Cho con ăn dặm, mẹ điếng người khi con nôn ra dị vật

Quỳnh Anh 2016-12-12 15:41
- Bé bị hóc, sặc thức ăn khi mới tập ăn dặm là nỗi lo sợ của hầu hết các mẹ khi bắt đầu hành trình tập ăn cho con. Tuy nhiên, những tai nạn này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mẹ chú ý, cẩn trọng.

Điếng người khi con nôn ra miếng sắt... cọ rửa xoong nồi

Hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn dặm được các mẹ áp dụng cho con mình. Nhưng dù là phương pháp ăn dặm nào, thì an toàn của trẻ vẫn được đặt lên hàng đầu. Chỉ một chút sơ ý của người lớn, rất có thể, con trẻ sẽ phải trả giá đắt.

Có con 7 tháng tuổi, chị Lê Minh Hoa (Ba Đình – Hà Nội) vẫn còn chưa hết đau tim khi nhớ về “sự cố” lúc bé ăn dặm. Do bé khá hợp tác nên gần 1 tháng đầu tiên làm quen với cháo, con chị không gặp bất cứ khó khăn gì.

ăn dặm

Mẹ cần hết sức cẩn thận khi cho bé tập ăn dặm để tránh những rủi ro ngoài ý muốn. (Ảnh: Quỳnh Anh)

“Bình thường, mình thường cho con ăn bữa nào thì chế biến thức ăn tươi bữa ấy. Các loại rau – thịt… đều được xay nhuyễn, rây mịn cho con nên khá tự tin là an toàn cho bé. Hôm ấy, mình cho bé ăn cháo thịt – rau dền, con ăn gần hết bát thì nhợn ói, mình nghĩ là con đã no, muốn dừng ăn nên cũng thôi, vẫn đang ôm con trên tay chuẩn bị lau miệng cho bé. Đột nhiên con ho nhiều và nôn thốc nôn tháo, trong khi mình còn hoảng hồn chưa biết xử trí thế nào thì phát hiện một sợi sắt mảnh của miếng cọ xoong nồi … được con nôn ra cùng với cháo. Cũng quá may mắn sau khi con nôn hết ra thì bé tươi tỉnh và dần ổn định, trở lại sau khoảng 10 phút” – chị Hoa kể.

Kiểm lại quá trình chế biến cháo cho con, chị Hoa mới giật mình, có lẽ chị đã sơ xuất không kiểm tra kĩ chiếc nồi nấu cháo của con, để sót một mảnh sắt từ chiếc cọ xoong mà không hay biết. Khi nấu cháo, mảnh sắt lẫn vào thức ăn của con và vô tình chị không phát hiện ra.

Chị Nguyễn Thị Hằng (Cầu Giấy – Hà Nội) thì chia sẻ, chị cảm thấy rất căng thẳng mỗi lần cho con ăn vì bé ăn ít, ăn rất chậm, và có đặc điểm là dù đã no nhưng nếu mẹ đút thì bé vẫn há miệng đón. Vì vậy, nhiều lần bé đã nôn ói hết toàn bộ cả bữa ăn chỉ vì mẹ lỡ bón thêm chỉ một thìa cháo nhỏ.

“Đang bình thường, chỉ vừa nuốt thìa cháo là bé đã ọe ra và cứ thế nôn ra hết, có lúc sặc sụa cả mũi, miệng khiến mình hoảng sợ. Chính vì vậy mình rất lo lắng khi cho con ăn” – chị Hằng chia sẻ.

Phòng tránh tai nạn hóc – sặc cho bé

Vậy làm như thế nào để giúp bé ăn cháo an toàn, và mẹ giải tỏa được tâm lý lo sợ?

Thực tế, nhiều mẹ thường chỉ tập trung bé có ăn ngon hay không, ăn được nhiều hay đôi khi lơ là chuyện đảm bảo an toàn cho bé, hoặc tạo sự hứng thú dài lâu cho con khi ăn. Vì vậy, lời khuyên chung cho tất cả các mẹ, không gì khác là luôn phải cẩn trọng.

Chị Lê Minh cho biết, kể từ sau lần con “nôn” ra dị vật, chị đã rút kinh nghiệm sâu sắc khi nấu và cho con ăn.

“Trước khi nấu nướng, mình luôn phải kiểm tra thật kĩ lưỡng các dụng cụ chế biến cho bé, đảm bảo sạch sẽ. Khi cho con ăn, mình luôn cố gắng quan sát kĩ nét phản ứng của con, cũng như để ý nhìn thìa cháo đút cho con để xem có phát hiện điều gì bất thường không. Không vì thấy con ăn hợp tác mà chủ quan” – người mẹ nói.

Bên cạnh những lời khuyên trên, các mẹ khi cho bé ăn cũng không nên nôn nóng, đút cho bé ăn từng chút một nhưng với nhịp độ đều đặn vừa phải, nhằm tạo cho bé sự hứng thú khi ăn. Nếu con ngậm không nuốt hoặc có thái độ từ chối, không nên ép con mà nên dừng lại.

Đặc biệt với các bé hiếu động, cần tránh cho trẻ không vừa ăn vừa chơi, đùa nghịch, chạy nhảy hoặc vận động mạnh. Không nên cho bé ăn trong các tư thế ngả ngốn, tư thế nằm…

Khi bé nôn, ói, cần bình tĩnh xử lý hoặc sơ cứu, tuyệt đối không được đánh lạc hướng hoặc làm bé thêm hoảng sợ.

Theo các bác sĩ, khi trẻ có biểu hiện ho sặc, nôn ọe, người chăm sóc cần bình tĩnh bế trẻ lên, đặt bé nằm sấp đầu thấp trên cánh tay vỗ vào lưng để trẻ nôn ra.  Cũng có thể cho bé ngồi hướng người về phía trước, vỗ lưng giúp trẻ nôn.

Xử lý khi trẻ sặc, hóc

Trường hợp trẻ bị sặc nặng, có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, khóc nghẹn, cò cử... cần hết sức bình tĩnh xử trí theo các bước sau:

- Làm thông thoáng đường thở bằng cách móc bỏ thức ăn và dị vật trong miệng, hút sạch mũi, đờm dãi.

- Giúp trẻ tống dị vật trong đường hô hấp ra bằng cách: đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay bạn, đầu chúc xuống thấp hơn ngực, lòng bàn tay đỡ lấy cằm trẻ (nếu trẻ nặng quá thì đặt tay đỡ trẻ lên đùi người cấp cứu).

- Dùng cườm tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ (giữa 2 xương bả vai) 4-5 lần liên tiếp, tốt nhất là vỗ nhanh khi trẻ thở ra để phối hợp đẩy dị vật ra.

- Cũng có thể đặt trẻ nằm ngửa, đầu thấp sau đó dùng tay còn lại để ấn ngực (vùng xương ức, giữa hai núm vú).

Khi dị vật đã bật ra, trẻ sẽ hồng hào trở lại, khóc to và khi đó, người cấp cứu nên kiểm tra lấy bỏ dị vật đã được tống ra miệng.

Quỳnh Anh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 cung Hoàng đạo có trái tim chân thành và ấm áp nhất