Kỳ lạ ngôi mộ chỉ thờ một giọt máu, hàng trăm năm nay vẫn được bà con thay nhau chăm sóc

Trung Hiếu 2017-02-17 15:00
- Ngôi mộ vô danh, không hài cốt, chỉ được dựng lên để thờ một giọt máu còn sót lại của một nghĩa quân bị thương trong chiến tranh. Hàng trăm năm qua, người dân vẫn thay nhau hương khói, thờ phụng rất chu đáo.

Ngôi mộ độc đáo chỉ thờ một giọt máu

Ngôi mộ nằm sát bên đường quốc lộ 1A, bên khu chợ nhỏ thuộc địa phận xóm 13, xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Chẳng ai biết ngôi mộ là của ai, người ở đâu, chức sắc gì. Chỉ biết đó là một người lính đánh trận trong thời kỳ chống thực dân Pháp bị đánh trọng thương. Khi chạy đến đó thì rơi vài giọt máu. Chứng kiến cảnh đó, người dân thương xót lập nên ngôi mộ này ngay tại nơi giọt máu đã rơi xuống. Chẳng ai biết tên ông là gì, chỉ biết ông đi lính nên gọi tên ngôi mộ là mộ Ông Lính.

Lạ lùng ngôi mộ chỉ thờ một giọt máu, hàng trăm năm nay vẫn được bà con thay nhau chăm sóc

Theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Hèo (65 tuổi, nguyên là bí thư xóm 12, xã Quỳnh Thạch) thì ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã nghe các cụ kể về tích của lăng mộ ông Lính. “Mộ ông Lính nằm ngay trên đường quốc lộ 1A. Từ khi có chủ trương giải tỏa mặt bằng để mở rộng đường quốc lộ, ngôi mộ được người dân địa phương dịch chuyển xuống bên đường, nằm ngay trong khu chợ nhỏ của xã Quỳnh Thạch.

Tương truyền, ông Lính đánh giặc bị thương và chạy từ huyện Diễn Châu ra. Chỉ biết chạy ra đến địa bàn xã thì giọt máu từ vết thương rơi xuống. Người dân địa phương thương xót, cảm phục lòng yêu nước của người lính dũng cảm nên đắp lên chỗ giọt máu một nắm đất nhằm đánh lạc hướng sự truy lùng của giặc. Cứ mỗi người đắp một nắm đất, dần dần tạo thành một cái mồ nhỏ”.

Để thể hiện lòng cảm phục, người dân đi qua đây đều mang theo bên mình một hòn đá để trên ngôi mộ. Mộ ông Lính cứ theo đó mà lớn dần lên, nằm chắn ngang đường quốc lộ. Tại thời điểm ấy, đường quốc lộ 1A không được rộng như bây giờ.

Ông Hòe cho biết ngôi mộ thờ một giọt máu của người nghĩa quân còn sót lại

Năm 1976, địa bàn xã Quỳnh Thạch sát nhập vào 3 xã Thạch- Hậu- Hồng- Thanh (tức xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng và Quỳnh Thanh, thuộc huyện Quỳnh Lưu) và gọi chung là xí nghiệp Quỳnh Sơn.

Thời gian ấy, nhằm khắc phục ách tắc giao thông, xí nghiệp Quỳnh Sơn bàn giao cơ quan chức năng sở tại có trách nhiệm giải tỏa ngôi mộ. Ra thông báo, ngăn cấm bà con địa phương không được bỏ đá lên ngôi mộ nữa.

“Khi ấy tôi đang giữ chức vụ công an xã nên phụ trách việc giải tỏa ngôi mộ. Thế nhưng chỉ ba ngày sau, ngôi mộ lại được người dân bồi đầy lại như cũ. Thậm chí, đã nhiều lần cán bộ địa phương cho đào sâu ngôi mộ xuống 20 cm, nhưng dân vẫn bỏ đầy lại. Cứ như thế, công tác giải tỏa ngôi mộ gặp rất nhiều khó khăn. Lâu dần, chính quyền cũng đành bó tay trước lòng kính trọng của người dân đối với người lính tử trận”, ông Hòe cho biết thêm

Tưởng nhớ đến người lính vô danh dũng cảm

Theo cụ Nguyễn Thị Lòn (95 tuổi, ngụ tại xóm 13, xã Quỳnh Thạch, một cao niên của làng), sau khi bị địch bắn trọng thương, người nghĩa quân này lết đến địa phận xã Quỳnh Thạch lánh nạn thì bị bọn Pháp truy lùng.

Người dân phát hiện, đưa ông đến trạm xá. Nhưng vì vết thương quá nặng, không qua khỏi. Thi thể của ông sau đó bị quân Pháp đưa đi mất. Người dân cảm phục, thương xót, lập một ngôi mộ thờ cúng, tưởng nhớ công ơn vị anh hùng vì nước quên thân.

Vì thi thể đã bị giặc Pháp đưa đi nên người dân đã lấy đất đắp lên vết máu vương của ông lính đó khi bị thương bên vệ đường, lập nên ngôi mộ.

Không biết tên tuổi, quê quán vị nghĩa quân này ở đâu nên người dân nơi đây cứ theo nhau gọi tên ngôi mộ là mộ Ông Lính (tức mộ của một người lính - PV).

ngôi mộ

Cụ Nguyễn Thị Lòn (95 tuổi, ngụ tại xóm 13, xã Quỳnh Thạch.

Trải qua bao nhiêu thế hệ, người dân tại địa phương hàng ngày vẫn chăm sóc, hương khói cho ngôi mộ vô danh, không hài cốt này rất cẩn thận. Ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, lư hương trước lăng mộ ông Lính lúc nào cũng đầy ắp, nghi ngút khói nhang.

“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã nghe người ta nhắc đến tích của ngôi mộ này. Tính đến nay cũng gần trăm năm rồi. Chẳng có gì trong ngôi mộ ngoại trừ một giọt máu”, cụ Lòn khẳng định.

Giữa tháng 9/2014, kế hoạch giải tỏa mặt bằng, mở rộng đường quốc lộ 1A nên lăng mộ ông Lính được người dân địa phương dịch chuyển vào vệ đường và xây dựng lại khang trang, lát gạch kiên cố. Phía trên lăng mộ dài khoảng 1m, được đặt đầy đủ những lư hương, bình hoa, mâm quả.

Ông Nguyễn Sỹ Lực (phó chủ tịch xã Quỳnh Thạch) cho biết: “Lăng mộ ông Lính có từ lâu đời, đó là ngôi mộ vô danh, không có hài cốt, nằm sát đường quốc lộ 1A. Tương truyền thì ngôi mộ được cho là thờ phụng một người lính quả cảm đã anh dũng hi sinh vì đất nước. Đã hàng trăm năm nay, thế hệ con cháu tiếp nối vẫn thay nhau hương khói, thờ phụng".

Trung Hiếu

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Nhan sắc 'tứ tiểu hoa đán' thế hệ genz: Quan Hiểu Đồng vẫn là 'quốc dân khuê nữ', Trương Tử Phong được khen là 'Châu Tấn thứ 2'