Tâm Phan, Skynie Minh Hà: Đòn roi không giúp con nên người

Trần Thành Công 2014-09-25 09:27
- (Em đẹp) - Các bậc cha mẹ hãy tưởng tượng khi còn bé mà bị roi vọt, cảm giác của chúng ta thế nào?
>>>Bé Kim Ngân 4 tuổi bị cha mẹ bạo hành: Click đọc chi tiết

Phụ huynh Việt Nam vẫn còn mang nặng tâm lý "thương cho roi cho vọt". Để rồi cứ thế hệ này truyền sang thế hệ khác, biết bao nhiêu đứa trẻ lớn lên với những trận đòn roi mà bố mẹ cho đó là cách giúp con cái nên người. Có những trận đòn qua như một giấc ngủ trưa nhưng cũng có những ký ức buồn cứ bám riết lấy tâm hồn mãi mãi. Đòn roi tưởng chừng vô tri vô giác vậy mà lại có sức mạnh ghê gớm. Hằn in để lại trên người mỗi đứa trẻ có thể xóa trong 1 - 2 ngày, nhưng ám ảnh và đôi khi cả nỗi khiếp đảm có thể còn đọng lại lâu dài.

Vụ việc mới đây nhất về việc dùng đòn roi dạy con khiến cháu Kim Ngân (4 tuổi, Bình Dương) bị thâm tím mặt, chấn thương sọ não lại tiếp tục lật lại một chủ đề có vẻ không mới nhưng chưa bao giờ cũ về chuyện dạy con có cần roi vọt. Phóng viên Emdep.vn đã cùng trò chuyện với những bà mẹ khéo nuôi con và chuyên gia của Đại học Sư phạm Hà Nội xung quanh chủ đề này.

Roi vọt chỉ khiến bé sợ hãi

Tâm Phan là một người Việt đang sống tại Thụy Sỹ, tuy nhiên hàng ngày chị vẫn thường xuyên cập nhật các vấn đề thời sự trong nước. Câu chuyện bé Ngân (4 tuổi, Bình Dương) bị bố mẹ hành hạ, đánh đập cũng khiến chị không khỏi xót xa.

Tâm Phan cho rằng: "Tôi nghĩ đó không phải là "dạy con" mà dùng con để trút giận, thỏa mãn thú tính bạo lực của cha mẹ. Vì họ không thể vô cớ đánh đập những người to khỏe hay con nhà người khác nên đã lôi chính con mình ra đánh. Một đứa trẻ không có khả năng tự vệ, chỉ biết kêu khóc đã trở thành một nạn nhân mong manh nhất. Hành động của cha mẹ bé Ngân thật hèn hạ và đáng khinh bỉ, chúng ta cần phải lên án".

Theo quan điểm của Tâm Phan, nhìn vào hoàn cảnh bé Ngân thì câu nói "thương cho roi vọt" đã trở nên lố bịch. "Thật là ngu muội nếu như chúng ta chỉ biết nhắm mắt học thuộc lòng câu nói "thương cho roi vọt" rồi lạm dụng nó, áp dụng như một cái cớ để thỏa mãn thú tính bạo lực của người lớn với trẻ em. Thực tế trong xã hội văn minh, cha mẹ lúc nào cũng có thể bày tỏ tình yêu với con mà không cần roi vọt, đồng thời cha mẹ lúc nào cũng có thể "phạt" con bằng các biện pháp tâm lý mà không cần phải roi vọt hay xâm hại cơ thể của con", chị Tâm Phan chia sẻ.


Tâm Phan và con gái trong công viên ở Thụy Sĩ.

Tâm Phan nhấn mạnh: "Roi vọt không hề giúp trẻ nhận rõ phải trái, đúng sai. Khi bị đánh, nỗi sợ hãi đã lấn át hết tinh thần của trẻ, đầu óc non trẻ không thể hiểu được vấn đề là gì, chỉ có nỗi sợ hãi bao trùm. Vậy cha mẹ cần phải tỉnh táo suy xét trước khi vung roi lên: Mục đích đánh con của cha mẹ là gì? Để con hiểu nó đã sai và không tái phạm? Nhưng trẻ bị đánh sẽ không thể hiểu nó sai ở chỗ nào, vì sao sai, chúng chỉ thấy đau và khóc, không nhớ gì ngoài đòn roi. Đánh con chỉ gây cho con nỗi thù hận cha mẹ chứ không giải quyết được vấn đề dạy con".


Tâm Phan cho rằng: "Hãy làm bạn với con chứ việc đánh con chỉ chứng tỏ sự bất lực của cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ".

Theo Tâm Phan, các bậc cha mẹ thay vì đánh con, hãy ngồi xuống ngang bằng với con, nhìn vào mắt con mà phân tích điều hay lẽ phải. Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong việc dạy trẻ mà các giáo viên tiểu học ở phương Tây đều áp dụng. Đừng tưởng cha mẹ đứng uy nghiêm, tay cầm roi thì trẻ đều nghe lời. Lúc đó nỗi sợ đã lấn át hết tâm trí của trẻ, trẻ không nghe và không hiểu gì hết.

Khi cha mẹ ngồi xuống, nói chuyện với con, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm như có một người bạn tin cậy để cùng nói chuyện. "Có lẽ các bạn chưa từng thử làm điều này với đứa con ngang bướng của mình, nhưng xin các bạn thử làm một lần thôi để thấy tính hiệu quả của phương pháp này. Hãy làm bạn với con chứ việc đánh con chỉ chứng tỏ sự bất lực của cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ", Tâm Phan khuyên.

Dùng roi vọt sẽ hình thành suy nghĩ bạo lực ở con trẻ

Skynie Minh Hà - bà mẹ trẻ được tiếng là mát tay trong chăm sóc con cũng không đồng tình với quan điểm "thương cho roi cho vọt" khi dạy con. Mặc dù, công việc bận rộn, trẻ con đôi khi hay mè nheo nhưng Skynie Minh Hà luôn giữ được sự bình tĩnh khi dạy con.

Minh Hà cho rằng: "Các bé nhà Hà có khi cũng đòi nghịch thứ đồ này, đồ kia trong nhà thậm chí nghịch cả ổ điện. Tuy nhiên, từ 2,5 tuổi - 3 tuổi, trẻ đã hiểu chuyện nên cần có sự giải thích rõ ràng khi không cho bé chơi những đồ nguy hiểm như vậy. Nếu chỉ dừng lại ở việc dùng roi hay quát nạt thì chỉ khiến bé sợ hãi lúc đó mà thôi. Đến hôm sau bé lại quên vì trẻ con nhanh quên và bé sẽ lặp lại kiểu mè nheo đó, tiếp tục đòi được chơi ổ điện".

Minh Hà cho rằng: "Việc dùng roi vọt sẽ khiến bé có suy nghĩ rằng khi không đạt được việc gì là dùng roi vọt hay bạo lực".

Là người từng học ở nước ngoài nhiều năm, qua quan sát cuộc sống, Minh Hà nhận thấy trẻ con phương Tây tự lập sớm và nhiều hơn so với trẻ em Việt Nam. Thậm chí, phụ huynh phương Tây không bao giờ dùng roi vọt đánh con hay ép con ăn uống. Trong khi đó, phụ huynh Việt Nam thường có tâm lý "sốt ruột" khi con ăn ít hay phạm lỗi nên mắng nhiếc con khiến cho bé hoảng sợ nhưng không hiểu đã sai điều gì để lần sau không mắc phải.

"Hà nghĩ việc bố mẹ dùng roi vọt để đánh khi bé làm sai hay phạm lỗi là điều hoàn toàn không nên và có ảnh hưởng về sau. Bởi vì, việc dùng roi vọt sẽ khiến bé có suy nghĩ rằng khi không đạt được việc gì sẽ dùng roi vọt hay bạo lực. Về sau, trong cuộc sống, bé thấy người khác không làm đúng ý cũng sẽ đánh lại. Điều đó chắc chắn là tất cả phụ huynh đều không mong muốn", Minh Hà tâm sự.

Đánh con sẽ hình thành 2 xu hướng không mong muốn với trẻ

TS Nguyễn Thu Hương (Khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho hay, với đứa trẻ, có thể có hàng trăm cách giáo dục hiệu quả mà không sử dụng đến bạo lực. "Các cha mẹ hãy tưởng tượng nhé! Khi chúng ta còn bé mà bị roi vọt, cảm giác của chúng ta thế nào? Liệu có phải ngọn roi khai phá ánh sáng văn minh hay vì sợ roi quá mà buộc lòng phải nghe lời dù đúng hay sai? Liệu có phải là chúng ta cảm thấy yêu cha mẹ hơn khi cha mẹ đánh mình hay là chỉ có cảm giác vô cùng tức tối và sợ hãi", TS Hương bày tỏ.

Chính vì bị đánh bằng roi vọt nhiều dẫn đến mỗi khi các bé gặp sự cố trong cuộc sống sẽ không dám nói chuyện với bố mẹ. Khi bé không tâm sự được những suy nghĩ trong lòng thì đứa trẻ sẽ mất đi một chỗ dựa tinh thần vô cùng lớn. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng bị kéo dãn ra. Thậm chí, đứa trẻ nghe theo bạn bè nhiều hơn cha mẹ, lúc đó chắc chắc ai cũng sẽ hiểu nguy cơ con có thể gặp phải như sa ngã vào những con đường vi phạm pháp luật.

TS Vũ Thu Hương cho rằng: "Với đứa trẻ, có thể có hàng trăm cách giáo dục trẻ hiệu quả mà không sử dụng đến bạo lực".

Trong quá trình tham vấn cho nhiều phụ huynh, TS Vũ Thu Hương còn nhớ một trường hợp bà mẹ khóc lóc vì con không nghe lời. "Nhưng khi hỏi han đứa trẻ là con của bà mẹ đó, cậu bé đã bật khóc và nói rằng: 'Cháu không bao giờ có thể nói chuyện được với mẹ, vì mẹ luôn trách mắng và đánh cháu. Cháu cần một người mẹ chứ không phải là một bà chủ'. Tôi tin chắc chắn rằng khi các phụ huynh nghe thấy lời tâm sự của cháu bé sẽ giật mình. Đám trẻ hiểu những lo âu của chúng ta được biểu hiện bằng roi vọt không phải là sự quan tâm mà chỉ là áp đặt và sai khiến", TS Hương kể.

Nhiều cha mẹ luôn có suy nghĩ: "Lớn lên con sẽ hiểu". Tuy nhiên, để chờ con lớn cũng phải trải qua 20 năm trưởng thành. Liệu trong 20 năm đó, con có đủ kiên nhẫn để chờ cho đến khi hiểu ra? Trong 20 năm ấy, có lúc nào con cảm thấy cô đơn và hoang mang thật sự khi khoảng cách cha mẹ và con cái quá lớn. Đó là điều mà các bậc phụ huynh sẽ gặp phải nếu như không thực sự trở thành bạn bè của con.

Hơn nữa, bạo lực sẽ không những không có lợi mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Một đứa trẻ bị bạo hành khi còn nhỏ sẽ có xu hướng phát triển theo hai hướng. Bé có xu hướng bạo lực như mỗi khi bé không giải quyết được những ức chế cá nhân, có thể đập phá hoặc bạo hành ai đó hoặc bé có xu hướng thu mình lại, dễ dàng bị ức chế bởi những khó khăn trong cuộc sống và tự làm cho mình đau đớn.

Theo TS Vũ Thu Hương, để giáo dục trẻ theo khoa học, các phụ huynh cần ngồi hồi tưởng lại thời thơ ấu của chính mình. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng cần đặt mình ở trong địa vị của mỗi đứa trẻ trong từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

"Tuy nhiên, các cha mẹ cũng cần giữ vững lập trường và kiên quyết: Nói là làm. Những lời dọa nạt mà không thực hiện sẽ khiến tụi trẻ nghĩ rằng cha mẹ sợ không dám làm. Còn nếu cha mẹ thực hiện dù chỉ 2, 3 lần lời mà mình đã cảnh báo, đứa trẻ sẽ hiểu và dần dần sẽ giữ mình ở trong khả năng chịu đựng của cha mẹ (để không bị phạt). Đứa trẻ là con người, tức là một sinh vật sống trên trái đất. Mọi quyết định của cha mẹ cũng nên tuân theo quy luật của sinh vật, như vậy mọi việc sẽ dễ dàng và phù hợp", TS Hương nhấn mạnh.

>>> Chuyện của Hào Anh hôm qua và hôm nay: Click đọc chi tiết

Trần Thành Công
logo smaill


Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 tư thế yoga biến chân to như chân voi thành thon dài như đôi đũa