Gặp người phụ nữ gần 70 tuổi say mê dạy võ cho học sinh khiếm thị
Tin liên quan
10h trưa, tại Trung tâm thể dục Thể thao quận 3, Tp.HCM, có một người phụ nữ dù trên đầu mái tóc đã bạc nhưng vẫn miệt mài hướng dẫn những đường võ thuật cho học trò của mình.
Theo đuổi đam mê
Năm lên 8 tuổi, sau một lần đi chơi và thấy người ta dạy võ, bà liền bị thu hút bởi những đường quyền. Ngay lập tức, bà liền xin gia đình để theo học. Nhưng lúc đó, mẹ bà cực lực phản đối và cho rằng “con gái học võ sẽ ế chồng”.
Nhưng với sự quyến rũ của võ thuật, bà ra sức thuyết phục và được người cha lén đưa đi học. Môn võ đầu tiên bà được học là Thiếu Lâm quyền, rồi khi lớn lên một chút bà chuyển sang học Taekwondo.
Thế nhưng, sự nghiệp học võ của bà chẳng mấy suôn sẻ khi mà mẹ bà phát hiện ra chuyện. Vì nghĩ cho tương lai của con gái, mẹ bà cấm tuyệt đối bà đến các lớp võ thuật.
Nhưng bất chấp, bà vẫn âm thầm theo học và cuối cùng mẹ bà cũng đành chiều theo ý của đứa con gái. Thời gian đầu tập luyện, bà thường xuyên bị té ngã và có nhiều thương tích trên người. Năm 1962, bà chuyển sang học Aikido tại một trung tâm ở quận 4, Tp.HCM. Nhờ có tư chất từ trước, bà nhanh chóng tiếp thu các đường võ và được các thầy hết sức tin tưởng.
Khi bà 20 tuổi, bà được đi biểu diễn khắp nơi và trở thành một trong những môn sinh xuất sắc của môn võ Aikido. Cũng chính nhờ môn võ này, tình yêu cũng đến, khi bà gặp và kết hôn cùng với môn sinh Đặng Văn Phát.
Một thời gian sau, nhiều người không thích học võ. chính vì vậy, hai ông bà rơi vào cảnh thất nghiệp. Ông đi làm tài xế xe tải, còn bà đi làm thợ thêu vải để nuôi các con trong tuổi ăn học. Năm 1979, vì nhớ nghề, hai ông bà quyết định dựng lại võ đường thêm một lần nữa tại đường Bùi Viện (quận 1), sau đó chuyển qua nhà thi đấu Phú Thọ và năm 1991 chuyền về Trung tâm Thể dục thể thao quận 3 cho đến bây giờ.
Môn võ của tình yêu thương
Tại trung tâm, có một lớp võ của bà mà những người dân xung quanh vẫn thường gọi là lớp võ của tình thương. Bởi lẽ, tại lớp võ này bà chỉ dạy cho những em bị khiếm thị và bị bệnh Down…
Tâm sự về điều này, bà cho biết, vào năm 2005, trong lúc bà đang giảng dạy cho những môn sinh bình thường, thì bất ngờ bà nhận được lời đề nghị dạy võ cho những người khiếm thị. Nhiều đêm suy nghĩ và trằn trọc, cho đến khi có một võ sinh nắm lấy tay bà rồi nói: “Sao em có thể thấy đường tập võ hả cô?. Câu nói đó dội vào trái tim và khiến bà hiểu ra rằng mình phải dạy võ cho các em, dạy bằng tất cả con tim".
Sau quãng thời gian đó, lớp học võ của người khiếm thị ngày càng đông người theo học. Tiếng đồn truyền xa, những người có con em bị bệnh Down cũng tìm đến bà mong cho con được theo học.
Nhắc lại kỉ niệm bà bồi hồi nói: “Ngày hôm đó trời mưa tầm tã, bỗng dưng có một người mẹ dẫn theo đứa con bị bệnh Down đến nhờ tôi dạy. Lúc đó, tôi không biết làm thế nào đành phải từ chối, vì trong thâm tâm tôi không biêt phải dạy các em đó như thế nào”.
Nhưng sau đó, với niềm tin và hi vọng rằng mình sẽ làm được, bà đã quyết định nhận dạy thêm lớp võ thuật cho những người bị bệnh Down. Sau 10 năm, giờ đây bà đã thu về những thành quả ngọt ngào khi mà những học trò của mình ngày càng trưởng thành và bệnh tình tiến triển tốt hơn.
“Nhiều học trò của tôi giờ đây đã dùng được máy tính và biết cả photoshop hình ảnh nữa. Nhiều đứa đã có bằng tin học của các trường đại học cấp cho. Đồng thời, nhiều đứa giờ đã tự làm chủ được bản thân và không còn nhờ vả vào bố mẹ ”, bà Lan không giấu được niềm từ hào khi nhắc đến học trò.
Thành Đạt
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất