Kèm con học từng giờ từng phút: Bố mẹ chỉ làm khổ chính mình

2015-09-28 15:18
- Việc học của trẻ cần xây dựng nền nếp tự giác từng bước, làm sao để trẻ yêu thích việc học và ham học chứ không phải ép hay kèm cặp con.

Chuyện dạy con học luôn chiếm một phần lớn thời gian của các bậc phụ huynh mỗi buổi tối. Không kèm cặp con học thì sợ con thua bạn bè, nhưng kèm cặp mãi cũng khiến cho trẻ mang thói quen ỉ lại. Đứng giữa đôi dòng nước, nhiều phụ huynh vừa muốn con học giỏi nhưng lại có tính tự giác. Nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, muốn là một chuyện còn con có chịu tự lập hay không mới là một nhẽ khác.

Vợ chồng anh Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều làm kế toán, công việc bận rộn với những con số cả ngày. Tối về đến nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, cả nhà ra đường dạo phố. Nhưng từ khi cô con gái lớn vào lớp 1, anh chị phải chấp nhận hi sinh những thói quen tao nhã trên. Thay vào đó, anh Hải chơi với cô con gái thứ mới bi bô tập nói, còn vợ phải ngồi kè kè bên bàn học cùng cô con gái đang tuổi ăn, tuổi chơi.

Cô con gái lớn nhà anh Hải thông minh, nhanh nhẹn, có năng khiếu ngoại ngữ từ bé. Nhưng chưa có ý thức tự giác học bài, thậm chí lười học vào hạng "siêu đẳng" như lời anh Hải nói. Sau khi ăn cơm tối xong, khoảng 19h30, cô con gái khệ nệ đưa chiếc cặp sách đặt vào bàn với dáng vẻ mệt mỏi. Còn chị Thương (vợ anh Hải) cũng nhanh chóng dọn dẹp nhà bếp, rửa bát, cắt hoa quả để kịp đôn đốc việc học của con. Vốn bản tính lười học, cô con gái thường kêu ca phàn nàn đau đầu, buồn ngủ, đau bụng, muốn đi chơi... học được 5 phút lại chạy ra chơi cùng em gái hay làm được 1 bài toán, viết xong 1 trang tập viết lại đòi đi xem phim hoạt hình. Dỗ ngon dỗ ngọt cũng có, quát mắng cũng có, tâm tình cũng có nhưng xem ra việc học mỗi tối của con gái khiến chị Thương cũng mệt mỏi hơn cả đi làm 8 tiếng/ngày.

Kèm con học từng giờ từng phút: Bố mẹ chỉ làm khổ chính mình

"Tôi ngồi bên cạnh thì con mới học. Có lúc chạy ra ngoài nghe điện thoại, con gái đã nhảy lên giường đắp chăn đi ngủ. Tôi hiểu cũng không ép con học nhiều, mỗi tối chỉ có 1,5 tiếng để ôn luyện lại tiếng Việt và học thêm 1 số bài toán khác mà xem chừng rất đau đầu", chị Thương nói.

Còn chị Phương (Quận 2, Tp.HCM) ngao ngán khi phải thúc giục việc học của con hàng ngày. Theo lời chị Phương, chỉ có khi nào chị yêu cầu con vào bàn học thì câu con trai học lớp 6 mới chịu tập trung. Nếu như không nhắc nhở thì cậu con trai lại say mê đọc truyện, chơi game trên máy vi tính. Suốt 5 năm tiểu học, gia đình chị Phương chỉ cho con học theo sở thích. Thậm chí, việc học buổi tối chỉ diễn ra trong 15 -20 phút, nhiều nhất cũng chỉ 30 phút, cuối tuần là thời gian cho con chơi 100%.

"Cho con chơi nhiều quá trong 5 năm tiểu học nên giờ đưa bé vào nền nếp vô cùng khó. Buổi tối lúc nào cũng phải mẹ hoặc bố ngồi bên cạnh, con mới chịu học", chị Phương nói.

Chuyện để con học thế nào, thời gian ra sao là do quyết định ở từng gia đình. Tuy nhiên, nỗi trăn trở làm sao để con chịu có ý thức học tập là điều mà phụ huynh nào cũng đau đầu. Bởi, không phải đứa trẻ nào cũng sẽ có ý thức tự giác ngồi vào bàn nghiêm túc từ khi mới là học sinh tiểu học. Nói vậy cũng không phải 100% trẻ như vậy, có những gia đình, phụ huynh gần như chỉ nhắc nhở và từ đó con có ý thức học rất cao.

Làm sao để con thích học?

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Vinh - người từng có kinh nghiệm lâu năm dạy tiểu học cho biết, phụ huynh cần từ bỏ lối suy nghĩ phải ngồi bên con suốt 2-3 tiếng mỗi tối mới là quan tâm con, mới yên tâm về việc học của con. Điều quan trọng nhất là làm sao để con thấy việc học là việc có ý nghĩa, cần thiết và là trách nhiệm của con.

"Đừng ép con phải học, đừng ngày nào cũng nhắc nhở đến giờ học rồi đấy. Phụ huynh nên để con tự giác bằng cách đưa ra khoảng thời gian biểu để con học. Cụ thể từ 1-2 tiếng, tùy theo lớp, để con làm bài về nhà hoặc thêm 1 số kiến thức mở rộng. Chỉ có 1-2 tiếng thôi, nếu không xong, con vẫn phải đi ngủ để đảm bảo sức khỏe. Nếu không xong, khi đến lớp trẻ sẽ thấy bạn bè hoàn thành, còn mình chưa lúc đó bắt đầu nhận ra sự chủ quan của mình. Ngoài ra, thầy cô nhắc nhở cũng là động lực để con ngày càng tiến bộ", cô Vinh nói.

Việc học cũng cần thời gian xây dựng thói quen. Hãy tập cho trẻ học từng thời gian ít rồi sau đó sẽ tạo nền nếp. Việc học chỉ khiến trẻ hứng thú khi có thêm sự động viên, khích lệ và quan tâm nhẹ nhàng của bố mẹ.

Ngoài ra, tùy theo từng lớp, sức khỏe của con mà xây dựng thời gian hợp lý. Không thể ép con khi con mệt mỏi hay đang bị ốm và cũng không nên bắt trẻ học với cường độ nhiều, thời gian kéo dài sẽ làm cho trẻ thêm chán sau cả ngày ở lớp.

Đông Ngân
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí quyết làm đẹp da siêu tiết kiệm cho từng loại da