Bí quyết giúp trẻ tự giác thực hiện các quy tắc trong cuộc sống
Tâm hồn trẻ em như trang giấy trắng, sự giáo dục ngay từ thuở nhỏ của cha mẹ như những nét vẽ đầu tiên vô cùng quan trọng sẽ quyết định sự hình thành bức tranh tâm hồn trẻ. Nếu phụ huynh thường xuyên dùng đòn roi để ép buộc trẻthực hiện các quy tắc sẽ khiến con dễ cảm thấy mặc cảm, xấu hổ hoặc có xu hướng giải quyết vấn để bằng bạo lực.
Điều cơ bản nhất để hình thành tính nguyên tắc cho con là giúp chúng hiểu và tự giác thực hiện các quy tắc trong cuộc sống một cách linh hoạt chứ không phải ép buộc chúng hành động rập khuôn như cái máy. Cha mẹ có thể thực hiện những gợi ý dưới đây giúp trẻ hình thành tính nguyên tắc một cách tự nhiên nhất.
Hình thành tính nguyên tắc càng sớm càng tốt
Khi con bắt đầu có nhận thức, cha mẹ hãy cố gắng làm cho trẻ hiểu những điều được phép và không được phép làm. Việc tạo được mối quan hệ gần gũi tự nhiên giữa cha mẹ và con cái có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao tiếp và giáo dục. Khi cha mẹ thực hiện tốt các quy tắc trong cuộc sống thì trẻ em sẽ lấy đó làm gương và làm theo một cách tự nhiên.
Bắt đầu từ các nguyên tắc đơn giản
Bước đầu, cha mẹ hãy đặt ra các quy ước đơn giản và yêu cầu trẻ thực hiện theo như chỉ được nhận quà từ người khác khi đã được cha mẹ cho phép, phải xin phép cha mẹ trước khi đi đâu, không được nghịch ổ cắm điện,… Tuy nhiên, cha mẹ hãy cố gắng truyền đạt các nguyên tắc này thật dễ hiểu và dễ nhớ với con.
Không đặt ra quá nhiều quy tắc một lúc
Trẻ có thể bị “quá tải” nếu cha mẹ đặt ra quá nhiều quy định cùng một lúc. Trẻ rất khó để nhớ hết ngay toàn bộ những nguyên tắc cha mẹ đặt ra. Hãy kiên nhẫn dạy trẻ cách ứng xử qua các tình huống cụ thể để trẻ nhớ dần dần.
Các quy tắc phải công bằng với tất cả mọi người
Các nguyên tắc phải được áp dụng công bằng đối với trẻ và các thành viên khác trong gia đình, cha mẹ cần cho trẻ thấy rằng mọi người đều phải thực hiện theo đúng quy tắc và không có ngoại lệ. Để có được điều này, các thành viên trong gia đình cần thống nhất về định hướng giáo dục và phương pháp thực hiện sao cho mọi người đều có thể tuân thủ.
Tạo ra sự thống nhất khi thực hiện những nguyên quy tắc
Nếu trẻ phá vỡ nguyên tắc nào đó mà cha mẹ không nhắc nhở thì chúng sẽ dần hình thành ý nghĩ rằng cũng chẳng có vấn đề gì lớn khi làm sai điều đó, cha mẹ đã bỏ qua một lần thì sẽ có ngoại lệ tiếp theo hoặc chúng có thể thuyết phục được cha mẹ không trừng phạt. Như vậy, mọi nỗ lực trong việc xây dựng kỷ cương của cha mẹ sẽ đổ bể.
Các quy tắc cần linh động để phù hợp với sự phát triển của trẻ
Trong quá trình phát triển, trẻ sẽ thay đổi cả về thể chất và tâm lý, vì vậy có những quy tắc không còn phù hợp khi con lớn. Càng phát triển thì trẻ càng có tâm lý muốn được độc lập và tự chủ hơn, khi ấy cha mẹ hãy cùng trẻ xây dựng các nguyên tắc thích hợp với chúng. Trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và không bị áp đặt, đặc biệt chúng sẽ có xu hướng hạn chế phá vỡ các nguyên tắc do chính mình góp phần xây dựng.
Đưa ra các hình phạt có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi
Khi cha mẹ đưa ra các hình phạt có ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ đối với vấn đề đó sẽ khiến chúng ý thức được hậu quả trực tiếp của việc phá vỡ nguyên tắc. Ví dụ, khi cha mẹ quy định trẻ chỉ được xem ti vi từ sau bữa tối đến 19h và phải đi học bài sau đó, nếu con vi phạm và xem quá khung giờ quy định, cha mẹ sẽ phạt không cho chúng xem ti vi trong một tuần tiếp theo.
Lắng nghe ý kiến của con
Các nguyên tắc được đặt ra không phải để cha mẹ thể hiện quyền lực với con cái. Cha mẹ muốn trẻ nghe lời và tự giác thực hiện các quy tắc sống thì con cũng mong muốn cha mẹ công bằng. Hãy tạo cơ hội để con nói ra những ý kiến hoặc các nhìn của riêng chúng. Ví dụ khi bạn nghĩ trẻ làm sai việc gì đó nhưng con lại có lý do riêng, bạn hãy để chúng trình bày ý kiến của mình, rồi sau đó mới phân tích cho con hiểu điều gì đúng và điều gì sai.
Phạm Thúy
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất