Bé 7 tuổi đã dậy thì, mẹ con 'gồng mình' tìm cách đối phó giữa nỗi lo bủa vây

2017-04-04 10:30
- 7 tuổi là khi các bạn đang vui chơi, chạy nhảy thì có những em bé đã phải làm quen với những chiếc băng vệ sinh. Điều đáng nói là nhiều khi chính các em không biết dùng nó để làm gì?

Nỗi sợ mang tên “dậy thì sớm”

Trong những năm gần đây, câu chuyện trẻ dậy thì sớm luôn thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hàng năm khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp nhận hàng chục trường hợp bệnh nhi tới điều trị do dậy thì sớm. Hiện tại, khoa Nhi đang điều trị cho hai trường hợp trẻ nhỏ bị dậy thì sớm.

Có con đang điều trị dậy thì sớm ở khoa Nhi - bệnh viện Bạch Mai, chị Nguyễn Lan H. vẫn còn ám ảnh mãi ngày đầu tiên con có kinh nguyệt. Khi đó, bé Hà Phương L. (7 tuổi), bắt đầu bước vào lớp 2.

Chị H. chia sẻ: “Con tôi hoạt bát, nhanh nhẹn, đi học về thường hay kể chuyện, hát hò cho cả nhà nghe. Ngày hôm đó, con đi học về nhưng thấy bé ít nói và có vẻ hoảng sợ. Tôi nghĩ con bị ốm nhưng sờ trán không thấy sốt. Rồi con òa khóc bảo chân con không biết vì sao lại bị chảy máu. Tôi nghĩ con ngã nhưng khi kiểm tra sửng sốt thấy con có máu kinh nguyệt. Tôi rất hoang mang, không biết nguyên nhân vì đâu mà con lại có kinh nguyệt sớm vậy”.

Bé L. bắt đầu ít nói, bé rụt rè, e thẹn và thích điệu đà hơn trước. Bé L. bắt đầu không thích chơi búp bê mà thích chơi với những đồ phấn son của mẹ hơn.

dậy thì sớm

Dậy thì sớm ở trẻ nhỏ ngày càng gia tăng khi xã hội phát triển, ảnh minh họa.

“7 tuổi là khi những đứa trẻ đang vui đùa hồn nhiên thì con tôi đã phải làm quen với những chiếc băng vệ sinh. Con lạ lẫm vô cùng, đôi khi hỏi mẹ vì sao con phải dùng thứ này”, chị H. tâm sự.

Tới ngày hành kinh của con, chị H. thường phải xin đón con về nhà để thay băng. Có những lần không về được, chị H. phải nhờ tới cô giáo chủ nhiệm thay băng giúp cháu.

Những nỗi lo bủa vây

Còn chị Dương Thị C. (Hà Nội) tình cờ nhìn thấy những dấu hiệu thay đổi đầu tiên trên cơ thể con khi bé mới 8 tuổi. Chị C. nghĩ đơn giản đó chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường.

Một thời gian sau, khi con gái khóc rấm rứt kêu đau bụng và đau ngực, chị cảm nhận con đang có vấn đề. Chị C. đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán con bị dậy thì sớm. Hàng tháng, chị C. đều phải cùng con tới bệnh viện để tiêm thuốc điều trị và khám theo định kỳ.

Có con bị dậy thì sớm, chị N.H đã rất lo lắng không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai xa của con. Điều mà chị lo sợ nhất chính là nguy cơ con có thể bị kẻ xấu lợi dụng xâm hại mà chưa biết cách bảo vệ. Nguy hiểm nhất khi con đã dậy thì có nghĩa đã có chức năng sinh sản và nảy sinh nhu cầu nếu gần gũi và tiếp xúc với người khác giới.

Một người mẹ khác tâm sự trên mạng xã hội: “Đáng lẽ con được thảnh thơi cả ngày không phải lo lắng, thì giờ đây 3-4 tiếng lại phải vào toilet để “kiểm tra băng đã đầy chưa để thay kẻo tràn”. Đáng lẽ con có thể cao hơn, khỏe mạnh hơn thì lại bị hoocmon sinh dục kích thích làm khóa đầu xương lại, không thể cao hơn được nữa".

Câu chuyện dậy thì sớm cách đây chục năm không phải là mối lo hàng đầu. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, vấn đề này lại trở thành nỗi lo của bất cứ ông bố bà mẹ nào. Nhiều người tự đặt câu hỏi nguyên nhân do đâu ăn uống hay những tác động của bên ngoài... Những câu hỏi đó chưa thể lý giải được.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, dậy thì sớm không chỉ gặp ở trẻ nữ mà còn có thể gặp cả ở trẻ nam. Việc giáo dục cho những cháu bé dậy thì sớm về sức khỏe sinh sản rất quan trọng. Tuy nhiên, không ít phụ huynh chỉ mang những lo lắng mà lại không bình tĩnh để chuẩn bị cho con những hành trang về kiến thức, cách bảo vệ và ứng xử phù hợp nhất khi có những dấu hiệu thay đổi trên cơ thể.

Trong bài viết tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ ra những dấu hiệu, cách điều trị vấn đề dậy thì sớm ở trẻ nhỏ.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Siêu phẩm Cushion Clio Kill Cover Cica Serum dành riêng cho da mụn, nhạy cảm