Có một kiểu nhân viên Gen Z khiến sếp ‘đau đầu’: Thích nghỉ là nghỉ, cảm thấy không vui cũng nghỉ vì lên mạng làm KOL cũng sống được

2022-06-15 15:39
- Hành động nghỉ việc của Gen Z có thể được tính bằng giây, khi họ không thể thuyết phục bản thân tiếp tục kiên nhẫn.

Gen Z vừa là nguồn lực vừa là áp lực 

Một khảo sát gần đây trên 15.000 Gen Z ở Mỹ chỉ ra nhóm lao động trẻ dám từ chối các nhiệm vụ được giao, thậm chí nghỉ việc nếu bất đồng với công ty. Điều này không khó giải thích bởi những năm gần đây, họ đã học được cách tư duy phản biện, hiểu về không gian an toàn để thể hiện bản thân và có quan điểm rõ ràng, theo New York Post. 

Làm việc với Gen Z thật sự là áp lực chồng áp lực đối với các sếp. Trong một công ty ở New York, các nhân viên trẻ đã thường xuyên làm sếp đau đầu vì xin nghỉ phép khi cảm thấy tự dưng tụt mood không có hứng làm việc hay đau bụng quá làm không nổi. Ở một số công ty khác, nhân viên trẻ còn dám tranh luận với sếp về chuyện tại sao phải đến công ty lúc 8 giờ trong khi họ vẫn có thể hoàn thành công việc trong buổi chiều. Quá đáng hơn, Gen Z ở một công ty sinh học còn ngang nhiên giao việc cho sếp để tạo nên mối quan hệ win - win, "em có làm thì sếp cũng phải làm". 

"Tụi Gen Z luôn cố tìm ra mọi lỗ hổng và thích thú trước việc bắt bẻ. Sau đó chúng còn kháo nhau cứ gật gù thôi, chẳng cần làm hết những việc ‘người già’ đó giao xuống hay hướng dẫn mà vẫn ổn đấy thôi. Điều đó làm sếp như tôi đôi khi thấy khó hiểu và ‘mất giá’ hẳn", Colin - 41 tuổi, co-founder của công ty robot Hangar Technology chia sẻ trên The New York Times. 

Sếp già đau đầu với nhân viên Gen Z 

Ông sếp Kenedy (30 tuổi) của một công ty dược phẩm chia sẻ khi phỏng vấn tuyển nhân viên lứa Gen Z, một số người chẳng thèm quan tâm đến thói quen làm việc nghiêm ngặt về giờ giấc, hay cách đối đáp với khách hàng. Thậm chí, có ứng viên còn hỏi thẳng cô ấy có thể về nhà nếu hoàn thành hết công việc của hôm nay trước giờ tan làm không. Vấn đề, Gen Z ấy ứng tuyển vào vị trí fulltime và giờ làm việc quy định đã được nêu rõ từ đầu. 

"Thế hệ cũ đã quen với việc làm việc theo kế hoạch, với Gen Z, họ cho mình quyền được đặt ra thời gian muốn làm việc. Môi trường công sở là nơi thế hệ cũ cống hiến đến ngày nghỉ hưu còn với những người trẻ, công việc ở đâu chả có - thích thì lên mạng làm KOL cũng sống được nên văn phòng chỉ là nơi ăn vặt, uống cà phê, tám chuyện thiên hạ rồi về" - vị sếp trên trầm ngâm chia sẻ. 

Vì sao Gen Z nói nghỉ là nghỉ? 

Một nhà tâm lý học tại Bắc Kinh từng nghiên cứu về vấn đề "nói nghỉ việc là nghỉ" của những người trẻ tuổi hiện nay. Trong góc nhìn của ông, hành động nghỉ việc có thể được tính bằng giây, họ có động thái nhanh chóng khi ra quyết định. 

Hiện tượng từ chức nhanh chóng của giới trẻ thường xảy ra khi họ không thể thuyết phục bản thân để tiếp tục kiên nhẫn, khi cán cân giữa được và mất bị phá vỡ, trạng thái cảm thấy "điều đó'' không đáng để tiếp tục làm việc. Ngoài ra, nghỉ việc có thể xuất phát từ nhiều phương diện như: Không vừa lòng với sếp, với chế độ công ty; môi trường công sở không phù hợp; không tìm thấy đam mê trong công việc;...Đặc biệt, sự khác biệt thế hệ cũng là một vấn đề cần nhìn nhận. 

Song, một người bỏ việc thì có thể không đáng nói, nhưng khi rất nhiều trường hợp đại diện cho 1 nhóm người cùng bỏ việc với 1 thái độ giống nhau, khiến người ta phải tự hỏi về văn hoá nghỉ việc của các bạn trẻ Gen Z bây giờ. Ở một góc độ khách quan nhất, chúng ta có thể chia ra 2 trạng thái tích cực - tiêu cực khiến họ nghỉ việc như: 

Sự bốc đồng 

Những tuýp người bốc đồng thường không để ý đến hậu quả phía sau mà họ cần làm. Họ thường không kiểm soát được cảm xúc của mình, mà hay thái quá chúng lên. Đối với họ khoảng cách giữa suy nghĩ và hành động tương đối ngắn. Khi bị cảm xúc tiêu cực chiếm hữu họ thường đưa ra quyết định dại dột. Vì vậy họ thường quyết định nhanh về việc xin nghỉ của mình. 

Thế hệ Gen Z là những người có cá tính, suy nghĩ khác biệt 

Ngoan cố 

Những người này có kỳ vọng nghề nghiệp của riêng họ và cảm thấy rằng thế giới phải thích ứng với họ chứ không phải ngược lại, chẳng hạn họ sẽ cố chấp nghĩ rằng sếp của người khác là tốt và sếp của họ là xấu. Về cơ bản, họ thích đổ lỗi cho người khác để giải thoát khỏi trách nhiệm. 

Vọng tưởng 

Nhiều Gen Z nhảy việc thường xuyên với mong muốn tìm được nơi làm việc chân ái với mức lương cao, văn hóa công ty tuyệt vời, đồng nghiệp thân thiện...nhưng cuối cùng, đi đến đâu vẫn không làm họ thỏa mãn. 

Điều này có thể xảy ra ở hai trường hợp: Một là bạn quá giỏi, hai là năng lực của bạn quá kém và luôn ảo tưởng về sức mạnh của bản thân. 

Gen Z ngày càng bị chi phối bởi mạng xã hội 

Gen Z là thế hệ lớn lên trong mạng xã hội nên rất nhiều suy nghĩ của họ bị ảnh hưởng bởi những luồng quan điểm mang tính ''bầy cừu''. 

Chẳng hạn như các trào lưu làm giàu: Hướng dẫn deal lương "trên trời" bằng một vài "tips & trick" dù bạn không có kinh nghiệm; Phá 10 tỷ của bố mẹ, hôm sau kiếm lại 20 tỷ, ai muốn làm ăn thì ib ngay; thằng em sinh năm 96, học IT, lương tháng 3K6;... 

Các hội nhóm đua mọc lên, hàng triệu người chia sẻ nhưng không biết được bao nhiêu bình luận thật lòng và chính xác về mặt thông tin. Có thể chỉ vì nghe một vài comment nào đó mà hôm sau Gen Z có thể nộp đơn xin nghỉ khi chưa soi xét tất cả khía cạnh cũng như chưa có định hướng, kế hoạch nhất định. 

Gen Z bị ảnh hưởng quá nhiều bởi mạng xã hội 

Gen Z có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp 

Với sự phát triển của công nghệ, những cơ hội nghề nghiệp mở ra như cấp số nhân so với trước đó. Có vô vàn ngành nghề mới ra đời, nhiều lĩnh vực mới xuất hiện, những vai trò khác nhau được tạo ra để đáp ứng nhu cầu rộng lớn của xã hội.  

Thêm vào đó là sự thuận lợi của các phương tiện truyền thông đại chúng, một người nếu có ý thức muốn học, muốn hiểu, muốn biết thì hoàn toàn có thể chủ động cập nhật các kiến thức khác nhau, trở thành một người đa năng trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Vì thế mà Gen Z dĩ nhiên có rất nhiều cơ hội, họ hoàn toàn có căn cứ để cho rằng khi rời bỏ một công việc thì ngoài kia còn vô vàn công việc khác đang chờ. 

Dù vậy, nói đi thì cũng phải nhìn lại, chúng ta không nên đánh đồng cả một thế hệ từ văn hóa nghỉ việc kém văn minh. Bởi thực tế, Gen Z là một thế hệ tài năng, năng động, sáng tạo, nhạy bén, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của xã hội hiện đại. 

Ngày nay, suy nghĩ của Gen Z sẽ cá tính hơn, bản lĩnh hơn, dám nghĩ dám làm và độ tuổi thành công cũng vì thế mà ngày càng trẻ hóa. 

Suy cho cùng, ở thế hệ nào cũng có những cá nhân tích cực và tiêu cực. Trong tương lai gần, các công ty chắc chắn sẽ tiếp nhận ngày càng nhiều người trẻ bỏ việc. Điều quan trọng là chúng ta nhìn thấy được thực trạng, hiểu được một phần nguyên nhân từ cả 2 phía và tiến tới khắc phục. 

 

Theo Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 chòm sao có số mệnh trở thành đại gia