Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 cho đến nay (3/2015), nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đã xảy ra.
Mới đây nhất, vụ tai nạn đường sắt ở Quảng Trị khiến nhiều người kinh hoàng. Lúc 22h ngày 10/3/2015, tàu SE5 chạy tuyến từ Hà Nội - Tp.HCM va chạm với xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 75C-031.99 kéo rơ móc biển kiểm soát 75C-00185 chở đá băng qua đường sắt.
Địa điểm xảy ra tai nạn nằm trên địa phận huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Hậu quả vụ tai nạn khiến 1 người chết là lái tàu Lê Văn Phú (Quê tỉnh Thừa Thiên - Huế), còn 3 hành khách và tài xế ô tô đầu kéo bị thương.
Hồi đầu năm nay, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam ở đoạn qua xã Diễn Trường (Diễn Châu, Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Một nam giới lái xe ôm khi đang chờ khách bên đường quốc lộ 1A đã băng qua đường sắt đi vệ sinh. Tuy nhiên, do bất cẩn, người này không chú ý đoàn tàu đang đi tới. Cú đâm mạnh khiến người đàn ông nói trên tử vong tại chỗ.
Hiện trường ngổn ngang sau vụ tai nạn đường sắt ở Quảng Trị (Ảnh atgt.vn)
Hôm 12/1, một vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại Km 1253+800 trên tuyến đường sắt bắc - nam, đoạn qua thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Xe ô tô do ông Tô Đình Phú chở bà Võ Thị Sương băng qua đường sắt. Do ông Phú không chú ý quan sát dù đã có đèn tín hiệu, còi báo, cho nên đoàn tàu SE26 từ Sài Gòn - Quy Nhơn đã va chạm với chiếc xe, khiến ông Phú bị thương nặng, bà Sương tử vong tại chỗ.
Hôm 6/3, tàu SX1T1 đang chạy hướng Bắc Nam theo lịch trình thì một xe máy băng qua đường ngang dân sinh. Cú tông mạnh khiến anh Nguyễn Quang Hùng tử vong tại chỗ, nạn nhân còn lại được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Điều đáng nói là dù lái tàu đã kéo còi, phanh khẩn cấp nhưng người lái xe máy không quan sát nên xảy ra vụ tai nạn thương tâm.
Hiểm họa từ những đường sắt đi qua khu dân cư
Mỗi vụ việc xảy ra dẫn đến hậu quả, mức độ thiệt hại khác nhau nhưng điểm chung là nhiều vụ tai nạn đường sắt đều xảy ra ở những điểm giao nhau giữa đường sắt với đường dân sinh. Trên địa bàn cả nước hiện có hàng chục nghìn điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, thậm chí trong đó có những điểm giao cắt do người dân tự mở.
Điểm đáng lo ngại là ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao. Mặc dù, cơ quan chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần, thậm chí hiện nay trên nhiều cung đường sắt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu tại điểm giao cắt trang bị đầy đủ. Thế nhưng, chỉ một phút vội vàng hoặc coi thường, bất chấp nguy hiểm của một số người tham gia giao thông khi băng qua đường sắt dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.
Cụ thể, trên địa bàn cả nước hiện có 5.700 điểm giao cắt, trong đó có 1.516 đường ngang và 4.268 lối đi dân sinh là các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên đường sắt.
Tuy nhiên, việc để xóa bỏ các đường, lối đi dân sinh giao cắt đường sắt không thể tiến hành trong một sớm, một chiều. Bởi lẽ, những con đường này là lối đi hàng ngày của người dân, nếu muốn mở ra một con đường mới để người dân đi lại sẽ cần có thời gian cũng như vốn đầu tư.
"Trên thực tế, thời gian qua đã có những công trình cầu vượt đường sắt được xây dựng như ở Nghệ An, Hà Nội. Tuy nhiên, con số này còn quá ít so với số điểm giao cắt giữa đường sắt với đường dân sinh như hiện nay. Cần rà soát những điểm giao cắt hay xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn để xây dựng các cầu vượt hợp lý", chị Thủy (Diễn Châu, Nghệ An) cho hay.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ý thức của người dân vẫn là mấu chốt để giải quyết tình trạng lộn xộn, nguy cơ tại nạn tại các điểm giao cắt. Bởi, một số người dân vì vội vàng việc cá nhân mà vẫn băng qua đường sắt dù rào chắn gần đóng hoặc đoàn tàu gần đến điểm giao cắt.
Chị Mai (sống gần ga Thanh Hóa) nói: "Khi đã có đèn báo hiệu dừng, rào chắn sắp đóng thì không nên vượt qua đường sắt. Bởi lẽ, chỉ muốn nhanh một phút mà để xảy ra tai nạn sẽ vô cùng đáng tiếc. Mặt khác, đôi khi nhìn đoàn tàu còn cách một đoạn khá xa nhưng vận tốc tàu đang lớn sẽ di chuyển khá nhanh, thêm nữa khi băng qua đường sắt chỉ cần xe chết máy hoặc bị ngã thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn".
Giải pháp cho vấn đề này sẽ cần lộ trình và quá trình đầu tư từng bước. Vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân, giáo dục một cách đầy đủ cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường để nhận thức một cách đầy đủ nhất về sự nguy hiểm khi băng qua đường cắt lúc đã có đèn cảnh báo.
Cách đây không lâu một nhóm nghiên cứu của Đại học La Trobe (Australia) đã nghiên cứu hệ thống Giao thông Thông minh (Intelligent Transport System – ITS) sử dụng GPS và công nghệ không dây phục vụ liên lạc trong phạm vi ngắn (Dedicated Short Range Communications – DSRC) để thiết lập kết nối không dây giữa tàu hỏa và các phương tiện đang đến gần đoạn cắt ngang đường sắt.
Hệ thống này giúp cảnh báo những va chạm có thể xảy ra thông qua chuông báo lắp trên xe. Các chuông có khả năng tăng âm lượng và cường độ khi tàu đến càng gần đoạn giao nhau. Đây là giải pháp có thể tham khảo nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn có thể xảy ra với các tai nạn đường sắt.
Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có Văn bản số 80 /CV-UBATGTQG gửi Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
Văn bản này yêu cầu kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, tổ chức giải tỏa bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt; nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ địa phương quản lý.
Đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn. Đối với các đường ngang trong đô thị đẩy nhanh việc thực hiện phương án kết nối hai hệ thống tín hiệu đường sắt và đường bộ để hạn chế ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.
Ánh Dương (Tổng hợp)
(Theo Congluan.vn)
Top 4 cung hoàng đạo xinh đẹp ngời ngời lại tài năng xuất chúng khiến ai cũng ngưỡng mộ