Ký ức ám ảnh về người cha nghiện ngập

An Nhiên 2016-03-09 17:00
- Chiều nay, tôi đến chùa để viếng bố tôi. Nghe tiếng chuông tiếng mõ, lòng tôi dịu lại… Thôi thì cũng qua đi một kiếp người. Chỉ thấy lo sợ, bất an cho những ai trót sa chân vào con đường nghiện ngập như bố tôi...

Giỗ lần thứ 6 của bố, vẫn chỉ một mình tôi lên chùa thắp hương. Năm nào cũng thế, bởi có lẽ ngoài tôi ra cũng chả ai biết bây giờ bát hương của bố nằm đâu. Tôi từng hận bố… Nhưng bây giờ, nhìn buổi chiều lạnh lẽo trong gió bấc mưa phùn cuối năm, tôi thương xót đến đứt cả ruột gan người đàn ông có cùng huyết thống với mình.

Tôi từng nghe mẹ kể trước đây bố mẹ học cùng nhau, bố tôi đẹp trai lắm, mẹ cũng rất có duyên và thông minh. Hai mươi tuổi bố mẹ thành vợ chồng, ai cũng nói bố mẹ tôi đẹp đôi. Ngày đó bố là lái xe, cái thời mà lái xe là oai nhất làng. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bố sa vào con đường nghiện ngập, từ một người đàn ông yêu thương vợ con trở thành một kẻ vũ phu bạc bẽo.

Bố vét những đồng tiền cuối cùng trong túi mẹ tôi mỗi lần lĩnh lương. Bố bán đến món đồ đạc cuối cùng trong ngôi nhà nhỏ. Cả chiếc xe làm kế sinh nhai cũng theo bố đi vào khói thuốc. Bố trở nên hèn kém và ích kỷ. Ông đánh đập mẹ tôi tàn tệ chỉ vì không có tiền hút sách...

Ký ức về người cha nghiện ngập

Đỉnh điểm là một lần, bị bố đánh đập, đau đớn quá, mẹ tôi đã bế tôi lao ra khỏi nhà, mặc trời mưa gió rét buốt.

Hai mẹ con tôi lang thang trong đêm. Sau đó, mẹ quyết định ly hôn, về sống trong khu vườn của ông bà ngoại, mặc cho bố tôi tỏ ra ân hận, van xin. Bố trốn tránh cả những giấy triệu tập của tòa. Sau 18 lần triệu tập không thành, cuối cùng tòa cũng xử ly hôn và để mẹ tôi được quyền nuôi con.

Tưởng chừng cuộc sống hai mẹ con sẽ thay đổi thì sóng gió lại ập đến, tôi bị chính bố đẻ mình bắt cóc. Kí ức của đứa trẻ 4 tuổi chẳng thể nhớ được chuyện gì cả. Chỉ nghe mọi người kể lại bố đưa tôi biệt tăm 1 tuần, mẹ nhờ đến cả công an tìm kiếm nhưng không thấy.

Ông nội vốn bị bệnh tim lại thêm chuyện phải chứng kiến con trai nghiện ngập, bán sạch tài sản của gia đình, vợ chồng ly tán,  ông tôi đột quỵ và mất sau đó. Ông nội mất, bố đang bắt cóc tôi đi trốn mới đành bế tôi về chịu tang. Tôi trở về nhà, từ tay người bố đẻ của mình mà mọi người kể lại là đã lả đi vì đói và lạnh. Nhìn hai bố con tưởng như hai kẻ lang thang hành khất. Bố gặp mẹ tôi ở đám tang ông nội, vội quỳ xuống van xin mẹ tha thứ hứa sẽ làm lại cuộc đời, nhưng mẹ đã rất mạnh mẽ để quay đi và bước tiếp.

Ngày đó tôi chưa đủ lớn để cảm nhận hết nỗi đau của mẹ, tôi chỉ thấy vui khi không còn bị đánh, bị chửi, và hàng ngày được ăn no. Nhưng tâm hồn của một đứa trẻ lại dễ tổn thương hơn bất cứ thứ gì. Tại bố mà tôi bị mọi người ghét, bị bạn bè chế giễu. Tôi đến nhà hàng xóm xem ti vi mà bị họ đóng cửa. Họ dặn dò con cái họ đừng chơi với đứa trẻ có ông bố nghiện ngập như tôi.

Mẹ thương tôi mà chẳng biết phải làm thế nào. Trong lòng mẹ cũng nảy sinh những hận thù với bố. Tôi yêu mẹ, thương mẹ bằng tất cả bản năng của đứa trẻ ngây thơ nên cũng 'lây lan' từ mẹ lòng hận thù. Hàng ngày nghe mẹ nói về bố và gia đình bên nội với những lời xỉa xói, tôi thấy như trong lòng tôi cũng nảy sinh những cảm xúc y như thế…

Ký ức về người cha nghiện ngập

Khi tôi học khoảng lớp 6 thì bố tôi bị bắt. Từ một người nghiện, bố buôn bán ma túy. Bố ngồi tù 5 năm, tôi càng ghét bố, tôi xấu hổ và không bao giờ nhắc đến bố với bạn bè.

Rồi trong thời gian ấy, mẹ đi bước nữa. Bố dượng tôi là người tốt, hiền lành. Tuy không gần gũi chia sẻ gì với tôi nhưng về cơ bản, bố dượng tôi không hề tỏ ra ghét bỏ hay khó chịu gì về sự có mặt của tôi.

Nhưng mẹ thì bị cuốn đi cùng hạnh phúc mới của mình. Mẹ sinh em bé, mải mê chăm sóc cho em. Tôi không còn được mẹ âu yếm và chia sẻ. Bây giờ thì ngay cả những lời chửi rủa hận thù với bố đẻ tôi, mẹ cũng không nói nữa. Nghĩa là mối liên hệ của tôi với mẹ ngày càng lỏng lẻo. Mẹ gần như không biết chuyện tôi học hành, cố gắng ra sao. Mẹ chỉ cần tôi đừng làm gì sai ở trường để bị thầy cô phạt. Sau đó về nhà đúng giờ, giúp mẹ việc nhà và trông em bé - con của mẹ và bố dượng.

Ngôi nhà của bố đẻ và mẹ tôi từng sống, bây giờ bỏ hoang. Ông bà nội tôi mất cả rồi. Các bác đều đi xa. Tôi đi học qua, mỗi ngày nhòm vào đó, ban đầu là nỗi chán ghét, bực bội. Sau đó là cái gì thèm muốn. Như là mong có người đàn ông là bố đẻ của mình ở đó, dù xấu xa, tồi tệ, bệ rạc thế nào, có lẽ cũng tốt hơn hoàn cảnh của tôi hiện tại. Mẹ như không còn là mẹ của tôi, dù rằng vì tôi mà cuộc đời của mẹ như chết đi sống lại. Bố dượng thì không bao giờ đoái hoài đến sự có mặt của tôi. Dù ai cũng nói là ông ấy tốt, nhưng tôi thì biết, ông coi tôi hoàn toàn là một đứa trẻ không có liên hệ gì.

Năm năm sau thì bố đẻ tôi ra tù, trở về ngôi nhà lạnh lẽo, nơi gia đình tôi từng sống cùng ông bà nội. Nơi tôi đạp xe qua mỗi lần tan học…Tôi nhớ như in hình ảnh người đàn ông gầy gò chống nạng bước về phía tôi. 5 năm! Nghiện ngập, ngồi tù… khoảng thời gian đủ tàn phá dữ dội một con người.  Bố tôi nhìn như một ông già. Tất cả ký ức của mẹ tôi, theo lời kể đầy hận thù của mẹ lại ùa về đầy ám ảnh.

Tôi đau xót cho người đàn ông này quá! Người đàn ông này là bố tôi! Người đã cùng với mẹ sinh ra tôi, rồi lại đâm đầu vào con đường chết. Người đã bắt cóc tôi, tha lôi đến tận hang cùng ngõ hẻm bất chấp cả sự truy bắt của công an chỉ vì mong mẹ tôi hồi tâm chuyển ý… Người mà lúc rất xa đã từng công kênh tôi trên bờ vai rộng lớn, đã từng hát ru tôi bằng giọng hát khê nồng. Người mà sau này, khi tôi đã sống riêng với mẹ, vẫn đến thăm tôi, cố ôm ấp vồ vập tôi dù tôi đã nhìn ông bằng con mắt hận thù.

Người ấy bây giờ tiều tụy quá. Tôi không đủ sức phán xét sai - đúng nữa. Không cảm thấy cần phải dùng trí khôn để suy xét rằng ông ấy bị thế là 'đáng đời' thêm nữa. Tôi chỉ thấy đau lòng thôi, chỉ thấy khốn khổ và bi kịch cho cả mình và ông ấy thôi. Tôi muốn ở lại chăm sóc bố. Nhưng ý nghĩ ấy đến rồi trôi tuột đi cũng nhanh. Bởi mẹ không thể chấp nhận suy nghĩ ấy của tôi. Và chính tôi cũng không muốn đối diện gì với ông.

Ký ức ám ảnh về người cha nghiện ngập
Éo le khi bố tôi mất được 4 ngày tôi mới biết tin. Người ta đã lo chôn cất bố tôi xong. 

Tôi lấy cớ bận học nên chỉ thỉnh thoảng mới ghé thăm bố. Có lần nhớ tôi quá bố phải nhắn hàng xóm nói với tôi là bố ốm đấy, về thăm bố! Hồi ấy, dù trong lòng đã biết thương xót bố nhưng chưa bao giờ tôi thăm bố vào ban ngày, tôi sợ mọi người thấy tôi đến đó, tôi xấu hổ vì bố của mình. Tôi chỉ đợi khi đèn đường đã tắt mới sang, tôi sợ phải đối diện với ánh mắt soi mói của nhà hàng xóm.

Khi tôi ôn thi đại học thì bố mất. Tang lễ làm ở nhà tang lễ, tro cốt đưa lên chùa, theo diện từ thiện dành cho những người vô thừa nhận vì khi bố mất, họ hàng bên nội không ai về. Họ đã quen với suy nghĩ bố tôi chỉ là thành phần cần loại trừ ra khỏi xã hội này bởi những nỗi khổ bố đã gây ra cho gia đình, cho ông bà…

Chiều nay, tôi đến chùa để viếng bố tôi. Nghe tiếng chuông tiếng mõ, lòng tôi dịu lại… Thôi thì cũng qua đi một kiếp người. Chỉ thấy lo sợ, bất an cho những ai trót sa chân vào con đường nghiện ngập như bố tôi.

An Nhiên

Ảnh: St

Chia sẻ tâm sự của bạn về cuộc sống tình yêu, hôn nhân và gia đình tại đây.
Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Loạt mỹ nhân Việt sang Mỹ du lịch, chữa bệnh nhưng trở về lại có baby 'đính kèm'