Chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn: Làm gì để tránh nguy hiểm tới sức khỏe?

2016-12-09 06:25
- Nhiệt độ miền Bắc đang có sự chênh lệch giữa ngày về đêm rất rõ rệt. Đây cũng là nguy cơ có thể khiến cơ thể khó thích nghi dẫn tới bị một số bệnh về hô hấp hay đột qụy.

Tăng nguy cơ bệnh hen suyễn ở trẻ em

Kiểu thời tiết ban ngày nóng bức, ban đêm lạnh khiến cho số trẻ nhỏ mắc các bệnh đường hô hấp tăng lên đáng kể.

Có con đang điều trị hen tại bệnh viện, chị Đ.T.L (Kim Ngưu, Hà Nội) cho biết: “Do thời tiết ban ngày nóng bức như mùa hè nên tôi thường chủ quan. Buổi tối, khi đi ngủ, tôi mở cửa sổ cho con thoáng khí. Không ngờ nhiệt độ ban đêm lại xuống thấp như vậy. Sáng tỉnh dậy thấy con sốt cao, có dấu hiệu khó thở nên phải đưa vào viện điều trị”.

Chị L chia sẻ thêm, thời tiết mùa đông năm nay khá nóng hơn mọi năm. Với kiểu thời tiết như vậy, phụ huynh rất khó lựa chọn quần áo cho trẻ. Khi đi ngủ, nếu mặc quá ấm sẽ khiến con bị toát mồ hôi dễ ngấm nước ngược vào cơ thể,  còn nếu mặc mỏng manh rất dễ bị cảm lạnh.

Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, Tưởng Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ Nguyễn Văn Thường cho hay: “Thời gian gần đây số bệnh nhân hen suyễn, bệnh miễn dịch truyền nhiễm tới điều trị tại khoa tăng lên”.

bệnh mùa đông

Số bệnh nhi bị hen suyễn tăng, do nhiệt độ ngày và đêm quá chênh lệch.

Nguyên nhân có thể là do thời tiết ngày nóng, đêm lạnh làm cho đường thở của trẻ bị hanh khô. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, vi rút tấn công. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường khuyến cáo, khi nhiệt độ thời tiết ngày và đêm chênh lệch lớn, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cơ thể để trẻ tránh bị cảm lạnh. Phụ huynh hay người chăm sóc cần tùy thuộc vào thời tiết để điều chỉnh mặc quần áo cho con phù hợp nhất.

Theo bác sĩ Thường, không nên mặc cho trẻ quá ấm khiến trẻ ra mồ hôi dẫn đến thấm ngược có nguy cơ viêm phổi. Trẻ nhỏ đi ra đường cần phải được bịt khẩu trang tránh khói bụi. Dù thời tiết ban ngày nóng cũng nên mang theo một áo khoác nhẹ đề phòng khi trời trở lạnh.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thời tiết có những diễn biến phức tạp, chênh lệch quá lớn nhiệt độ ngày và đêm khiến cơ thể trẻ khó thích nghi.

Với kiểu thời tiết này, trẻ rất dễ bị ho, viêm mũi, ngạt mũi và dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần phải cho trẻ uống đủ nước, cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, rửa tay thường xuyên cho trẻ…

Đề phòng bệnh tim mạch ở người già

Các chuyên gia tim mạch cho rằng, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm quá lớn dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ gây nên cơn đau tim ở người già.

GS. TS. Phạm Gia Khải, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc Gia giải thích: “Khi trời nóng chúng ta thường ăn mặc phong phanh, khi thời tiết về đêm đột ngột chuyển lạnh khiến cơ thể chưa kịp thay đổi. Bản thân tôi cũng đã từng bị cảm khi vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Ban ngày nhiệt độ trong miền Nam rất nóng nhưng ban đêm lại hạ thấp, vì chủ quan nên tôi đã bị đổ bệnh”.

Theo GS. TS. Phạm Gia Khải, biến động phức tạp của thời tiết có thể khiến cho người già dễ bị viêm phổi. Đặc biệt, với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cần phải đặc biệt lưu ý tới nguy cơ bị đột quỵ.

“Khi nhiệt độ ban đêm hạ thấp, nếu cơ thể người bị bệnh tim mạch không giữ đủ độ ấm sẽ rất dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột, khiến bệnh tình trở nặng. Trường hợp nặng có thể nguy hiểm tới tính mạng”, GS.TS Phạm Gia Khải nói.

GS. TS. Phạm Gia Khải lưu ý: “Người lớn tuổi không có sức khỏe như người trẻ tuổi, vì vậy khi đi ra ngoài cần mang theo áo ấm, nếu cảm thấy lạnh cần khoác vào ngày. Với gia đình có kinh tế, có thể hẹn giờ bật điều hòa nhiệt độ để làm ấm phòng khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Còn trong trường hợp không có điều hòa, trước khi đi ngủ cần đóng kín các cửa sổ, mặc quần áo ấm và đi tất chân đầy đủ”.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những sao Việt 'nên duyên' bạn thân nhờ đóng chung một bộ phim