và niềm vui trong cuộc sống.
Thiên Khuê (Theo Tips)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất