Tại sao "Những kẻ lắm lời" gây “bão” showbiz Việt?
2015-11-23 18:56
- Hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân về "Những kẻ lắm lời”, khán giả cũng chia thành hai phe tranh luận quyết liệt về chương trình này trên mạng xã hội.
Tin liên quan
"Những kẻ lắm lời" (Bitches in Town) là một sản phẩm truyền thông được phát hành trên Youtube chứ không phải là một chương trình truyền hình được phát sóng với khung giờ cố định. Thế nhưng chương trình lại làm được điều mà không phải nhà đài chuyên nghiệp nào cũng làm được đó là gây chú ý đối với công chúng và các phương tiện truyền thông.
Kể từ khi ra mắt đến nay, chương trình này đã nhiều lần gây “bão” showbiz Việt từ chuyện khuyên một số ca sĩ không nên đi hát, đến việc lên tiếng bênh vực Hà Hồ hay mới đây là đáp trả hoa hậu Đặng Thu Thảo. Và sau mỗi lần gây tranh cãi thì lượng người tiếp cận chương trình ngày một tăng.
Chương trình được đăng tải trên Youtube thay vì phát sóng trên truyền hình.
Bối cảnh quay đơn giản, không cần quá nhiều phương tiện kỹ thuật, “Bitches in Town” là một chương trình hoàn toàn mới ở Việt Nam, mặc dù format có dựa theo một số chương trình của nước ngoài nhưng cách tung hứng và xây dựng chủ đề của các host thì khác hẳn.
Người dẫn dắt chương trình là MC Thùy Minh, stylist Lê Minh Ngọc và nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch. Trong đó, Thùy Minh vẫn được biết là một MC cực kỳ cá tính, có nhiều kinh nghiệm làm truyền thông; Lê Minh Ngọc là một cựu biên tập viên thời trang có tiếng của nhiều tạp chí danh giá, hiện vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực thời trang; còn Nguyễn Ngọc Thạch là một nhà văn đồng tính với nhiều tác phẩm gây tiếng vang trên văn đàn trẻ.
Thùy Minh, Lê Minh Ngọc và Nguyễn Ngọc Thạch tự nhận mình là “Những kẻ lắm lời” trong chương trình này và do vậy vấn đề mà họ đề cập cũng mang tính “chuyện nhà người ta”. Nội dung thường xoay quanh những sự kiện nổi bật trong showbiz, phát ngôn ấn tượng của một ai đó, một bộ trang phục mới của sao Việt hoặc một bộ phim mới ra rạp.
Các “chủ xị” công khai bày tỏ quan điểm của mình thông qua cách nhìn nhận hài hước, hay nói đúng hơn là “không sợ ai” và sẵn sàng nhận “gạch đá”. Nhìn chung, “Bitches in Town” có cách nói chuyện tự nhiên, không phụ thuộc vào kịch bản nhằm cung cấp sự sảng khoái nhất cho khán giả.
Thùy Minh là người khởi xướng "Bitches in Town".
Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu như “Bitches in Town” không đi quá giới hạn cho phép của một chương trình truyền thông, mặc dù không phát trên truyền hình nhưng cũng nhằm hướng đến công chúng. Nhiều số của chương trình bị khán giả chê là sử dụng ngôn ngữ bừa bãi, thiếu tôn trọng người nghe và trái với văn hóa của Việt Nam.
Hoa hậu Thu Thảo cho rằng chương trình nên dừng lại, nhà báo Trác Thúy Miêu thì quả quyết chương trình đã đi sai định hướng ban đầu, trong khi phía ca sĩ Đông Nhi khẳng định sẽ làm rõ ảnh hưởng của chương trình đến hình ảnh của ca sĩ và sau đó sẽ nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Trong bối cảnh showbiz Việt nhiều chiêu trò giả tạo thì việc một chương trình dám nói thẳng vào các vấn đề của nghệ sĩ, không ngại chê một bộ trang phục xấu hay một bộ phim dở như “Bitches in Town”, nhẽ ra cần phải được khen ngợi. Tuy nhiên cái gì quá cũng không tốt, “Bitches in Town” đã đi quá sức chịu đựng của nghệ sĩ.
Khi một người của công chúng bị công khai chỉ trích trên một chương trình nhiều người theo dõi thì chắc chắn họ sẽ phải tìm cách để bảo vệ hình ảnh của mình và người hâm mộ của nghệ sĩ đó chắc chắn không để thần tượng của mình bị thóa mạ với những ngôn ngữ không đẹp.
Lê Minh Ngọc là "chủ xị" mảng "Hôm nay mặc xấu" của chương trình.
“Bitches in Town” tự nhiên trở thành một cơn “bão” trong showbiz Việt vì ở nước ta chưa bao giờ có một chương trình như vậy. Xét về mặt tích cực thì đây là một chương trình giải trí, có thể giúp khán giả thư giãn sau thời gian học tập, làm việc căng thẳng. 3 “chủ xị” cũng là những người có tên tuổi trong giới nghệ sĩ và truyền thông nên những phát ngôn của họ được chú ý hơn. Đối tượng mà chương trình nói đến lại là người nổi tiếng nên lại càng thu hút sự quan tâm của công chúng.
Nhiều người cho rằng chương trình nhảm nhí nhưng khéo chính họ vẫn xem chương trình, thậm chí còn xem đi xem lại nhiều lớn vì thói hiếu kỳ và tò mò. Điều đó chứng tỏ “Bitches in Town” đã thành công trong việc thu hút khán giả. Và trong môi trường truyền thông hiện đại, có khán giả là có quảng cáo và có kinh phí để tiếp tục sản xuất.
Một số ý kiến lên án “Bitches in Town” và cho rằng chương trình này nên dừng lại. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người xem, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng “Bitches in Town” là một cuộc chơi mới lạ và mang lại nhiều điều thú vị cho môi trường showbiz. Sự hiện diện của “những kẻ lắm lời” cũng là một trong những cách để nghệ sĩ quan tâm hơn đến phát ngôn của mình cũng như chỉnh chu hơn trong cách ăn mặc để không còn trở thành nhân vật của “Bitches in Town”. Chương trình này mang lại một làn gió mới cho môi trường giải trí và do vậy không nhất thiết phải ép chương trình dừng lại.
“Bitches in Town” chỉ cần khắc phục một số hạn chế thì hoàn toàn có thể trở thành một chương có tiếng trên Youtube ở Việt Nam. Những ngôn ngữ thiếu văn hóa hoặc chưa chuẩn mực của các “chủ xị” nên được thay đổi theo hướng tích cực, một số từ nhạy cảm nên được xử lý bằng kỹ thuật âm thanh để khán giả không nghe thấy.
Khi nhận xét trang phục của một nghệ sĩ, các “chủ xị” có thể nhận xét nhẹ nhàng hơn, theo hướng góp ý, tuyệt đối không để nghệ sĩ cảm thấy xấu hổ, tự ti hoặc có cảm giác bị lăng mạ. Khắc phục được những hạn chế còn tồn tại, “Bitches in Town” chắc chắn là một chương trình được yêu thích và khán giả sẽ tìm đến “Những kẻ lắm lời” không phải vì tò mò nữa mà là vì đây là một chương trình cung cấp những thông tin lý thú, cùng cách nhìn nhận đa chiều về một vấn đề trong showbiz Việt.
Lê Đức
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
6 người đẹp Việt khiến cư dân mạng 'thót tim' vì diện váy xẻ quá cao