Chè sắn nóng 20 năm trên phố Lý Quốc Sư
Tin liên quan
Người Hà Nội yêu chè, dù là với tiết trời nào, món chè vẫn luôn được mọi người ưa thích mà lựa chọn như một món quà vặt không thể thiếu. Mùa nóng có chè lạnh, mùa lạnh có chè nóng. Nhắc đến những món chè nóng quen thuộc mỗi độ đông về, ngoài chè khoai, chè đỗ, chè trôi nước, phải kể đến món chè sắn dân dã.
Mùa sắn miền Bắc bắt đầu từ khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Những củ sắn thân chắc mập, ăn bở tơi, là nguyên liệu để làm ra rất nhiều món ăn ngon như bánh sắn nướng, xôi sắn dừa tươi..vv.. Trong đó, chè sắn nóng vẫn là món quà khiến người ta phải luyến lưu mỗi khi gió đông lạnh về.
Đi tìm hàng chè sắn ngon ở Hà Nội không dễ dàng chút nào. Những gánh hàng chè sắn thi thoảng xuất hiện ở 1 góc nhỏ của vỉa hè nào đó hay nằm giản dị trong những khu tập thể hoặc con ngõ thưa người. Giữa những du nhập, biến tấu của rất nhiều món chè mới, chè sắn truyền thống không vì thế mà mất đi giá trị của mình. Vì thương mến và ngon miệng đến lạ lùng, người ta vẫn thường hay nhắc nhau: “Trời lạnh rồi thèm bát chè sắn nóng quá đi thôi!”
Quán chè sắn bà Loan nằm ngay đầu con ngõ nhỏ ở phố Lý Quốc Sư đã trở nên quen thuộc với những ai “sành ăn” chè sắn ở thủ đô. Phải nói là “sành ăn” là bởi vì, chè sắn của bà Loan là một trong những quán chè sắn giữ nguyên được phong vị truyền thống hiếm hoi ở đất Hà Thành.
Chè sắn bà Loan được bán cùng với cháo trai, cháo sườn, trứng vịt lộn.
Không cầu kì, thêm thắt nhiều, chỉ vỏn vẹn 4 thứ nguyên liệu sắn, bột đao, gừng, đường hoa mai, ấy vậy mà quán chè nơi đây cũng “mê hoặc” người ta những gần 20 năm nay.
Nồi chè luôn được giữ ấm bằng việc bọc quanh rất nhiều lớp vải bông dày.
Kể về quán chè sắn của mình, bà Loan nay đã gần 70 tuổi vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ tiếp phóng viên chúng tôi: “Nhiều người đưa tôi lên hẳn truyền hình vì món chè sắn. Lúc ấy mới biết, hóa ra món chè sắn của mình cũng nổi tiếng, thế là vui, cứ trời đông lạnh là lại nấu chè sắn phục vụ nhân dân.”
Bà Loan đã ở tuổi xế chiều vẫn rất nhanh nhẹn và tự tay nấu chè suốt nhiều năm qua.
Chè sắn ở đây thoạt nhìn thì không mấy hấp dẫn, chỉ đơn giản là miếng sắn với thứ nước chè đặc sệt màu nâu cánh gián, lưa thưa vài sợi gừng tươi. Nhiều nơi có thể trang trí thêm nước cốt dừa hay dừa tươi, nhưng quán chè sắn bà Loan nhất quyết giữ nguyên phong vị chè truyền thống.
Cảm giác đầu tiên khi nếm thử món chè sắn ở đây thực sự là một trải nghiệm ẩm thực thú vị đối với những ai chưa từng có cơ hội. Miếng sắn bở tơi, thơm dậy mùi gừng, ăn đến đâu ấm bụng đến đấy. Điểm cộng lớn nhất đó chính là thứ đường hoa mai dùng để nấu chè, giúp món chè nơi đây không quá ngọt, vị rất thanh, ăn hoài không chán. “Có những người từ xa đến, ăn liền một mạch 3-4 bát chè sắn của tôi mới bõ công đi về” – Bà Loan vui vẻ kể.
Khi được hỏi về bí quyết nấu chè, bà Loan cũng không ngần ngại chỉ tận tình: “Có gì nhiều nhặn đâu, sắn chọn củ chắc mập, về sơ chế sạch rồi cắt vuông hình bao diêm. Đặt nồi nước lên bếp, cho đường hoa mai và bột đao vào, khi sôi thì thả sắn vào đun cùng với lửa nhỏ. Khi nồi sắn chín thì thả vào vài sợi gừng tươi là xong rồi.”
Có lẽ chính vì món chè giản dị và nụ cười thân thiện lúc nào cũng nở trên môi nên quán chè sắn bà Loan được mọi người yêu mến và kháo nhau đến ăn đông như vậy.
Con ngõ nhỏ hút gió với những chiếc ghế nhựa xanh đỏ đã cũ màu, người Hà Nội quây quần bên nhau thưởng thức chè sắn bà Loan suốt bao mùa đông giá rét, kể nhau nghe những câu chuyện về Hà Nội xưa cũ, và cũng để thấy yêu hơn ẩm thực độc đáo của quê hương mình.
Bạch Dương
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất