Tôi phải làm gì khi sếp "cướp công" của mình

2016-02-27 08:00
- Bao công sức tôi thực hiện dự án giờ sếp vơ thành của mình, tôi thật sự không biết nên làm sao.

Đây là năm thứ hai kể từ ngày tôi vào làm việc ở cơ quan, theo như các chị đồng nghiệp nhận xét, tôi rất hòa đồng, vui vẻ lại  tháo vát, thông minh và nhạy bén trong công việc. Chính vì vậy mà tôi rất được lòng đồng nghiệp và cả sếp nữa. Chỉ qua một năm học việc và thử việc thôi, tôi đã được sếp cất nhắc vào làm cùng sáng kiến kinh nghiệm với chị. Khỏi phải nói, tôi thấy hãnh diện và vui sướng đến nhường nào vì nghĩ công sức và năng lực của mình đã được chị ấy nhìn thấu. Tuy nhiên, khi thấy tôi vào làm cùng sếp ở đề tài mới thì các chị cùng phòng chỉ thở dài ngao ngán, có người thì bảo “Em đã nghĩ kỹ chưa” hoặc “Em phải xác định trước tinh thần nhé”… Chính sự úp mở của các đồng nghiệp khiến tôi một thời gian dài đã nghĩ các chị vì ganh tỵ, khi sếp đang tạo điều kiện, ưu ái cho một đứa gà mờ mới “chân ướt chân ráo” vào cơ quan như tôi. Rồi tôi bỏ ngoài tai những lời cảnh báo ấy để dồn tâm huyết, sức lực, đam mê của mình vào hoàn thiện đề tài với sếp.

Không phải khoa trương, nhưng thực tình trong đề tài này, người triển khai chính là sếp nhưng có một phần đóng góp rất lớn những ý tưởng của tôi, và gần như mọi khâu thực nghiệm, khảo sát đề tài, đến viết báo cáo cũng do tôi thực hiện. Tôi cẩn trọng và có trách nhiệm trong từng việc làm dù là nhỏ nhất nên chị trưởng phòng rất ưng lòng. Ngoài ra, gần như tuần nào chị cũng yêu cầu tôi báo cáo tiến độ công việc bằng văn bản chi tiết dưới dạng bản mềm. Mới đầu tôi thấy mệt mỏi vì việc này, bởi phần lớn thời gian tôi triển khai, thực nghiệm đề tài đã đủ vất vả mệt mỏi rồi, nhưng sau nghĩ lại, tôi nghĩ việc ấy chính là do chị muốn rèn luyện tôi kỷ cương, trách nhiệm với công việc nên tôi cũng vui vẻ thực hiện.

Và suốt 3 tháng thực hiện đề án, tôi chưa khi nào để chị phải phiền lòng. Do đầu tư thời gian, sức lực và quá tập trung vào công việc nên sau khi hoàn thành bước 1 dự án, tôi gầy đi trông thấy nhưng cũng may mắn là đề án của tôi và chị trưởng phòng cũng được hoàn thành đúng kế hoạch. Nhưng suốt thời gian sau, tôi chẳng nhận được thông tin từ chị về đề tài đó cả, tôi đã nghĩ nó bị loại, không được đánh giá cao ở cuộc thi toàn công ty. Rồi dần tôi cũng quên đi việc đó, tập trung vào công việc chính của mình.

Tôi phải làm gì khi sếp 'cướp công' của mình
Ảnh minh họa
Nhưng một thời gian sau, một lần nói chuyện với chị trưởng phòng về việc sáng kiến kinh nghiệm mới. Tôi có hỏi chị về đề án cũ, chị nói, công ty đánh giá đề tài ở mức trung bình, chẳng có chế độ gì khen thưởng cả. Không biết ở tổng có sử dụng sáng kiến ấy không, rồi còn động viên tôi đừng nản chí. Tôi thấy khúc mắc vô cùng vì việc này, chẳng phải tôi đòi hỏi hay gì đó, nhưng tôi nghĩ mình cũng có quyền được biết số phận của đứa con tinh thần của mình chứ. Tôi kết thúc cuộc nói chuyện với sếp mà cảm thấy ấm ức vô cùng. Rồi tôi cũng nói chuyện với các chị cùng phòng về chuyện này, các chị chỉ cười mà nói tôi vẫn còn là "gà công nghiệp" lắm, cứ sống và cống hiến đi, rồi sẽ ngộ ra nhiều điều.

Đầu năm dương lịch vừa rồi, trong lần đi học chuyên đề với anh bạn ở phòng kế hoạch của chi nhánh, tôi mới được biết chính xác thông tin, anh đưa cho tôi xem đầy đủ bằng chứng rằng đề án của chị trưởng phòng tôi đang được thực hiện ở một chi nhánh khác. Đề án được công ty ghi nhận và đạt loại A, được giải ngân và thưởng với số tiền tương đối lớn. Tôi không tin vào tai mình, nhưng khi nhìn thấy tờ giấy nhận tiền của sếp về giải thưởng của đề án có tên như đề án của tôi và chị thực hiện thì tôi mới tin đúng là sự thật. Hơn nữa, đề án ấy, chẳng có tên của tôi mà chỉ có tên sếp.

Tôi thấy hụt hẫng vô cùng, sếp đã lấy tiền thưởng của giải A cho đề án ấy mà vẫn nói với tôi là chỉ ở mức bình thường, đề án đã triển khai mà sếp vẫn nói là chưa biết có được sử dụng hay không. Toàn bộ số tiền thưởng và danh tiếng đã được sếp ẵm gọn mà chẳng chia sẻ với tôi dù là chút ít. Thậm chí tôi còn chẳng được ghi tên vào đề án mà mình đã “lao tâm khổ tứ” bấy lâu.

Tôi phải làm gì khi sếp
Ảnh minh họa

Thật không ngờ, một vị trưởng phòng có tuổi mà tôi vẫn kính trọng, xem như người thân của mình mà bấy lâu nay tôi vẫn mang hàm ơn lại đối xử với nhân viên, với đồng nghiệp của mình như vậy. Tôi đã thầm cảm ơn chị bao lần vì đã  tạo cơ hội cho tôi làm việc, sáng tạo vậy mà chỉ đã bỏ qua những cố gắng của tôi. Qua mặt, xem tôi như là một con ngốc để “hô biến” trí tuệ của tôi thành của chị một cách trơ trẽn như vậy. Có lẽ, nếu tôi không tò mò và không vô tình biết được chuyện này, thì sự thật về đề tài ấy sẽ được chôn vùi mãi mãi. Giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu những ám hiệu mà trước đây đồng nghiệp đã “bắn tin” cho mình, chỉ là tôi ngu ngơ không hiểu.

Mấy hôm nay, tôi thấy ấm ức và thấy bất công vô cùng về chuyện này, cũng chính vì thế mà tôi rất khó chịu mỗi khi nhìn thấy sếp. Nỗi bực dọc, oan ức của tôi chỉ được dấu kín trong lòng mà tôi chẳng dám chia sẻ cùng ai, bởi tôi có thể hình dung ra, sếp tôi là người thế nào nên các chị đồng nghiệp mới không dám nói thẳng với tôi như vậy. Tôi đã nghĩ, không biết mình nên đối diện với sếp như thế nào, vì chị đang có ý rủ tôi góp sức trong sáng kiến kinh nghiệm năm nay. Tôi có nên gật đầu đồng ý tiếp không hay nói thẳng quan điểm của mình và từ chối sếp. Nếu gật đầu, tôi phải làm gì cho lịch sử không lặp lại còn nếu từ chối, liệu tôi có đủ lý do để thoát khỏi sự ác cảm của sếp không?

La La

Mời độc giả tiếp tục chia sẻ những câu chuyện chốn công sở hoặc kinh nghiệm văn phòng để nhận được những tư vấn từ độc giả Emdep.vn. Tất cả những chia sẻ, mời các bạn gửi tới địa chỉ mail hanglt@i-com.vn

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Làm đẹp da bằng cách dùng cà chua đông đá