4 lỗi giao tiếp khiến người khác bật chế độ ‘xanh lá’ với bạn
Tin liên quan
Thích cho lời khuyên dù không ai mượn
Rất nhiều người thích khuyên bảo người khác, họ là kiểu người thường cho rằng mình đúng. Đôi khi điều họ nói hoàn toàn đúng, rất hợp tình hợp lý nhưng người nghe vẫn bỏ ngoài tai. Vẫn đề nằm ở chỗ họ thích cho đi lời khuyên dù không được yêu cầu. Là người rất thích giúp đỡ người khác, tôi cũng hay chủ động chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho người khác với mong muốn họ tốt lên. Cho đến khi, chính bản thân tôi cũng rơi vào tình trạng được người khác hào phóng cho lời khuyên.
Đó là khi tôi vui vẻ chia sẻ về những dự định của mình, bạn tôi người thì khuyên tôi học hỏi thêm, người thì bảo tôi nên bắt tay vào làm cho có kinh nghiệm, trong khi tôi chỉ đơn giản muốn chia sẻ thôi, chứ kế hoạch thế nào tôi đã có sẵn rồi mà. Đó là khi tôi hào hứng khoe những thành tựu nho nhỏ của mình, chẳng hạn như tham gia một cuộc thi và được lọt vào vòng sau, bên cạnh những lời chúc mừng, rất nhiều người còn vào cho nhận xét. Điều này khiến tôi rất cụt hứng vì tôi đâu cần họ nhận xét.
Sau này khi học về kỹ năng giao tiếp, tôi mới biết rất nhiều người mắc lỗi thích cho người khác lời khuyên dù không ai mượn. Hiểu được điều này, tôi tiết chế lại, tránh mang lời khuyên đi cho lung tung khi không được yêu cầu. Tôi cũng tránh chia sẻ với những người thích dạy dỗ mình với lý do “muốn tốt cho tôi”, đôi khi họ chỉ đang cố thể hiện bản thân họ.
Mọi lời khen đều trở nên vô nghĩa khi bạn đi kèm từ “nhưng”
Mở đầu câu chuyện, bạn tỏ vẻ đồng tình hoặc khen ngợi ai đó nhưng lại theo sau đó bằng từ “nhưng”. Khi bạn “nhưng”, mọi điều tốt đẹp bạn nói với đối phương trước đó đều trở nên vô nghĩa. Họ chỉ còn ấn tượng bởi cái vế sau từ “nhưng” với những quan điểm trái ngược, những lời phán xét dưới mác lời khuyên và những lời chê bai với danh nghĩa “nói thật lòng”. Nhiều người lại mào đầu bằng câu “mình không có ý gì”, “mình đồng ý với bạn nhưng” để cho vẻ khách quan trong khi quan điểm họ đưa ra lại mang đậm định kiến cá nhân.
Bạn có biết, những từ như “nhưng”, “không”, “kệ”, “sai rồi” là những từ mất kết nối trầm trọng. Đây cũng là từ mà rất nhiều người quen dùng mà không biết nó phá hỏng các mối quan hệ và khiến người nghe khó chịu. Gần đây, khi tham gia một khóa học ngắn về giao tiếp, tôi mới ý thức được điều này và cố gắng nói chậm lại, gõ chậm hơn khi nhắn tin để thay những từ trên bằng những từ tích cực.
Khi ai đó nói điều gì đó tiêu cực với bạn hoặc đưa ra ý kiến trái chiều với bạn, thay vì phản đối, gạt phăng đi, hãy bày tỏ quan điểm của bản thân một cách khéo léo. Bạn có thể đồng ý một phần với ý kiến của họ, sau đó đưa ra quan điểm của mình với một thái độ tích cực bình tĩnh. Tuyệt đối không dùng từ “nhưng” mà nên thay bằng từ “và”. Để làm được điều này, cần sự rèn luyện để có một tâm lý vững trước mọi tình huống. Mỗi người có một góc nhìn, không có cái gì đúng tuyệt đối và sai tuyệt đối. Bạn muốn thắng thua hay lựa chọn hạnh phúc?
Khi cái miệng trở thành chiếc súng liên thanh
Đây là kiểu người ruột để ngoài da, nghĩ cái gì cũng nói tuốt tuồn tuột mà không chịu uốn lưỡi. Chính vì nói dài, nói dai nên dễ thành ra nói dại. Vì nói mà không cân nhắc suy nghĩ, họ dễ nói ra nhiều vô duyên, lỡ miệng. Hoặc họ có thể biến cái miệng của mình trở thành cái súng liên thanh, “bắn” liên hồi mà không để người khác xen vào. Người khác thường cảm thấy phải chịu đựng khi nói chuyện với những người như vậy.
Ai cũng muốn nói về bản thân và chúng ta cần phải chừa lại cơ hội cho người khác được lên tiếng. Một mẹo nhỏ cho những người mắc chứng nói nhiều, đó là trung bình nghĩ 3 câu thì nói ra 1 câu và trong cuộc hội thoại, khi đối phương nói 3 lần thì mình nói 1 lần. Như vậy sẽ tránh được những lời thừa thãi, vô duyên, tranh giành lượt nói của người khác.
Nói ít lại, lắng nghe nhiều hơn
Khi bạn tìm người khác tâm sự mà người ta lại nói với bạn câu “Đừng buồn nữa” thì bạn có thấy nản không? Thế nhưng khi đến lượt mình là người lắng nghe người khác tâm sự, chính bạn cũng bối rối và chẳng biết nói gì ngoài việc đưa ra những lời khuyên sáo rỗng. Khi không biết phải nói gì, bạn không cần cố nặn ra câu gì đó để phá vỡ sự im lặng. Thay vào đó, hãy cố chăm chú lắng nghe câu chuyện của họ, xác định xem tâm trạng của họ thế nào. Có thể gợi mở họ kể câu chuyện của mình bằng những câu như họ gặp chuyện gì? Chuyện xảy ra ở đâu? Khi nào? Với ai? Họ đang cảm thấy như thế nào? Hãy chân thành hỏi họ xem lúc này họ đang cần người lắng nghe hay cần cho lời khuyên?
Đúng là chúng ta không phải ai cũng có kỹ năng lắng nghe bẩm sinh mà đây là kỹ năng nên học. Khi người khác tin tưởng tâm sự với bạn, hãy là chỗ dựa vững chãi cho tâm hồn họ những lúc yếu đuối. Làm được điều đó, họ sẽ cảm thấy biết ơn và đến khi bạn gục ngã, họ sẽ không ngại chìa ra bàn tay để nâng bạn dậy.
Trong cuộc sống, bất cứ điều gì chúng ta cũng cần học. Trong đó, giao tiếp là kỹ năng thiết yếu nhưng lại chưa được nhiều người chú trọng. Nếu như ai cũng biết đến những điều này thì sẽ tránh được những lỗi giao tiếp phổ biến, những mối quan hệ cũng trở nên hài hòa, tăng sự kết nối hơn và tránh những căng thẳng, xung đột không đáng có.
HN
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất