Đừng nghĩ cả thế giới ghét bỏ mình, người khác không rảnh để soi mói nhiều như bạn tưởng
Tin liên quan
Một trong những phản ứng của những người đang gặp những vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu, stress là xu hướng tự cô lập, xa lánh người khác. Họ trở nên nhạy cảm với tất cả mọi thứ. Một câu nói vô tình thoáng qua cũng khiến họ tự vẽ ra rất nhiều “drama” trong đầu rồi phật lòng, tự ái. Họ bật chế độ hờn dỗi cả thế giới. Đó chính là cản trở lớn khiến họ khó tiếp cận được những nguồn trợ giúp, chia sẻ ra bên ngoài.
Tôi viết ra những điều trên vì tôi đã từng trải qua rồi và tôi không phải là người duy nhất có những phản ứng như vậy, đúng không? Khi sức khỏe tinh thần đi xuống, chúng ta thường trở nên nhạy cảm hơn, dễ phản ứng thái quá với tất cả mọi thứ. Chúng ta ý thức được nhưng không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Có lúc tôi cảm thấy chẳng còn trông chờ hy vọng được gì ở những người xung quanh, dù là người thân hay bạn thân. Cái cảm giác bơ vơ, không ai hiểu mình, thật sự đẩy người ta xuống vực thẳm của sự cô đơn. Khi ấy, chẳng biết nên bấu víu vào đâu, càng mở lòng thì lại càng thất vọng. Người thân chỉ còn là những người kết nối với mình về mặt huyết thống. Bạn thân cũng chỉ còn thân trên danh nghĩa, còn thì “thân ai nấy lo”.
Nhưng trong những giai đoạn tâm trạng đi xuống như vậy, tôi thường nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ những người mà tôi không ngờ tới. Những người không mấy thân, cũng chẳng hay trò chuyện nhưng họ lại thấu hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Họ đưa ra những ý kiến khiến tôi cảm thấy mình được chia sẻ.
Khi tâm lý mình không ổn thì thường xuyên cảm thấy tồi tệ về tất cả mọi thứ, về ngoại hình, về những việc mình làm, chúng ta còn tự ngạc nhiên vì sao trong quá khứ mình có thể hồn nhiên, vô tư được như vậy. Nhưng hóa ra người khác lại quan tâm đến mình và thích mình nhiều hơn mình tưởng.
Con người thường có xu hướng ghi nhớ những kỷ niệm buồn, những thứ tiêu cực nhưng chính những người xung quanh lại giúp lưu giữ hộ những ký ức mình tưởng mình đã quên. Như hôm trước có cô bạn thân hồi cấp 2 bất ngờ comment dưới bài đăng của tôi là: “Nhớ hồi lớp 9 cậu thích ca sĩ Quang Vinh. Thế mà cũng mười mấy năm không gặp cậu rồi”. Hay một cô bạn khác vẫn nhớ hồi đại học tôi thích phim Ba chàng ngốc và bắt chước phim tự đặt tay lên ngực trái trấn an mình: “Mọi chuyện đều ổn”. Sao họ có thể ghi nhớ được những thứ vui vui nhỏ bé thế nhỉ? Tôi thì quên mất rồi. Họ bảo ấn tượng với tôi bởi đôi mắt sáng, nụ cười tươi. Hóa ra người khác cũng quan tâm đến mình nhiều hơn mình nghĩ.
Con người là sinh vật cộng đồng, chúng ta luôn cần kết nối với người khác dù mình là người hướng nội hay hướng ngoại. Dịch bệnh phải ở nhà cả tháng trời, chắc nhiều người sẽ thấm thía điều này. Lúc mới được làm ở nhà thì vui sướng, nghĩ giờ ai cũng ở nhà giống mình. Nhưng rồi việc hạn chế ra ngoài, gặp gỡ người khác sẽ khiến chúng ta thấy tù túng và sức khỏe tinh thần đi xuống như thế nào.
Người khác thích bạn nhiều hơn bạn nghĩ, và họ cũng không phải lúc nào cũng soi mói, phán xét bạn. Tất nhiên trong vòng tròn kết nối các mối quan hệ cũng có người nọ, người kia, đặc biệt là ở trên mạng xã hội. Sẽ có những lời vô tâm, những bình luận ác ý khiến bạn buồn lòng. Họ nói rồi quên luôn như gió thoảng mây trôi, còn bạn thì ôm ấp mãi sự tổn thương như chiếc dằm mắc trong da thịt.
Rồi bạn cho rằng mọi người đều ghét mình, không ai yêu quý mình cả. Thật ra, mỗi người đều bận rộn với cuộc sống của riêng mình, họ không có nhiều thời gian để lúc nào cũng soi mói người khác. Việc của chúng ta là hãy chọn lọc, kết nối với những người mang đến cho mình nguồn năng lượng tích cực, tránh xa những người khiến mình cảm thấy tồi tệ. Người ta có thể yêu quý bạn, ghét bỏ bạn, thậm chí không quan tâm đến bạn. Còn bản thân bạn thì hãy luôn trân trọng, yêu thương chính bản thân mình.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất