Bác sĩ mổ đẻ làm gãy chân bé sơ sinh

2016-11-01 11:32
- Một ngày sau khi mổ đẻ cho sản phụ Trang, bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên mới phát hiện bé sơ sinh bị gãy xương đùi phải.

5 tuần trước chị Trang ở Đông Anh, Hà Nội, mang thai tuần thứ 34 về quê ngoại ở Hưng Yên chơi thì bị đau bụng. Chị vào Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên khám, bác sĩ chẩn đoán thai phụ có nguy cơ sinh non nên nhập viện theo dõi. N  gày 22/10, chị trở dạ và được các bác sĩ mổ bắt con, em bé chào đời nặng 3,6 kg. Trưa hôm sau, điều dưỡng phát hiện bé có một chân cứng một chân mềm nên đưa đi chụp X-quang, phát hiện trẻ bị gãy chân phải. 

Bác sĩ Đào Kim Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên cho biết, hội đồng khoa học của bệnh viện đã họp để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Theo hồ sơ bệnh án, sản phụ nhập viện từ ngày 24/9 dọa đẻ non, sau đó điều trị ổn định và có thể ra viện. Tuy nhiên, sản phụ mong muốn ở lại viện để bác sĩ tiếp tục theo dõi, đến ngày 22/10 thì chuyển dạ trong tình trạng thai ngôi ngược, em bé to nặng 3,6 kg. Khi mổ bắt con cho thai phụ, bác sĩ phát hiện trong bụng mẹ, em bé nằm ở tư thế một chân vắt lên đầu một chân để xuôi, nước ối vỡ, tử cung co chặt. Bác sĩ phải đưa em bé ra ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ. 

Theo bác sĩ Ánh, khi đón em bé chào đời, các bác sĩ đã kiểm tra tư thế chi, hoạt động chi thấy bình thường nên chuyển trẻ về khoa Nhi theo dõi. Lúc phát hiện chân bé sưng nề lên, bệnh viện kiểm tra ngay và cho chụp X-quang thì phát hiện chân phải bé gãy.  Bệnh viện trao đổi với gia đình sản phụ về 3 phương án điều trị cho bé: Cố định chi cho bé tại bệnh viện do bác sĩ chuyên khoa ngoại chấn thương thực hiện hoặc mời bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương về Hưng Yên hỗ trợ cố định chi; phương án thứ 3 là chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Người nhà chọn phương án đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương. 

“Đây là tai biến sản khoa khó tránh khỏi tuy bác sĩ đã lường trước các nguy cơ có thể xảy ra cho bé như sốc, gãy chân... Ban lãnh đạo cũng rút kinh nghiệm, tránh sai sót tương tự”, bác sĩ Ánh nói. 

Ngày 31/10, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Hưng Yên báo cáo trường hợp trên. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Hưng Yên tổ chức hội đồng chuyên môn xem xét vụ việc và có hình thức xử lý kỷ luật thích hợp đối với sai phạm nếu có. Bệnh viện có trách nhiệm giải thích và nhận lỗi với gia đình cũng như thống nhất hướng xử lý. Kết quả báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 3/11. 

Bộ cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh tăng cường đào tạo nâng cao năng lực xử trí, cấp cứu sản khoa cho y bác sĩ, đặc biệt là theo dõi, xử trí trong chuyển dạ. 

Theo Vnexpress

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹo 'cấp cứu' điện thoại rơi vào nước