Tai nạn do thả diều: Nguy hiểm "rình rập" ngay quanh nhà

2015-03-16 11:05
- Tai nạn khi thả diều không còn là chuyện mới. Nhiều trẻ em mải chạy theo diều dẫn đến chết đuối, điện giật hay tai nạn sẽ còn xảy ra nếu bố mẹ không quan tâm, hướng dẫn.
Vụ tai nạn hi hữu đã xảy ra chiều 15/3 tại khu vực cánh đồng diều Hóc Môn (Tp.HCM). Theo đó, lúc đang chơi đùa với cánh diều dài 18m, cháu bé Văn Minh Đạt (8 tuổi) bị cuốn theo cánh diều. Theo người dân có mặt ở khu vực thả diều, cháu Đạt bị cuốn lên độ cao khoảng 20m rồi rơi xuống đất.
Mặc dù, cháu bé được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Theo lời mẹ cháu bé, do có việc bận nên nhờ đứa cháu trông hộ hàng giải khát, cháu Đạt chơi với những người thả diều mới xảy ra sự việc trên. Điều khá hi hữu là cháu bé đột ngột bị cuốn vào trong diều, chân mắc ở dây diều.
                         
Nguy hiểm khi thả diều đã được cảnh báo từ lâu.
Thả diều - thú vui vào mùa hè của nhiều trẻ em và cả người lớn. Tuy nhiên, sự việc hi hữu hôm 15/3 xảy ra với bé Đạt chưa phải là tai nạn đầu tiên nảy sinh khi thả diều. Hồi tháng 5/2012, Lê Thị Uyên Chi 9 tuổi và Lê Thị Kim Nhi 6 tuổi con gái anh Lê Văn Cường ở xã Thuận An (Đăk Mil, Đăk Nông) bị rơi xuống ao khi thả diều, Sau khi đi làm đồng về, tìm không thấy con, gia đình mới tá hỏa, cuối cùng phát hiện thi thể 2 bé Uyên Chi và Kim Chi dưới ao. Nhiều khả năng xảy ra sự việc đau lòng do mải chơi diều, trượt chân xuống ao.
Cũng trong năm 2012, cháu Nguyễn Đức Hạnh và cháu Nguyễn Văn Thiện (sinh năm 2001) quê ở xã Sơn Trung (Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị chết đuối khi thả diều. Vào thời điểm đó có thể hai cháu mải chơi nên sẩy chân xuống hồ.
Thả diều lắm hiểm nguy?
Diều là trò chơi có từ lâu đời và được trẻ em rất ưa thích đặc biệt là những vùng nông thôn. Không cần quá cầu kỳ chỉ cần giấy, hồ dán, thanh tre, dây là đã có một con diều đơn giản. Do thiếu chỗ chơi cũng như hình thức vui chơi giải trí nên vào những ngày hè, trẻ em hoặc người lớn vẫn đưa diều đến những bãi đất trống để thả. Những ngày có gió, cánh diều bay cao hớp hồn nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế những sự việc đau lòng xảy ra khi thả diều đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ việc người lớn lơ là hoặc thiếu quan tâm, hướng dẫn trẻ khi chơi diều.
Có thể nhận thấy, sự việc cháu Đạt (Hóc Môn, Tp.HCM) bị cuốn vào diều là hi hữu, nhưng những vụ tai nạn khi chơi thả diều hầu hết đều là do trẻ ngã xuống ao, hồ. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ ao hồ nhiều, thêm vào đó không có rào chắn, bảo vệ hay ai trông nom, chỉ cần một chút sơ sẩy cũng khiến cho trẻ bị chết đuối.
Điều đáng nói nữa là trẻ ở nông thôn thường tự chơi vì không có ai trông nom. Trong khi bố mẹ đi làm đồng hoặc kiếm tiền, không ai để ý, nếu bị rơi xuống ao hồ sẽ khó có thể tìm được người giúp đỡ. Mặt khác, dạy trẻ tập bơi chưa được bố mẹ quan tâm, hay không muốn nói là nhiều trẻ em chưa được học bơi. Điều này vô tình khiến cho trẻ gặp nguy hiểm khi rơi xuống ao hồ. Kêu cứu là điều cần thiết nhưng sức trẻ không thắng được sức nước và thiếu kỹ năng gián tiếp khiến cho nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.
Không phải khó hiểu khi thả diều phải cần đến những chổ trống, rộng và không có chướng ngại vật. Bởi vì, như vậy mới có thể có nhiều gió và chạy theo cánh diều. Tuy nhiên, với những vùng nhiều ao, hồ, đất chật chội, nếu không cẩn thận, khi trẻ mải mê chạy theo cánh diều thì việc sẩy chân là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 
Đó là nơi nhiều ao, hồ, ở những nơi khác cũng lắm nguy cơ. Tâm lý khi chơi diều là đuổi theo diều, mải mê nhìn theo diều, thậm chí khi diều bay quá xa vẫn cần mẫn chạy theo. Nếu chay ngang qua đường quốc lộ, đường làng, ngõ phố có phương tiện giao thông đông rất có thể xảy ra tai nạn.
Nếu thiếu những bãi đất trống, trẻ em có thể tìm lên các ban công gia đình với rào chắn thấp để thả diều. Một phút bất cẩn, trẻ mải theo diều có thể bị ngã qua lan can rơi xuống đất.
Đặc tính của chơi thả diều là dây càng dài, diều bay càng cao sẽ là niềm vui của người chơi. Điều này cũng có thể dẫn đến nguy cơ dây diều mắc vào đường điện. Có thể không bị ngã nhưng chuyện bị điện giật không phải là chưa xảy ra,
Hồi tháng 3/2014, cậu bé Nguyễn Công Trí (sinh năm 1998) ở Tây Ninh bị điện giật khi thả diều. Theo lời kể của người nhà, Trí chơi thả diều ở nhà người họ hàng nhưng diều mắc vào dây điện trung thế. Sau đó, Trí buộc liềm sắt vào thanh sắt rồi kéo diều xuống. Trong quá trình đó bị điện giật nhưng được đưa đi cấp cứu kịp thời.

 Chú ý khi cho trẻ thả diều:

- Giám sát trẻ khi chơi thả diều

- Không để diều quá lớn so với cơ thể trẻ

- Không cho trẻ chơi ở vùng có ao hồ, gần đường giao thông, ban công, mái nhà

 

Ánh Dương
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Phấn phủ Hàn Quốc chỉ dưới 100 xu nhưng chất lượng “không đùa được đâu”