Những kiến thức về ghép tế bào gốc mẹ nào cũng phải biết

2016-10-02 10:07
- Thể trạng không đủ tiêu chuẩn, đã truyền máu quá nhiều, không tìm được tế bào gốc phù hợp... chính là những lý do khiến bệnh nhân tan máu bẩm sinh dù có tiền tỷ trong tay cũng chưa chắc ghép được tế bào gốc để chữa bệnh.

Mới đây, cộng đồng mạng đang xôn xao về vụ việc chị Trần Thị Hoa - người mẹ đơn thân rao bán nội tạng mình trên mạng xã hội để kiếm đủ 600 triệu chữa bệnh Tan máu bẩm sinh cho cậu con trai Trương Hoàng Phúc (7 tuổi) bằng phương pháp ghép tế bào gốc.

Hoàn cảnh éo le của hai mẹ con chị đã khiến nhiều người không khỏi xót xa, thương cảm. Thậm chí có một số người còn trách cứ bệnh viện tại sao không nhanh chóng tạo điều kiện phẫu thuật kịp thời cho cháu bé để tránh việc cháu lỡ dở cơ hội khỏi bệnh. 

Tuy nhiên, sự thật là không phải cứ có tiền thì sẽ ghép được tế bào gốc. Trong trường hợp của hai mẹ con chị Hoa, dù có ngay trong tay 600 triệu cũng chưa thể tiến hành ghép tế bào gốc được. Bởi để có thể ghép được tế bào gốc cần tập hợp rất nhiều yếu tố.

Trao đổi với phóng viên Emdep.vn, TS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc - Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết: "Để sử dụng được tế bào gốc không phụ thuộc vào vấn đề có tiền hay không mà còn phụ thuộc vào tuổi tác, thể trạng bệnh, chỉ số HLA có phù hợp hay không nữa. Điều quan trọng là phải tìm được tế bào gốc phù hợp với cơ thể bệnh nhân nếu không sẽ không thể ghép hoặc phần trăm thành công cực kỳ thấp".

Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó GĐ Trung tâm Thalassemia - Viện Huyết học Truyền máu trung ương cho biết: "Trong trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh Tan máu bẩm sinh như bé Phúc, dù việc ghép tế bào gốc là con đường thoát bệnh duy nhất nhưng phải tùy vào thể trạng của bé trong thời điểm hiện tại".

TS. Trần Ngọc Quế cho biết đối với bệnh nhân mắc bệnh Tan máu bẩm sinh, nếu trước đây truyền máu càng nhiều thì khả năng ghép thành công tế bào gốc càng thấp. Nguyên nhân một phần là bởi máu liên tục tan ra trong cơ thể bệnh nhân, tăng lượng sắt dư trong người. Lượng sắt dư này nếu không được đào thải sẽ lưu trữ nhiều ở nội tạng dễ gây suy tim, suy gan.

Không phải cứ có tiền là ghép được tế bào gốc

Những đứa trẻ nếu truyền máu càng nhiều thì cơ hội ghép tế bào gốc thành công càng thấp

Trong quá trình ghép tế bào gốc sẽ phải loại bỏ toàn bộ tế bào cũ bị bệnh trong cơ thể. Trong khoảng thời gian loại bỏ các tế bào cũ, cơ thể sẽ rất yếu, cơ quan nội tạng không có sự bảo vệ. Nếu người bệnh vẫn dư sắt trong người thì tim, gan sẽ không chịu đựng được quá trình này, dễ bị suy tạng và tử vong. Trong trường hợp của bé Tuấn, bé đã truyền máu liên tục trong nhiều năm, vậy nên cần phải có thời gian thải sắt ra ngoài để nội tạng ổn định hơn.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phải tìm được tế bào gốc phù hợp. Hiện nay có thể ghép tự thân và ghép đồng loại. Đối với trường hợp của cậu bé trên chỉ có thể ghép đồng loại tức là lấy tế bào gốc của người thân hoặc người không cùng huyết thống để ghép. Tế bào gốc ghép phải có chỉ số HLA >=5/6. Muốn tìm được tế bào gốc phù hợp chỉ có thể đi thử HLA và tìm kiếm tế bào gốc thích hợp trong ngân hàng lưu trữ.

Ngoài ra, nếu người bệnh vẫn "cố đấm ăn xôi" ghép tế bào gốc có chỉ số HLA thấp sẽ dễ xảy ra hiện tượng đào thải. Những tế bào gốc đồng loại ghép vào cơ thể không chỉ tạo máu mà còn tạo cả bạch cầu - hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể. Nếu ban đầu không diệt hết các tế bào cũ thì các tế bào cũ sẽ phản ứng ngay với bạch cầu được tạo bởi tế bào gốc mới và thải ngay những tế bào gốc mới, đây là hiện tượng thải ghép.

Một trường hợp khác, bạch cầu được tạo ra từ tế bào gốc mới đi khắp cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng "đánh" lại chính cơ thể, chống lại cơ thể chủ vì "lạ". Điều này sẽ khiến người bệnh bị loét da, viêm gan cấp... Người bệnh có thể chết vì hiện tượng ghép chống chủ này. Vậy nên, sau khi ghép xong, người bệnh sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài để đảm bảo cân bằng cho cơ thể.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "Ngoài lý do chi phí ghép tế bào gốc đắt đỏ ra thì việc khó khăn trong quá trình tìm kiếm tế bào gốc phù hợp với cơ thể bệnh nhân cũng là lý do khiến hàng trăm ngàn người Việt Nam bị bệnh Tan máu bẩm sinh không thể áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc để chữa khỏi hoàn toàn".

Ghép được tế bào gốc không kỳ diệu như vẫn tưởng

Không phải bất cứ bệnh nhân Tan máu bẩm sinh nào cũng may mắn tìm được tế bào gốc phù hợp để ghép

Hiện ngân hàng tế bào gốc của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đang lưu giữ 2.270 mẫu tế bào gốc từ máu dây rốn do các sản phụ tự nguyện hiến tặng, các tế bào gốc đều đạt tiêu chuẩn và sẵn sàng ghép cho người bị bệnh phù hợp với yêu cầu. Dù người bị mắc bệnh Tan máu bẩm sinh lên đến hàng ngàn người nhưng mới chỉ vài phần trăm nhỏ trong số này được sử dụng bởi không phải ai cũng tìm được tế bào gốc phù hợp HLA tại ngân hàng tế bào gốc này.

Lương Chi

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thực hiện 3 bài tập này sau 2 tuần chân cột đình sẽ thon gọn ngay