Thai chết lưu - những điều dù mẹ không muốn cũng cần tìm hiểu
Tin liên quan
Thai chết lưu là hiện tượng thai không còn phát triển, bị chết và lưu lại trong tử cung. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.
Thai chết lưu khác với sảy thai
Thai chết lưu khác hoàn toàn với sảy thai. Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Thai chết lưu là hiện tượng thai không còn phát triển và chết trong tử cung sau 20 tuần thai kỳ. Trong khi đó sảy thai có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trước tuần thứ 20.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thai chết lưu
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng thai chết lưu và các yếu tố liên quan đến nguy cơ này. Một số nguyên nhân chính được liệt kê như sau:
- Gia đình có người thân từng bị lưu thai.
- Bản thân người mẹ có tiền sử thai chết lưu.
- Do tai nạn
- Nhau thai bị đứt gãy, không thể truyền oxy đến bào thai.
- Do mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, lậu, HIV… và truyền sang con.
- Dây rốn bị thắt chặt khiến thai nhi không nhận được oxy để phát triển.
- Thai già tháng dẫn đến bánh nhau bị vôi hóa, thai nhi không lấy được oxy và dinh dưỡng từ mẹ.
- Do ca sinh nở gặp các biến chứng nguy hiểm.
- Thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể, rối loạn cấu trúc…
- Tử cung người mẹ bị dị dạng hoặc kém phát triển.
- Chuyển dạ sớm và đẻ non
- Do mẹ mắc chứng tăng huyết áp thai kỳ.
- Mẹ bị tiền sản giật trong lần mang thai hiện tại hoặc trước đó.
- Mẹ mắc các bệnh lý mạn tính như suy gan, suy thận, tiểu đường, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao…
- Mẹ mắc chứng béo phì.
- Mẹ từng hút thuốc, uống nhiều rượu bia.
- Mang song thai hoặc đa thai cũng có thể dẫn đến thai chết lưu trong quá trình các thai truyền máu cho nhau.
- Thụ tinh trong ống nghiệm
- Tuổi mẹ cao (ngoài 40 tuổi)
Thai chết lưu được phát hiện như thế nào?
Nếu mẹ bầu phát hiện hoặc có cảm giác thai nhi không cử động, bụng nhỏ dần, toàn thân mệt mỏi, chán ăn, đặc biệt âm đạo tiết ra dịch bất thường nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và siêu âm ngay. Qua siêu âm bác sỹ sẽ biết được tình trạng sức khỏe thai nhi, tim thai còn đập không.
Trường hợp phát hiện mạch không đập, mẹ bầu sẽ được tiến hành thêm nhiều xét nghiệm khẳng định khác.
Khi đã xác định được chính xác, mẹ bầu có thể được chọc ối để tìm ra nguyên nhân gây ra thai chết lưu. Sau đó thai chết lưu được xử lý và can thiệp sớm, giảm tối thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người mẹ.
Thai chết lưu được xử lý như thế nào
Thai chết lưu gây ra tổn thất lớn cả về thể chất lẫn tinh thần người mẹ. Thai chết lưu ngay khi phát hiện sẽ được xử lý theo những phương pháp sau.
Sinh thường tự nhiên
Đây là phương pháp xử lý ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ mang thai nhất. Trường hợp này, mẹ bầu được khởi phát chuyển dạ và sinh như một ca sinh đẻ tự nhiên, có thể sử dụng thuốc gây tê hoặc không. Nếu tử cung người mẹ không mở hết sẽ được tiêm hormone oxytocin để kích thích các cơn co chuyển dạ, đẩy thai chết lưu ra ngoài.
Nạo thai
Phương pháp nạo thai được lựa chọn phần nhiều do các lý do cá nhân. Xử lý thai chết lưu theo phương pháp đẻ tự nhiên dễ khiến sản phụ sốc tâm lý nặng do vẫn trải nghiệm cơn đau đẻ nhưng lại phải đón đứa con chào đời đã chết. Trong khi đó, lựa chọn phương pháp nạo thai khiến sản phụ đỡ bị sang chấn tâm lý và bớt đi cảm giác đau khổ, dằn vặt bản thân.
Phòng tránh thai chết lưu
Để phòng tránh thai chết lưu, ngay từ trước khi có ý định sinh con, cả hai vợ chồng đều phải lên kế hoạch ăn uống, sinh hoạt, tập luyện điều độ và khoa học. Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Bản thân người mẹ trước khi thụ thai nên tiêm phòng đầy đủ, tránh làm việc quá sức, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giữ tinh thần thoải mái, thăng bằng.
Trong thời gian mang thai, mẹ bổ sung đầy đủ axit folic (400 mg theo khuyến nghị). Duy trì cân nặng phù hợp, tránh tăng cân quá nhiều trong thai kỳ. Mẹ tuân thủ lịch khám thai định kỳ để theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé.
Triệu chứng thai chết lưu
Suốt 9 tháng 10 ngày thai kỳ, mẹ cần theo dõi và chú ý đến các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra. Đặc biệt là một số triệu chứng liên quan đến thai chết lưu sau đây:
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau lưng dữ dội
- Cảm giác tử cung mềm đi
- Những cơn co xuất hiện
- Không cảm nhận thai nhi cử động
- Thai nhi đạp ít đi (sau 28 tuần)
Hồi phục sức khỏe và tinh thần cho người mẹ
Không ai có thể thấu hiểu sự đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn của người mẹ khi thai bị chết lưu trong bụng. Biết bao nhiêu hy vọng, mong chờ, cố gắng trong thai kỳ tiêu tan hết, để lại cho mẹ sự dằn vặt và vết thương lớn không gì có thể làm nguôi ngoai được. Việc hồi phục sức khỏe và tinh thần cho mẹ sau biến cố này rất cần được chú trọng và quan tâm. Bản thân người mẹ cũng phải tự mình cố gắng vượt qua để có sức khỏe thụ thai trong lần tiếp theo.
Lam Khê
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất