Chủ quan vết xước do chó cắn, cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng

2018-06-05 13:40
- Chỉ vì chủ quan không đi tiêm phòng, cô gái trẻ đã phải gánh hậu quả đáng tiếc..

Chị Nguyễn Thu An (sinh năm 1994, tại Hà Nội) không may bị chó cắn xước da, chảy máu ở khu vực lòng bàn tay. Chị An cho rằng, đó chỉ là vết xước da bình thường không gây nguy hại. Sau khi bị chó cắn, chị An đã rửa sạch vết thương bằng xà phòng và bôi sát trùng.

Sau vài ngày, con chó cắn chị An bị chết, nhưng người phụ nữ này chủ quan không đi tiêm phòng dại. Khoảng gần 2 tháng sau khi chó bị chết, chị An bị đau nhức chỗ bị chó cắn, tê bì chân tay sau đó lan ra toàn thân kèm theo triệu chứng sợ gió, sợ nước và cảm giác khó thở.

Chị An được gia đình đưa tới bệnh viện Bạch Mai điều trị trong tình trạng tỉnh táo, tâm lý hoảng hốt, rối loạn dây thần kinh thực vật, tim đập nhanh…

Cô gái 9X chủ quan với vết chó cắn xước da đã phải trả giá bằng cả tính mạng

Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chủ quan nên không đi tiêm dẫn đến phát bệnh dại. (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân An có những triệu chứng điển hình của bệnh nhân mắc bệnh dại. Khi vào viện, bệnh nhân ở trong tình trạng nặng và tiến triển xấu rất nhanh. Sau 1 ngày vào viện, bệnh nhân đã bị ngừng tim, ngừng tuần hoàn, y bác sĩ đã cố gắng hồi sức thì nhịp tim của bệnh nhân đã trở lại. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân quá nặng nên gia đình đã xin về, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Bệnh dại lưu hành quanh năm nhưng bệnh bùng phát mạnh vào mùa hè. Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho vi rút dại phát triển. Bệnh lây truyền từ động vật (chó, mèo, rơi hút máu…) sang người qua vết cắn, cào, xước da… Tại Việt Nam, đa phần các trường hợp bị mắc dại là do chó cắn.

Theo chuyên gia, một số người cho rằng bệnh dại sẽ phát bệnh ở người chỉ sau một tuần bị chó cắn là quan niệm sai lầm. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và vị trí (gần hệ thần kinh trung ương) cắn sẽ phát bệnh sau vài tuần hoặc vài tháng.

Bệnh dại được chia làm hai thể là viêm não và thể liệt. Ở thể viêm não, bệnh nhân xuất hiện kích thích mất ngủ, bồn chồn, sợ gió, sợ nước. Bệnh nhân có thể có thêm triệu chứng khó thở do bị co thắt hầu họng và tủ vong sau 1 tuần phát bệnh. Ở thể liệt, bệnh nhân bị liệt các cơ quan, lan từ các chi cho tới khi liệt các cơ quan còn lại và tử vong (liệt cơ quan hô hấp).

“Bệnh nhân có thể thoát chết nếu như có đi tiêm phòng. Tuy nhiên, vì chủ quan nên nhiều người bệnh đã bị mất mạng”, bác sĩ Cường nói.

Bệnh dại khi phát cơn tử vong 100%

Bác sĩ Cường khuyến cáo: “Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Vì vậy,  khi bị chó, mèo cắn nên tiêm vắc xin dự phòng phơi nhiễm. Bệnh nhân khi đã nên cơn dại rất khó cứu chữa 100% sẽ tử vong. Khi không may bị chó cắn, cào, nếu trong vòng một tuần mà chó bị chết, cần phải đi tiêm phòng ngay lập tức".

Khi bị chó cắn, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích bôi vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm, không băng bó, đắp thuốc lá lên vết thương. Mọi người nên rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

 

Cách phát hiện chó bị dại:

Chó đột nhiên thay đổi hành vi hàng ngày hung dữ, cắn khi không bị trêu chọc

Chó có những hành động khác thường gậy móng, chạy không rõ lý do…

Thay đổi trong âm thanh sủa khàn và gầm gừ hoặc sủa không ra tiếng

Chó sợ nước, tiết nước bọt, sùi bọp mép nhiều

 

 

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Duyên đến rồi, hãy mở lòng và yêu đi