Hầu hết mọi người đều súc miệng bằng nước muối... sai cách

2016-11-30 13:04
- Việc rửa mũi, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa vi khuẩn tấn công đã được nhiều chuyên gia khuyên dùng và được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, việc dùng nước muối thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.

Hưởng bị ung thư vì chăm súc miệng bằng nước muối sai tỉ lệ

Nếu muốn dùng nước muối cho việc vệ sinh mũi - họng, theo lời khuyên của các bác sĩ,  tốt nhất bạn nên dùng nước muối sinh lý. Trong y học, nước muối sinh lý 0,9% ngoài việc dùng để cung cấp và bổ sung nước cũng như chất điện giải cho cơ thể thì còn có tác dụng sau: Dùng làm thuốc nhỏ/rửa mắt (được sản xuất dành riêng cho mắt), làm thuốc nhỏ/rửa mũi, súc miệng - họng.

Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng "nước muối nào chẳng như nhau, cũng là pha muối với nước mà thôi" nên đã tự pha chế nước muối và dùng ở nhà.

"Việc gì phải mua ở hàng, nước muối nào chẳng thế, cứ pha đúng tỉ lệ là thành nước muối sinh lý thôi, cực dễ", anh Ân (Tân Mai, Hà Nội) lý giải cho thói quen vẫn pha nước muối để súc miệng hàng ngày của mình.

Đúng tỉ lệ ở đây theo lời anh Ân nói tức là cứ 1 lít nước pha với 9 gam muối sạch là đã được một lượng nước muối sinh lý dùng hàng ngày. Mặc dù biết rõ tỉ lệ chuẩn là như vậy, nhưng không ít người hoặc là lười cân, đo nên cứ áng chừng lượng muối và nước để pha với nhau, ví dụ 1 thìa cà phê muối pha với một cốc khoảng 300ml nước. Hoặc cũng có người cho rằng nước muối nồng độ càng cao thì sát khuẩn càng tốt nên pha rất mặn.

Bà Vũ Thị Hoà trú tại Hà Đông, Hà Nội cho biết hầu như ngày nào bà cũng súc miệng bằng nước muối để sạch miệng và phòng các bệnh về mũi họng. Bà tự hoà nước muối ra dùng với nồng độ muối cao vì nghĩ càng mặn vi khuẩn càng chết. Tuy nhiên, gần đây bỗng thấy họng sưng đỏ, bà súc miệng như mọi khi, ngậm muối hạt nhưng tình trạng không đỡ, thậm chí còn trầy loét to hơn sinh ra đau họng.

Bà Hoà đi nội soi mũi họng, bác sĩ chẩn đoán viêm loét họng và xét nghiệm sinh thiết vì nghi ngờ vết loét có thể gây ung thư. Sau 1 tuần sinh thiết, rất may kết quả chỉ là viêm bình thường.

Khi bà Hoà kể về thói quen ngậm muối của mình đã khiến bác sĩ vô cùng ngạc nhiên vì đây vốn là thói quen phổ biến nhưng rất nguy hiểm.

Súc miệng bằng nước muối: Không dễ như bạn tưởng

Không chỉ riêng bà Hoà mà rất nhiều người đều nghĩ súc miệng bằng nước muối thật mặn, ngậm muối biển hạt to để trị viêm họng là tốt.

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ truyền nhiễm Nguyễn Danh Đức cho biết, hàng ngày anh gặp rất nhiều bệnh nhân bị những bệnh liên quan đến mũi họng nhất là vào dịp thời tiết đổi mùa như hiện nay.

Có không ít bệnh nhân giữ thói quen ngậm muối, súc miệng nước muối tự pha thật mặn vì nghĩ càng mặn càng có tác dụng tốt.

Thạc sĩ Đức cho rằng đây là cách làm thực sự nguy hiểm, bởi vì muối mặn tích tụ làm thừa muối cho cơ thể, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, hạn chế hấp thụ canxi.

Bên cạnh đó, tác hại ngay trước mắt chính là khi muối mặn vào miệng, họng sẽ bị tổn thương, trợt loét các tế bào niêm mạc họng, gây viêm họng, gặp vi khuẩn sẽ dễ dàng sinh ra nhiễm khuẩn.

Thạc sĩ Đức cho biết, thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tấn công đường hô hấp. Nhiều người có cảm giác ngứa họng hay khậm khạc, đằng hắng, khám tại chỗ thấy thành bên họng hơi đỏ, rát.

Việc rửa mũi, súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý giúp ngăn ngừa vi khuẩn tấn công đã được nhiều chuyên gia khuyên dùng và được nhiều người áp dụng.

Tuy nhiên, việc dùng nước muối thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.

Dễ pha nước muối không có nghĩa là an toàn

Thông tin trên Trí thức trẻ, súc rửa mũi bằng nước muối để làm thông xoang và phòng bệnh mũi xoang là một phương pháp rất phổ biến ở nhiều nước Nam Á. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2012, Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ đã cảnh báo không nên sử dụng phương pháp súc rửa mũi này bởi trong nước muối có thể chứa Naegleria fowleri (vi khuẩn được coi là "amip ăn não người") và các loại vi khuẩn khác.

Jonathan Yoder, một nhà dịch tễ học làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, 2 bệnh nhân tử vong ở Louisiana là những trường hợp đầu tiên nhiễm Naegleria fowleri từ hệ thống nước máy sinh hoạt gia đình được cung cấp bởi nhà máy nước trực thuộc trung ương.

súc miệng bằng nước muối

Tối ngày 30/7/2012, anh Hữu (25 tuổi, Bình Thạnh, TP HCM) được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị do nghi ngờ bệnh nhân đã nhiễm một loại amip chưa thể xác định cụ thể. Đến hôm sau, bệnh nhân nhiều lần bị ngưng tim đột ngột và tử vong.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân chết do “amip ăn não người” tấn công. Đây là trường hợp đầu tiên được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phát hiện bị nhiễm “amip ăn não người”.
“Amip ăn não người” là loài vi sinh vật đơn bào đáng sợ, có tên khoa học là Naegleria fowleri. Nó có khả năng biến hình linh hoạt nên rất khó bị tiêu diệt và thường phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… vào mùa hè; thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn.
Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não. Sau đó nó sẽ bắt đầu nhân lên rồi ăn các tế bào não và giết vật chủ chỉ trong vài ngày.
Một điều nguy hiểm là vi khuẩn này có thể tồn tại trong nước muối sinh lý dùng để rửa mũi hay súc miệng.
Nhưng tại sao việc tự ý pha nước muối bằng nước sinh hoạt của gia đình cũng nguy hiểm đến như vậy? Bởi vì, nghiên cứu của CDC cho thấy chỉ cần một lần Naegleria fowleri xâm nhập vào hệ thống ống nước thì nó có thể tồn tại lâu dài ở đó. Ngay cả khi cho muối vào nước cũng không chắc chắn loại bỏ hết vi khuẩn này nên đương nhiên, nước muối vừa pha cũng có thể đã chứa "amip ăn não".
Ngoài mối nguy hiểm từ "amip ăn não người", việc tự ý pha nước muối để nhỏ mắt, súc miệng, rửa mũi cũng không được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích.

Các bác sĩ cho rằng nếu dùng nước muối quá đặc (mặn) để súc miệng - họng sẽ rất dễ gây tổn thương các tế bào ở miệng - họng. Nồng độ nước muối không phù hợp có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, giảm khả năng tự miễn dịch của mũi.

Hơn nữa, nếu mũi hoàn toàn trong trạng thái bình thường, bạn không nên sử dụng nước muối để rửa mũi, họng thường xuyên vì nó sẽ vô tình làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi, họng vốn có, giảm chức năng bảo vệ của lớp thảm này.

Do đó, mũi lại càng dễ bị viêm và tổn thương niêm mạc hơn. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý một lần mỗi tuần, đặc biệt là khi làm việc hoặc đi lại ở những vùng nhiều bụi bặm.

Lưu ý cần thiết khi sử dụng nước muối bạn cần biết

Không ngậm trực tiếp muối hạt trong miệng

Súc miệng bằng nước muối nồng độ cao hay ngậm trực tiếp muối hạt trong miệng sẽ làm tổn thương tế bào niêm mạc họng, về lâu dài còn gây thừa muối trong cơ thể.

Để súc miệng nước muối, bạn chỉ nên dùng lượng muối nhỏ pha loãng vào nước để súc miệng.

Cách pha nước muối sinh lý:

Nước muối mặn quá hay nhạt quá đều không tốt cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, nước muối sinh lý 0,9% (với nồng độ 0.9 % -9g muối trên 1000ml nước) là phù hợp nhất với cơ thể người.

Để có nước muối sinh lý đạt chuẩn, bạn có thể mua ở bất kỳ các hiệu thuốc nào trên toàn quốc. Nếu muốn dùng nước muối tự pha, bạn có thể áp dụng cách pha với tỷ lệ như sau: 1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9 gam muối để có nồng độ 0,9%.

Đừng quên súc miệng trước khi súc họng

Để làm sạch họng, trước tiên cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối trong khoảng 30 giây để loại bỏ vi khuẩn ở miệng. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới nên súc họng.

Khi súc họng nên ngửa cổ ra sau. Khi nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu "khò khò" đều đặn. Nên nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3-4 lần với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.

Đối với người bị viêm họng, nên cứ 3 giờ súc họng một lần, hoặc khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này.

Đừng quên súc miệng lại bằng nước lọc

Sau khi súc miệng, họng xong bằng nước muối loãng thì nên súc miệng lại bằng nước lọc. Nhiều người vẫn nghĩ sau khi dùng nước muối phải giữ nguyên, không được súc lại bằng nước lọc thì mới có hiệu quả. Nhưng lời khuyên ở đây là bạn nên tráng miệng lại với nước sạch để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong ra lúc súc miệng bằng nước muối.

An Yên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 cách buộc tóc đuôi ngựa đơn giản mà cực nữ tính nàng không thử thì quá phí