Tự thổi phồng nỗi lo sợ, đổ xô đi mua muối dự trữ

2016-05-04 10:22
- Lo sợ nước biển nhiễm độc tố, người dân Thừa Thiên - Huế đổ xô mua muối, các loại mắm được làm từ cá, tôm biển về dự trữ. Tại các chợ lớn của TP.Huế xảy ra hiện tượng “khát muối”.
Vì tin đồn nhảm, hay vì tâm lý “nhạy cảm”?
Có mặt từ rất sớm tại chợ Đông Ba (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào ngày 2/5, chúng tôi ghi nhận cảnh hàng trăm người chen lấn, tranh nhau mua muối. Muối bán ra ồ ạt, người mua ít cũng 5 -10 kg, người mua nhiều thì hàng chục kg. Không khác gì chợ Đông Ba, chợ Tây Lộc, người dân cũng chen nhau vào mua, các tiểu thương liên tục điện thoại nhập thêm số lượng lớn muối từ Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) để bán cho người dân. Không khí bán mua sôi nổi, tấp nập này còn diễn ra ở hầu hết các ngôi chợ tại Huế.
Chị Nguyễn Thị Tiện (tiểu thương chợ Đông Ba) cho biết, bắt đầu từ ngày 28/4, người dân đổ xô ra chợ mua muối, mua mắm được làm từ tôm, cá biển. Trước việc người dân mua muối suốt hai ngày qua nhưng chưa thấy có dấu hiệu “giảm nhiệt”, chị Tiện tỏ ra lo lắng, nếu tình hình cứ kéo dài thêm, khi các kho muối dự trữ ở chợ cạn kiệt, dân sẽ càng thêm hoang mang.
Bà Trần Thị Thủy (người dân sống tại Phường Thủy Xuân, TP.Huế) lo lắng: “Ngày thường các hạt muối đen chỉ để nấu cho heo, khi nghe thông tin nước biễn nhiễm độc, nhà nào cũng mua, khi hết muối trắng thì mua muối đen về trữ lại. Tâm lý của chúng tôi rất hoang mang lo lắng cho những ngày tháng sau này, khi muối sẽ bị nhiễm độc theo nước biển”.
Bà Thủy bày tỏ, có trữ muối cũng chỉ dùng được trong vài năm, chẳng ai có thể trữ được số lượng lớn để ăn đến hết đời, hoặc ăn đến đời con đời cháu. Dẫu nửa tin nửa ngờ, bà vẫn hòa vào dòng người chen chúc, mang về nhà bằng được mấy chục ký muối. “Nếu nước biển nhiễm độc thật, ăn hết muối dự trữ thì lấy gì ăn. Nhưng trước khi mọi chuyện trắng đen rõ ràng, mình đành phải tự bảo vệ sức khỏe trước mắt, về lâu dài thì tính sau”, bà Thủy thở dài.
Trên các ngõ chính đường vào chợ, những bao muối trắng tinh được chất chồng lên nhau, ồ ạt chở ra, vào chợ. Tại một cửa hàng muối, các bà nội trợ hoang mang chen lấn, xô đẩy, tranh nhau để được mua hàng. Chờ mãi vẫn chưa đến phiên của mình, trong khi đằng sau là hàng hàng lớp lớp người chen chúc, chị Linh quýnh quáng la làng: “Tôi chưa mua được muối. Những người phía sau xếp hàng đi. Người này mua xong sẽ đến phiên người khác, đừng xô đẩy nhau nữa”.
Tự thổi phồng nỗi lo sợ, đổ xô đi mua muối dự trữ

Ảnh minh họa

Chị Lê Thị Trâm Anh, một chủ quán tại chợ Đông Ba cho hay:“Trung bình một ngày, chúng tôi bán ra khoảng 1 – 2 tấn muối hạt, người ta mua muối đắt như tôm tươi. Nhiều người chẳng rõ nghe thông tin ở đâu mà nói sợ nước biển sẽ bị nhiễm độc 10 – 15 năm, không có muối sạch”. Chị Trâm cho biết thêm, ngoài mua cho mình, nhiều người còn “nhiệt tình”mua cho hàng xóm láng giềng, bà con họ hàng, số lượng mua ít nhất cũng chừng vài chục kg muối.
Ông Trương Văn Tám (54 tuổi, đạp xích lô trên đường Phan Châu Trinh) đưa tay quệt vội giọt mồ hôi lăn dài trên trán. Ông bảo cả ngày nay bận luôn chân luôn tay. Hết chở muối cho đại lý, lại chở muối cho các bà nội trợ: “Muối mỗi bao 50 kg, mà nhiều người mua tận hai ba bao về dự trữ”.
Trước việc người dân Huế đổ xô đi mua muối và nhiều sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu của biển như nước mắm, mắm ruốt, ông Võ Quốc Chính (Trưởng ban quản lý chợ Tây Lộc) cho biết: “Khi nhận được thông tin người dân đổ xô đi mua muối, chúng tôi đã phối hợp với công an phường Tây Lộc xác minh tình hình. Qua kiểm tra thì nguyên nhân của hiện tượng này là do tâm lý của nhạy cảm của người dân lo sợ trước thông tin cá biển chết hàng loạt trong thời gian qua và sợ biển bị nhiễm độc tố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định rằng sự việc này không phải do một cá nhân hay tổ chức nào tung tin đồn làm hoang mang dư luận khiến người dân chen nhau đi mua muối, mà là tâm lý chung của một số người”.
Một số tiểu thương tăng giá trục lợi
Trên các tuyến đường Huế những ngày này, rất dễ bắt gặp những chiếc xe bán muối lưu động. Những bao muối được chất đầy trên xe tải, chạy loanh quanh khắp các ngõ hẻm, phục vụ cho những người “chậm chân”, chưa kịp đến chợ. Những tiếng rao kiểu: “Mua muối đi kẻo hết muối. Mua muối kẻo hết muối sạch” khiến không ít người vội vã nán lại, mua vài ký treo lên xe rồi mới vội vã rời đi.
Chủ một đại lý cung cấp muối tại TP.Huế chia sẻ, số lượng muối mấy ngày gần đây anh nhập về tăng gấp nhiều hơn số lượng những ngày bình thường. Đơn đặt hàng cũng nhiều hơn, đơn hàng ít nhất 1 tấn, nhiều cũng 5-10 tấn, nhiều quầy hàng muối tự phát cũng tìm tới anh để mua hàng về bán. Đa số, khối lượng muối tiêu thụ tại các chợ của TP.Huế đều được nhập về từ vựa muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), tổ hợp tác muối xã Tri Hải (Hải Ninh, Ninh thuận).
Sau khi nghe tin đồn nhảm nước biển miền Trung bị nhiễm độc tố, một số người cho rằng nên thu mua muối cũ, tránh trường hợp sau này muối mới sẽ chứa độc tố. Thông tin này lan nhanh, một đồn mười, mười đồn trăm… số lượng người đi mua muối càng dày đặc. Trong khi nhiều tiểu thương bán muối lâu năm bày tỏ, “dù bán cháy hàng, tụi tui cũng nhất quyết không tăng giá”.
Thế nhưng vẫn có không ít cửa hàng muối tự phát lợi dụng tình hình, để tăng giá lên gấp 2 – 3 lần. Thấy các cửa hàng muối “hốt bạc”, một số quầy bán vàng mã, chén, đũa… cũng chuyển qua bán muối với số lượng lớn. Người vào chợ mua muối đều chung tâm lý lo lắng, sợ muối sau này bị nhiễm độc, sợ hết muối “sạch”, sợ không mua được muối về dự trữ, nên dù bị chặt chém vẫn móc hầu bao. “Miễn mua được là mừng rồi”, một bà nội trợ bày tỏ, dù vẫn phàn nàn “Họ bán giá rất lộn xộn, có nơi 10kg là 30 ngàn, có nơi 10kg là 38 ngàn, có nơi là 40 - 50 ngàn đồng”. Sau muối là các loại mắm, giá thành cũng tăng đột ngột, người dân đổ xô ra mua nước mắm, ruốc. Bình thường một hũ ruốc có giá từ 20.000 -25.000đ/bình, giờ các mặt hàng này đều tăng vọt giá.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Trưởng ban quản lý chợ Đông Ba cho biết: “Người dân mua muối, nước mắm, chen chúc nhau hàng hàng lớp lớp. Chúng tôi đã triển khai cho anh em tuyên truyền về sự việc để bà con hiểu, tránh việc đua nhau đi mua muối”.
Được biết, tình hình người dân đổ xô đi mua muối không chỉ diễn ra ở các chợ trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, mà còn lan sang một số chợ ở Quảng Trị, Đà Nẵng… Việc bảo vệ sức khỏe là đáng quý, nhưng người dân cần phải hết sức tỉnh táo, tránh việc dự trữ hàng hóa không cần thiết, để bản thân khỏi rơi vào bẫy của những kẻ đầu cơ.

 Tổng cục Môi trường: Nước biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung đạt chuẩn Nhằm đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Tổng cục Môi trường đã chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Bộ cùng các địa phương đo đạc, lấy mẫu và phân tích nhằm đánh giá diễn biến chất lượng nước biển ven bờ (phục vụ tắm biển và các hoạt động thể thao dưới nước) tại các bãi biển 4 tỉnh trên. Ngày 29/4, Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường các tỉnh trên đã lấy mẫu nước ven bờ để xem xét các chỉ số như: pH, DO, N-NH4, CN, Cr, Cr tổng, TSS, Pb, Fe, Cu, Zn... Mỗi tỉnh lấy mẫu nước tại ít nhất 3 vị trí, nhiều nhất là 6, tập trung ở các bãi tắm, trong đó có Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình); Triệu Lăng, Cửa Việt (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An (Thừa Thiên - Huế)... Ngày 1/5, kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại các bãi tắm 4 tỉnh trên cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước. Trước đó 28/4, Tổng cục Môi trường đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi công văn hỏa tốc về việc đánh giá chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương thường xuyên quan trắc, lấy mẫu và phân tích nước biển ven bờ với tần suất 2 lần/ngày (buổi sáng và buổi chiều). Tại mỗi vị trí cần lấy 2 mẫu, một mẫu do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, một mẫu gửi về Tổng cục Môi trường. Từ đầu tháng 4, cá biển ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết, khối lượng khoảng 70 tấn. Ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra hai nhóm nguyên nhân chính có thể khiến cá chết hàng loạt là thủy triều đỏ và hóa chất do con người xả thải. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương tìm nguyên nhân chính xác khiến cá chết, đồng thời có chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân tiêu thụ cá; giám sát các nguồn xả thải ra biển...

Theo Xa Lộ Pháp Luật

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chế độ ăn kiêng trong 3 giai đoạn giúp bạn gái béo ục ịch sở hữu thân hình thon gọn, nuột nà