Niềm vui vỡ òa của người phụ nữ vừa mang bầu vừa chạy thận nhân tạo

2015-10-15 07:52
- Mang thai khi đang chạy thận nhân tạo, chị Hoàng Ngọc Yến (Hà Nội) đã được làm mẹ trong niềm vui vô bờ của gia đình và các bác sĩ.
Mang thai là thời kỳ khó khăn, nhọc nhằn của người phụ nữ, nhưng vừa phải chạy thận nhân tạo vừa mang thai và sinh con lại càng hiếm thấy. Chị Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi (Hà Nội) là một trong những người như thế. Chị Yến đã mổ đẻ thành công, cháu trai kháu khỉnh tên là Xuân Bảo ra đời trong niềm hân hoan của cả gia đình.
Theo lời chị Yến, chị xây dựng gia đình năm 2008, sau đó mang bầu. Tưởng chừng hạnh phúc đã đến với cặp vợ chồng trẻ nhưng nào ai có ngờ. Khi thai nhi được 16 tuần, chị được bác sĩ chẩn đoán bị suy thận. Từ đó, chị bắt đầu những ngày gắn với bệnh viện và lịch lọc máu nhân tạo. Cái thai đầu tiên không giữ được, chị rất buồn và thất vọng.
Niềm vui vỡ òa của người phụ nữ vừa mang bầu vừa chạy thận nhân tạo

Chị Yến bế con trên tay sau những ngày tháng thai kỳ vất vả (Ảnh Bệnh viện Cung cấp)

Tất cả thời gian tập trung cho việc chữa bệnh, bản thân chị cũng không dám nghĩ có một ngày sẽ bế trên tay đứa con của mình. Năm 2015, chị phát hiện có bầu. Niềm vui chợt đến cũng là lúc gia đình lo lắng liệu mang thai trong lúc mẹ đang bị bệnh như vậy có vấn đề gì không? 
Trường hợp của chị Yến là đầu tiên ở Việt Nam mang thai khi đang suy thận giai đoạn cuối. Theo các bác sĩ ở Khoa Thận Nhân tạo, BV Bạch Mai, trong hơn 10 năm tại một số quốc gia châu Âu chỉ có 23 trường hợp mang thai khi đang chạy thận. Điều đáng nói chỉ có  52% đứa trẻ sinh ra sống bình thường. 
Với câu chuyện của chị Yến, các bác sĩ đã cùng bàn bạc, đưa ra phác đồ hợp lý và quyết tâm giữ đứa con. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng, đây là một trường hợp khó hơn các sản phụ bình thường. "Người bình thường mang thai đã khó rồi, còn người bị suy thận phải lọc máu nhân tạo mà giữ được thai còn khó hơn nhiều", TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận Nhân Tạo (BV Bạch Mai) cho hay.
Thậm chí, tại bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận 5 trường hợp vừa chạy thận nhân tạo vừa có thai. Trong đó: 1 trường hợp thai lưu khi 7 tuần tuổi; 1 trường hợp phải đình chỉ thai nghén khi thai được 4 tuần tuổi;1 trường hợp sảy thai lúc 14 tuần, 1 trường hợp có thai 19 tuần - phát hiện suy thận, lọc máu được 4 tuần thì sảy thai; 1 trường hợp có thai 30 tuần - suy thận, lọc máu 2 tuần, bệnh nhân đẻ thường.
Theo dõi sát sao suốt thai kỳ
Không giống như các sản phụ khỏe mạnh, bệnh nhân bị suy thận có nồng độ các độc tố trong máu cao. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, các bác sĩ phải theo dõi sát sao cân nặng của thai phụ. Ngoài ra, dù trong thai kỳ, người bệnh vẫn phải dùng thuốc huyết áp, thuốc chống đông và các loại thuốc khác để thải độc... nên mọi phương án đều được tính toán rất cẩn thận. 
Bên cạnh đó, người bị suy thận mang thai sẽ phải lọc máu với số lần nhiều gấp đôi các bệnh nhân khác. Điều này dẫn đến nồng độ pH trong máu cao. Vì vậy, các bác sĩ phải điều chỉnh nồng độ bicarbonat trong dịch lọc thấp hơn bình thường. Việc này không hề đơn giản...
Dùng thuốc trong thai kỳ là điều cấm kỵ, cho nên các bác sĩ cũng phải chọn thuốc huyết áp, thuốc trị thiếu máu, tăng huyết áp, suy dinh dưỡng.... nào phù hợp nhất.
PGS - TS Phạm Bá Nha (Trưởng khoa Phụ Sản) chia sẻ, đối với các thai phụ suy thận, chạy thận chu kỳ, việc theo dõi tình trạng thai nghén là rất khó khăn do tình trạng toàn thân của người mẹ rất xấu, huyết áp cao, có nhiều biến loạn toàn thân nên ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng thai kỳ.
Đặc biệt khi chạy thận thì những biến loạn này càng nhiều nên cần cân nhắc và điều chỉnh rất chính xác khi lọc thận và việc theo dõi, điều chỉnh về thai nghén cũng yêu cầu rất khắt khe. Khi thai được 24 tuần, sản phụ Yến xuất hiện ra máu và được chẩn đoán là Polype cổ tử cung. Chị buộc phải nằm viện nội trú tại khoa Phụ Sản và hàng ngày lọc thận tại khoa Thận Nhân tạo.
Ngày 6/9/2015, bé trai Xuân Bảo đã chào đời trong niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc khoa Thận Nhân tạo, Khoa Phụ - Sản. Cháu bé sinh mổ ở tuần thai thứ 31 do có biểu hiện suy thai với trọng lượng ước chỉ 1.500g. Với nỗ lực của các thầy thuốc Khoa Thận Nhân tạo, khoa Phụ Sản và khoa Nhi BV Bạch Mai cháu bé đã được chăm sóc, nuôi dưỡng và ra viện khoẻ mạnh với trọng lượng 2.100gr sau hơn 1 tháng ra đời…
“Mừng lắm! Con gái tôi sinh cháu, gia đình tôi mừng lắm. Lo thì chẳng lo được vì đã có bác sĩ lo rồi. Chúng tôi chỉ biết là rất mừng thôi. Cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm”. Lời tâm sự giản dị của bà Phạm Thị Nhuyền, thôn 1, xã Ngọc Hội. Huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang, mẹ sản phụ Ngọc Yến khiến chúng tôi cũng vui lây niềm vui của gia đình họ.
Nguyễn Hương
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những nhan sắc khiến Hải Phòng nổi danh 'miền gái đẹp'