Khi thời trang cũng tiên phong cho các phong trào dấn thân

Eve Nguyễn 2015-04-27 00:54
- (Emdep.vn) - Cũng như phim ảnh, văn học hay âm nhạc, giới thời trang cũng thường xuyên là một bức tranh phản chiếu các vấn đề xã hội.
Kể cả những người thuộc dạng “thanh niên nghiêm túc” nhất cũng không còn có thể tùy tiện phán xét rằng thời trang chỉ là một ngành công nghiệp nghệ thuật phù phiếm. Cũng như phim ảnh, văn học hay âm nhạc, giới thời trang cũng thường xuyên là một bức tranh phản chiếu các vấn đề xã hội. Thời trang và sự dấn thân, tưởng chừng đường ai nấy đi, hoàn toàn xa lạ với nhau, nhưng cũng có lúc hai thế giới này có những mối liên kết chặt chẽ tới bất ngờ. Các nhà thiết kế và các siêu mẫu cũng có lúc trở thành những nhà hoạt động chính trị, kêu gọi hòa bình và tự do, lòng nhân ái, tính nhân văn nhiệt tình theo cách riêng của họ. 
Bộ sưu tập váy cho nam giới của Jean Paul Gaultier
Jean Paul Gaultier mặc một chiếc chân váy kẻ ca rô hồi năm 1990
Năm 1984, tại buổi biểu diễn “Và Chúa đã tạo ra Đàn ông” tại Paris, nhà thiết kế (NTK) Jean Paul Gaultier đã gây sửng sốt khi để các người mẫu nam mặc váy bước xuống sàn diễn. Lúc đó, ngay tại chính khán phòng cũng đã có hai làn sóng phản ứng trái ngược. Rất nhiều biên tập viên thời trang của các tạp chí nổi tiếng đã bỏ về, trong khi đó NTK người Pháp Daniel Hechter lại hào hứng nhận xét rằng đây là sự kiện “quan trọng nhất của giới thời trang trong suốt 20 năm qua!”. Các nam người mẫu chủ yếu được mặc chân váy kẻ ca rô, đi giày thể thao đế cao, hoặc mặc chân váy quấn (sà rông) và mặc áo ba lỗ. Bản thân NTK Gaultier khẳng định rằng ông hoàn toàn không có ý khiêu khích hay trêu đùa, mà BTS này là được lấy cảm hứng từ các loại trang phục truyền thống trên thế giới, như váy nam giới của người Scotland, bộ hakama của các võ sĩ đạo Nhật Bản hay những chiếc tạp dề dài của các chàng bồi bàn ở Paris. Tuy nhiên, chính bước đi này của Jean Paul Gaultier đã mở ra bước đi tiên phong cho các NTK khác mạnh dạn đưa các thiết kế váy vào các BST dành cho nam giới như Walter Van Beirendonc, Vivienne Westwood và Comme des Garcons. 
Alexander McQueen tôn vinh các người mẫu khuyết tật
Bìa tạp chí Dazed ấn bản đặc biệt năm 1998 do Alexander McQueen làm Biên tập viên khách mời
NTK quá cố Alexander McQueen là người đã tạo ra đột phá này trong năm 1998 khi giới thiệu rất nhiều gương mặt người mẫu khuyết tật. Bản thân Alexander McQueen vốn là một người luôn ưa sử dụng những người mẫu có ngoại hình đa dạng, vượt lên những tiêu chuẩn thông thường của giới người mẫu. Khi được mời làm Biên tập viên khách mời cho ấn bản đặc biệt của tạp chí Dazed năm đó, ông đã hợp tác với nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đồng thời đặt hàng các NTK khác nhau để may các trang phục đặc biệt cho các người mẫu khuyết tật. Ấn bản tạp chí đặc biệt có tên “Fashion – Able” đã được giới chuyên môn nhận xét là “đã chứng minh rằng cái đẹp có thể được tìm thấy từ chính sự khác biệt”
Những hình ảnh trong ấn bản tạp chí đặc biệt năm 1998
 
Người mẫu khỏa thân để nói không với thời trang lông thú
“Khỏa thân để bảo vệ động vật” - câu nói tưởng như đùa này thực chất là một chiến dịch gây tiếng vang lớn của tổ chức PETA vào năm 1994. Trước đó, các nhóm bảo vệ động vật thường có những hoạt động khá cực đoan khi thường xuyên tổ chức ném sơn màu và máu giả vào những người mặc áo khoác lông thú, càng gây ra rối loạn và gây phản cảm, không đạt được hiệu quả tốt về việc truyền thông. Chiến dịch của PETA đã tạo ra một hình ảnh hiệu quả hơn khi nhờ đến sự xuất hiện của những siêu mẫu nổi tiếng thời đó, như Cindy Crawford hay Naomi Campbell – những người được coi là biểu tượng xu hướng, với câu khẩu hiệu “Chúng tôi thà khỏa thân còn hơn mặc lông thú”. Đến nay, đây vẫn được coi là chiến dịch thành công nhất của PETA nói riêng và các tổ chức bảo vệ động vật nói chung. 
 
Cuộc tuần hành của Chanel trong Tuần lễ Thời trang Xuân Hè 2015
“Phù thủy thời trang” Karl Lagerfeld đã khiến cả giới thời trang sững sờ khi tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi bình đẳng giới ngay tại show diễn của Chanel mùa Xuân Hè 2015. Người “cầm đầu” cuộc biểu tình là siêu mẫu nổi loạn Cara Delevingne, tay cầm một chiếc loa, dẫn theo đoàn người mẫu bước đi tự do trên Đại lộ Chanel, tay cầm biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu như “Bảo vệ phụ nữ mà vẫn rất nữ tính”, hay “Ưu tiên nữ giới” v.v... Đây được coi là buổi biểu diễn mang đậm dấu ấn chính trị nhất trong giới thời trang. Dù sau đó, buổi diễn này được chỉ trích là “trò gây shock”, nhưng Karl Lagerfeld đã cho rằng đây là sự kiện “mang tính thời sự”, và còn nhấn mạnh rằng ông “thích ý tưởng về việc đấu tranh cho quyền lợi của nữ giới cũng có thể rất dịu dàng chứ không nhất thiết phải hùng hổ ghê gớm”. Buổi biểu diễn này càng củng cố thêm thành tích đấu tranh vì quyền độc lập của phụ nữ mà thương hiệu Chanel đã gây dựng suốt từ những ngày mới thành lập, kể từ khi Coco Chanel đã tiên phong cải tiến cách ăn mặc thuận tiện, thoải mái hơn cho phụ nữ sau Thế Chiến thứ nhất. 
 
Người mẫu nam hoàn toàn không mặc quần trong buổi diễn của Rick Owens
Buổi biểu diễn BST Thu Đông 2015 của Rick Owens được coi là một trong những buổi diễn khiêu khích nhất trong lịch sử thời trang, khi các nam người mẫu chỉ mặc áo dáng dài, và không mặc quần, kể cả nội y. Tuy nhiên, ý kiến về kiểu bán khỏa thân này vẫn còn khá gây tranh cãi, nhiều người bênh vực cho Rick Owens và nói rằng họ thực sự không chú ý đến bộ phận nhạy cảm của các người mẫu nam, chỉ khi có người khác nói cho thì họ mới để ý. Bản thân NTK Rick Owens khẳng định rằng: “Khỏa thân là một trong những hành động nguyên sơ nhất của loài người. Bây giờ thế giới đã bình đẳng và thẳng thắn hơn. Đây là một thông điệp về sự tự do và độc lập”. 
 
Những biểu tượng chống khủng bố của Walter Van Beirendonck
Tuần lễ Thời trang Paris Thu Đông 2015 diễn ra ngay sau những ngày tháng buồn của vụ xả súng tại tòa soạn áo Charlie Hebdo. Ngay trong khuôn khổ sự kiện này, NTK Walter Van Beirendonck đã lập tức thể hiện phản ứng của mình đối với chủ nghĩa khủng bố. Các người mẫu xuất hiện trong buổi diễn mặc những trang phục có những khẩu hiệu tuyên chiến trực tiếp với những kẻ khủng bố mộ đạo như “Hãy chấm dứt việc khủng bố thế giới của chúng tôi!”, đồng thời ca ngợi sự đa dạng trong nét đẹp tự do khắp thế giới như kiểu vẽ mắt của người Ai Cập, hay sử dụng biểu tượng chim đại bàng (đại diện cho sự phản kháng, kháng chiến), cùng những biểu ngữ như “Cảnh báo: Đẹp không khoan nhượng”, “Yêu cầu được đẹp” v.v...
Eve Nguyễn
Ảnh: Instyle, People
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 con giáp có tấm lòng lương thiện đáng trân trọng nhất