Bớt 'xả rác cảm xúc' lên đầu người khác và đừng tự biến mình thành 'cái thùng rác không đáy'

I Am NGA 2024-01-18 08:30
- Đôi khi người ta nhầm lẫn giữa tâm sự, sẻ chia và xả rác cảm xúc, điều này tác động tiêu cực đến cả người nói và người nghe.

Xả rác tâm trí là một nhu cầu tự nhiên của con người để có một đời sống tinh thần lành mạnh hơn. Nhưng không phải ai cũng biết xả rác đúng cách để không gây tiêu cực cho bản thân và người khác.

Ai cũng có những "đống rác" cần trút bỏ

Trong cuộc sống, hầu như không ngày nào là chúng ta không xả rác, đây là nhu cầu tự nhiên và hoàn toàn chính đáng của con người. Dù bạn sống gọn gàng, sạch sẽ đến đâu thì rác thải, bụi bặm vẫn cứ xuất hiện, đòi hỏi bạn phải dọn dẹp thường xuyên.

Tâm trí của ta cũng như một chiếc thùng chứa đủ thứ, nếu không được dọn dẹp thường xuyên, chúng sẽ trở nên lộn xộn, ngổn ngang và không thể chứa thêm gì nữa. Rác tâm trí chính là những chuyện phiền muộn, những vấn đề chưa được giải quyết hoặc những cảm xúc tiêu cực. Nếu không được xả ra, chúng sẽ mắc kẹt trong tâm trí, làm tắc nghẽn dòng tư duy, sản sinh ra những cảm xúc khó chịu, bực bội và khiến chất lượng cuộc sống đi xuống.

Xả rác tâm trí là một nhu cầu thiết yếu và chính đáng để có một tinh thần khỏe mạnh hơn. Vấn đề là xả đi đâu và xả như thế nào để “rác” của mình không vung vãi khắp nơi hay chính mình lại trở thành cái thùng rác để người khác xả.

Bớt xả rác lên đầu người khác và đừng tự biến mình thành cái thùng rác

Đổ rác lên đầu người khác và tự biến mình thành cái thùng rác

Một trong những cách xả rác được nhiều người áp dụng là… đổ lên đầu người khác. Bạn bè lâu ngày không gặp ai cũng tranh nhau than thở về cuộc sống của mình rồi bắt người khác phải nghe dù họ có muốn hay không. Đến công ty, đồng nghiệp tụm năm tụm bảy kể xấu mẹ chồng hay “đấu tố” một nhân vật đang vắng mặt ở đó. Về nhà thì trút hết những dằn hắt, bực bội của mình lên đầu người thân hoặc con trẻ.

Ở chiều ngược lại, đôi khi người ta bất đắc dĩ trở thành cái thùng rác để người khác xả, như miễn cưỡng phải nghe những lời than thở mà không tiện từ chối. Họ cũng có thể trở thành nạn nhân bị người khác đổ rác lên đầu vì không có khả năng phản kháng.

Nhiều khi người ta than vãn không nhằm tìm kiếm một lời khuyên hay lời an ủi mà chỉ đơn giản muốn thỏa mãn nhu cầu được xả. Chiếc thùng của họ cứ vơi rồi lại đầy và họ lại tiếp tục tìm kiếm những đối tượng khác để xả rác. Họ không cần biết người nghe cảm thấy thế nào, có muốn nghe hay không vì họ chỉ cần biết mình có nhu cầu phải xả ra.

Bớt xả rác lên đầu người khác và đừng tự biến mình thành cái thùng rác

Cách này có ưu điểm là cảm xúc được giải tỏa tức thời nhưng vấn đề không được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, người khác không phải lúc nào cũng có thời gian và có đủ sự kiên nhẫn, đồng cảm để lắng nghe câu chuyện của bạn. Đôi khi họ cảm thấy miễn cưỡng, khó chịu và mối quan hệ cũng từ đó dần dần bị rạn nứt. Ai cũng có cuộc sống riêng với những mối bận tâm của riêng họ, người ta vốn không bao giờ quan tâm đến chuyện của người khác hơn vấn đề của chính mình.

Tôi có một cô bạn thời đại học, trong ký ức của tôi, cô ấy là một người hiền lành, dễ mến, biết lắng nghe và quan tâm người khác. Chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt sau khi đã ra trường nhiều năm. Lâu ngày gặp lại, cô ấy như trở thành một người khác sau khi lấy chồng, có con. Cô ấy kể những “drama” liên hoàn từ chuyện nhà chồng đến chuyện bạn bè của cô ấy. Sau khi xâu chuỗi lại những mẩu chuyện vụn vặt cô ấy kể, tôi nhận ra rằng không một nhân vật nào được cô ấy nói tốt khi nhắc đến.

Khi chúng tôi cố ý bẻ lái câu chuyện sang hướng khác thì cô ấy buộc chúng tôi phải nghe nốt, đến khi đứng dậy đi về cô ấy vẫn nhớ ra còn vài chuyện chưa kể. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười trừ. Thế nhưng khi chúng tôi lên tiếng đưa ra góp ý của mình thì cô ấy lại gạt đi. Tôi nhận ra cô ấy chỉ muốn được xả chứ không cần gì khác. Tôi cũng hiểu cô ấy có nhiều ẩn ức từ ngày kết hôn và sống chung với gia đình chồng mà lâu ngày không được giãi bày. Nhưng tôi không cho rằng cách xả này giúp cô ấy giải quyết những khúc mắc và sống tích cực hơn.

Xả rác thế nào để không gây "toxic" cho nhau?

Ai có có quyền chia sẻ và tâm sự nào cũng đáng được lắng nghe. Nhưng người ta dễ nhầm lẫn giữa sẻ chia, giãi bày tâm sự với việc xả rác lên nhau, điều này chỉ làm lây lan những cảm xúc tiêu cực. Bạn nên nhớ rằng những người lắng nghe bạn, yêu quý và bao dung bạn hầu hết là người thân và bạn bè thân thiết. Họ không đáng phải trở thành cái thùng rác để cho bạn tha hồ xả, phải không? Bên cạnh đó, họ yêu thương bạn nhưng không có nghĩa họ luôn thấu hiểu, đồng cảm với bạn và giúp bạn giải quyết vấn đề. Người thân, bạn bè cũng chỉ có thể lắng nghe bạn ở một chừng mực nào đó thôi.

Vậy ai sẽ là người lắng nghe bạn và làm thế nào để xả rác một cách tích cực?

Có thể là những chuyên gia tâm lý, họ có kiến thức chuyên môn để lắng nghe không phán xét và đây là công việc của họ. Khi nói chuyện với chuyên gia tâm lý, bạn được thoải mái kể hết bất cứ điều gì bạn muốn. Nhà tâm lý không thay bạn giải quyết vấn đề, họ chỉ lắng nghe, cùng thân chủ phân tích, giải đáp những thắc mắc dưới góc độ chuyên môn để thân chủ tự tháo gỡ những khúc mắc.

Bớt xả rác lên đầu người khác và đừng tự biến mình thành cái thùng rác

Một người bạn của tôi làm trong lĩnh vực tâm lý cho biết trong bệnh viện thì nghề của cô ấy có mức độ độc hại chỉ xếp sau những công việc phải tiếp xúc với hóa chất hay phóng xạ. Mỗi ngày, một chuyên gia tâm lý chỉ có thể nhận tối đa 3 ca, nhiều hơn sẽ là quá tải với họ. Mức chi phí của trị liệu tâm lý cũng không hề thấp, tương xứng với mức độ “độc hại lao động” trong công việc của họ. Ngoài ra, mỗi nhà tâm lý vừa trị liệu cho các thân chủ, vừa là thân chủ của một nhà tâm lý khác, đây là một đặc trưng trong nghề nghiệp của họ. Khi tôi có thiện chí muốn giúp đỡ những người bạn gặp những vấn đề tâm lý, một tham vấn viên đã khuyên tôi rằng: “Chị không phải chuyên gia tâm lý thì đừng “đóng vai” nhà tâm lý với người khác”.

Điều đó cho thấy sự nguy hiểm khi tự biến mình thành cái thùng rác, dù có thương người khác và muốn giúp đỡ họ, bạn vẫn có nguy cơ hấp thụ sự tiêu cực mà họ xả ra. Cuốn Đại dương đen của tác giả Đặng Hoàng Giang đã viết về những trường hợp chăm sóc người nhà hay người yêu bị trầm cảm và sau đó người chăm sóc cũng mắc trầm cảm.

Vậy nên, cách văn minh và tích cực nhất khi gặp nhiều vấn đề ẩn ức lâu ngày không được giải tỏa là tìm đến những chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, mức chi phí cũng là trở ngại lớn với nhiều người. Bên cạnh đó, ngay cả khi có nhà tâm lý đồng hành, hỗ trợ thì bản thân mỗi người vẫn phải có ý thức tự lực để giúp đỡ chính mình.

Bớt xả rác lên đầu người khác và đừng tự biến mình thành cái thùng rác

Một số cách ít tốn kém chi phí hơn, mỗi người có thể chủ động thực hiện và vẫn mang lại hiệu quả tích cực là viết journal, thực hành thiền và chánh niệm, đọc thêm sách để trang bị kiến thức về tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Những cách này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ thực hành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nhưng mang lại hiệu quả tích cực và bền vững. Nó giúp ta có một nội tâm vững vàng giữa cuộc đời đầy nhiễu nhương, phức tạp. Bản thân tôi sau một thời gian thực hành những phương pháp trên cũng thấy sự thay đổi tích cực từ bên trong. Tôi hướng đến cuộc sống cân bằng và tích cực hơn, bớt sân si, ghen tị và không còn phải kiếm người để xả rác.

Trước khi định "đổ rác" lên đầu ai đó, bạn hãy cân nhắc thật kỹ những tác hại mà cả đôi bên đều phải gánh chịu. Ở chiều ngược lại, bạn cũng nên tránh biến bản thân thành chiếc thùng rác để người khác tùy ý xả những muộn phiền, tiêu cực của họ lên mình.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 kiểu váy hè bạn nên sắm bởi không chỉ xinh mà còn chẳng sợ lỗi mốt