Thời tiết thay đổi đột ngột, trẻ nhập viện tăng vì bệnh đường hô hấp

2015-04-16 06:01
- (Em đẹp) - Thời tiết chuyển biến thất thường từ mưa lạnh sang nắng nóng, khiến nhiều trẻ bị viêm phổi phải nhập viện.
Khó phát hiện bệnh ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi
Trong một tuần trở lại đây, nhiều trẻ em có dấu hiệu ho, sốt và quấy khóc nên được gia đình đưa đi khám. Hầu hết các cháu đều được bác sĩ kết luận mắc các bệnh như: Hen phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Tại khoa nhi – Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ nhập viện tăng gấp 2 lần bình thường, trong đó chiếm đến 70% là những trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Số trẻ nhập viện tăng cao nên dù đã là cuối buổi chiều thậm chí cả ngày nghỉ, tại sảnh hay ngoài cửa phòng khám, số phụ huynh bế con đợi khám vẫn rất đông.
Nhiều phụ huynh lo lắng ngồi đợi đến lượt khám của con
Chi Nguyễn Thị Duyên – Quận Đống Đa (Hà Nội) có con gái 2 tuổi cho biết: “Những ngày trời trở rét tôi rất chú ý giữ ấm cho con, nhưng khi vừa có nắng nóng cháu có dấu hiệu sốt nhẹ, tôi đã tự điều trị tại nhà để hạ sốt cho con. Tuy nhiên cháu không giảm sốt mà tiếp tục bị tiêu chảy và viêm mũi. Thấy vậy tôi vội đưa con đến viện mới biết cháu bị viêm phổi
Trường hợp của con gái chị Duyên may mắn chỉ bị viêm phổi dạng nhẹ, nhiều trẻ không được phát hiện bệnh kịp thời, khi được đưa đến viện đã bị viêm phổi nặng thậm chí phổi còn bị tràn dịch. Hầu như những trường hợp này cha mẹ đều không biết, chỉ khi thấy kết quả từ phim chụp X quang, các bậc phụ huynh mới phát hoảng vì lo lắng.
Nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm phổi đồng loạt là do vi khuẩn phát triển và gây bệnh thuận lợi trong điều kiện thời tiết giao mùa. Đồng thời, nhiệt độ đã tăng nhưng nhiều gia đình vẫn cho con mặc ấm dẫn đến việc trẻ toát mồ hôi nhưng không thoát ra ngoài được mà thấm ngược vào trong khiến trẻ nhiễm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp, biến chứng nặng có thể dẫn tới suy hô hấp và viêm phổi.
Ở các trẻ lớn trên 1 tuổi, các bậc phụ huynh dễ phát hiện bệnh khi các cháu có dấu hiệu: ho, sốt và khó thở. Tuy nhiên, các trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn kém, khi mắc bệnh lại không có những dấu hiệu rõ ràng, khiến cha mẹ không phát hiện sớm bệnh ở con mình, dễ dẫn đến các biến chứng khó lường. Việc điều trị cũng vì thế mà phức tạp, khó khăn hơn
Nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi nhiễm bệnh nhưng không có dấu hiệu rõ ràng
Chị Trần Thị Ngọc – có con 3 tháng tuổi cho biết: “Tôi không thấy cháu có dấu hiệu gì quá bất thường, cháu chỉ quấy khóc khi bú và ít ngủ hơn. Tình trạng ấy kéo dài 2 ngày thì tôi đưa con đi khám, không ngờ cháu bị viêm phế quản”.
Dự đoán với thời tiết nắng nóng, ngột ngạt kéo dài như hiện nay, lượng trẻ nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp sẽ còn tăng và có diễn biến phức tạp trong những ngày tới.
Cha mẹ cần chủ động phòng bệnh cho trẻ
Để phòng bệnh cho con em mình, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ không khí trong phòng thông thoáng, sạch sẽ. Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp, không nên cho trẻ mặc quá lạnh hay quá nóng, nên chọn những loại quần áo với chất vải mát, dễ thấm mồ hôi. Cha mẹ cũng cần lưu ý giữ ấm cho trẻ về đêm và gần sáng để tránh trẻ bị nhiễm lạnh. Thường xuyên cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ sẽ giúp cha mẹ phát hiện bệnh cua con ngay từ giai đoạn đầu, giúp cho việc điều trị dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, trẻ cần được cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bú mẹ đầy đủ để tăng sức đề kháng. Tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi, nấm mốc. Nếu trong gia đình có người bị ho ho, sốt thì cần cách ly không được tiếp xúc với trẻ để tránh lây bệnh cho trẻ. Vệ sinh sạch sẽ những vật dụng trẻ tiếp xúc thường xuyên như bát ăn, thìa, bình sữa hay đồ chơi. Những người hay tiếp xúc với trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng ngừa khuẩn thường xuyên.
Các phụ huynh cũng cần để ý quan sát trẻ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu ban đầu nếu trẻ không may nhiễm bệnh. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu: ho, sốt, tiêu chảy, khó chịu, bú ít, ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường, quấy khóc và nhịp thở nhanh, dồn dập thì nên đưa trẻ đi khám. 
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cách phát hiện bệnh dễ nhất là đếm nhịp thở của trẻ bằng cách đặt tay lên ngực trẻ, mỗi lần ngực trẻ phồng lên là một nhịp thở, nếu trẻ thở từ 60 nhịp trở lên trong một phút tức là nhịp thở nhanh. Các bà mẹ nên theo dõi nhịp thở của con 3 lần/ ngày, nếu thấy con thở mà ngực lõm sâu tức là trẻ đã bị viêm phổi nặng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay.
Các bậc cha mẹ cũng nên chú ý, không tự chữa cho con tại nhà, bởi cách điều trị không đúng sẽ khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn và dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.
Thùy Linh
(Theo Congluan.vn)
 
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


15 phút tập săn cơ buổi sáng