Liên tiếp 'bà hỏa' ghé xưởng sản xuất, làm gì để phòng cháy cuối năm?
Tin liên quan
65 vụ cháy chỉ trong... 1 tháng
Trong một tuần trở lại đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của người dân.
Theo thông tin từ cảnh sát PCCC Hà Nội, trong tháng 11, địa bàn Hà Nội có 65 vụ cháy trong đó có 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy xảy ra khiến 13 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá khoảng 11 tỷ đồng và 0,5ha rừng.
Trong tháng 10/2016, xảy ra 85 vụ cháy trong đó có 01 vụ cháy lớn, 01 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 15 vụ cháy trung bình, 63 vụ cháy nhỏ, 05 vụ cháy rừng ngoài ra trong tháng xảy ra 38 vụ chập điện trên cột điện, 13 vụ cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan.
Trong tháng 9/2016, xảy ra 59 vụ cháy trong đó có 02 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 10 vụ cháy trung bình, 47 vụ cháy nhỏ, ngoài ra trong tháng xảy ra 60 vụ chập điện trên cột điện, 07 vụ cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Thiệt hại về người: 02 người chết, 01 người bị thương; thiệt hại tài sản trị giá khoảng 2,9 tỷ đồng.
Vụ cháy khu xưởng nhựa ở Trung Văn - Nam Từ Liêm mới đây.
Gần đây nhất là vụ cháy ngày 2/12 tại khu Công nghiệp (KCN) Ngọc Hồi (Hoàng Mai, Hà Nội) tại một xưởng gỗ công nghiệp. Sau khi ngọn lửa bùng phát bên trong xưởng đã nhanh chóng lan ra khắp khu xưởng, cột khói đen bốc cao cuồn cuộn.
Vụ cháy này tuy không thiệt hại về người nhưng toàn bộ kho chứa gỗ ván ép, gỗ công nghiệp rộng khoảng 2.000 m2 bị cháy rụi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.
Tiếp đến là vụ cháy vào tối 2/12, tại kho phế liệu ở ngõ 80 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Theo lực lượng chữa cháy tại hiện trường, do chất cháy chủ yếu là nhựa, phế liệu nên bùng phát lớn. Chỉ trong thời gian ngắn ngọn lửa đã lan sang 3 kho lân cận và thiêu rụi toàn bộ các kho phế liệu.
Mới hôm qua (7/12), xảy ra vụ cháy tại khu nhà xưởng ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội. Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 15 (Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy thành phố Hà Nội) đã xuất gần 10 xe cứu hỏa chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ chiến sỹ chữa cháy và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn đến hiện trường triển khai các phương án chữa cháy. Vì kho xưởng có chứa nhiều nguyên liệu, diện tích rộng trên 2.000m2 lại nằm sâu trong làng nghề nên ngọn lửa bùng phát nhanh, gây khó khăn cho việc chữa cháy.
Sau gần 3h dập lửa, ngọn lửa đã được khống chế, truy nhiên toàn bộ khu nhà xưởng bị thiêu rụi.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, việc trang bị phương tiện, thiết bị PCCC thường là cách đối phó với việc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ý thức về công tác PCCC của nhiều hộ kinh doanh vẫn còn thấp, nhiều công trình chung cư chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Vì thế, nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại những khu vực này rất cao.
Không lơ là, chủ quan với "giặc lửa"
Với những vụ cháy lớn như trên, công tác phòng cháy chữa cháy góp phần quan trọng để không gây thiệt hại về người và tài sản cho người dân đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Đại tá Tô Mạnh Thắng – Phòng cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy khu vực Ba Đình cho biết, nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn rất phức tạp. Tuy nhiên thời gian này là dịp cuối năm, đây là thời điểm các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập kết hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Cùng với đó là nhiều hoạt động lễ hội, do đó tình trạng thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã tràn lan nên tình hình cháy, nổ có diễn biến rất phức tạp, khó lường, có thể xảy ra nhiều vụ cháy lớn.
Bên cạnh đó, thời điểm nắng nóng, hanh khô, người dân sử dụng khá nhiều thiết bị điện để làm mát, điều này dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống điện dẫn đến chập điện gây cháy nổ.
Để phòng cháy vào mùa hanh khô, Cảnh sát PCCC đã tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở thuộc các cơ sở trên địa bàn Hà Nội.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đang chống chọi với "giặc lửa".
Từ đầu năm, cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội tập trung vào 13 chuyên đề để tập huấn phòng cháy, chữa cháy gồm: Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; nhà cao tầng; cơ sở vui chơi, giải trí (karaoke, vũ trường...); trường học; cơ sở xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; cơ sở hoạt động, kinh doanh, sản xuất hóa chất; cơ sở dọc tuyến đường sắt; khu công nghiệp, khu chế xuất; làng nghề...
Cụ thể, ngày 22/11, Phòng CS PCCC số 2 có buổi tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho toàn bộ lãnh đạo phường, tổ trưởng các tổ dân phố trên địa bàn quận Ba Đình. Ngày 12/10/2016, Phòng Cảnh sát PC&CC số 6 đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho người đứng đầu các cơ sở sản xuất, nhà máy… trên địa bàn huyện Mê Linh và Khu công nghiệp Thăng Long.
Cảnh sát PCCC Hà Nội khuyến cáo chủ các cơ sở kinh doanh, sản xuất không tàng trữ, sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.
Những khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như cửa hàng xăng dầu, gas tuyệt đối không được sử dụng lửa trần. Các khu trung tâm thương mại, chợ đầu mối phải bố trí kệ hàng hóa thông thoáng, không lấn đường đi, lối thoát nạn, tập kết hàng hóa xa nguồn gây cháy.
Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên, tiểu thương trong thời điểm kinh doanh phải bố trí, sắp xếp hàng hóa trong quầy, sạp đúng phạm vi đã được quy định, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Khi phát hiện dấu hiệu hư hỏng phải khẩn trương khắc phục, sửa chữa hoặc thay thế để đảm bảo an toàn PCCC.
Đối với các đơn vị cho thuê mặt bằng làm nhà kho, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cần phân định rõ ràng trách nhiệm thực hiện công tác PCCC giữa bên cho thuê và bên thuê, thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an toàn có thể dẫn đến cháy, nổ.
Trang Lê
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất